Gần 60 năm kể từ lần đầu tiên gặp Bác đã trôi qua, nhưng đối với ông Nguyễn Văn Quế (82 tuổi, ở Làng Sen), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thì cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn.
“Phái đoàn đặc biệt”
Gần 60 năm kể từ lần đầu tiên gặp Bác đã trôi qua, nhưng đối với ông Nguyễn Sinh Quế (82 tuổi, ở Làng Sen), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thì cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn. Ông nhớ: “Lần đầu tiên Bác về thăm quê ngày 16/6/1957, lúc đó mặc dù là cán bộ xã, nhưng tôi và anh em đều không biết chuyến về thăm này, chỉ biết là xã đang chuẩn bị đón một “phái đoàn đặc biệt”. Đến khi nhìn thấy Bác ngồi trong xe ô tô, đưa tay vẫy chào, mọi người mới mừng vui khôn xiết, tất cả đều đồng loạt đứng dậy hô lớn: “Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
50 năm kể từ ngày rời xa quê hương, ngày trở về Bác giản dị trong bộ quần áo gụ, bên ngoài là chiếc áo kaki, chân đi đôi dép cao su, chất giọng Nghệ An vẫn không đổi. Là người đứng đầu đất nước, nhưng khi về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đi chiếc ô tô cũ kỹ do một người bưu tá điều khiển. Bà Dương Thị Vân (85 tuổi - Làng Sen) nhớ lại: “Cả làng không ai biết Bác về, nên khi nghe tiếng reo vang “Bác Hồ! Bác Hồ về thăm quê!”, chúng tôi vội vàng vứt cày bỏ cuốc, leo lên bờ chạy về gặp Bác. Mọi người mừng mừng, tủi tủi vừa chạy vừa khóc”.
|
Ông Nguyễn Sinh Quế và những người may mắn được gặp Bác đang ôn lại kỷ niệm ngày Người về thăm quê |
Những người được gặp Bác ngày ấy vẫn nhớ như in: Bước xuống xe, các cán bộ mời Bác về nhà khách nghỉ ngơi, Bác cười đôn hậu: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà”. Trước bàn thờ tổ tiên và trước những kỷ vật thời thơ ấu, Bác đứng trầm ngâm, khóe mắt ngấn lệ. Bác đi vào gian nhà ngoài, nơi thờ cúng gia tiên và có treo bức chân dung cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bao nhiêu năm xa quê, nay trở về, từng chi tiết, từng đồ vật trong nhà Bác đều nhớ rõ. Bác nhắc lại từng thứ một có trong nhà, trong vườn và cả những người hàng xóm khiến bà con không ai cầm nổi nước mắt vì xúc động.
Ông Quế vẫn nhớ khi: “Bác chỉ vào mấy cháu thiếu niên 13,14 tuổi bảo “Lúc Bác đi bằng từng này, khi trở về đã đầu bạc. Thường thường người đi xa lâu ngày thì mừng mừng tủi tủi, riêng tôi mừng chứ không tủi, vì khi ra đi nước nhà còn nô lệ, tôi cũng là một nô lệ nhỏ, bây giờ về nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã được tự do”. Chia tay bà con trong tiếng hát “Kết đoàn”, Bác gửi lại cho các cụ cao niên 5kg trà và 5kg kẹo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Khi về thăm quê Bác căn dặn Đảng bộ, chính quyền nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đừng để “đèn nhà ai nhà nấy rạng”; phải chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, đừng để các cháu gầy gò, ốm yếu, đau mắt hột. Trước lúc ra về, Bác còn nói: “Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt, Kim Liên xây dựng được xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm lần nữa...”.
Lần thứ hai Người về thăm quê
Đó là vào ngày 9/12/1961, nhân dân Kim Liên lại vui mừng đón Bác. Cụ Trần Văn Tư (85 tuổi - xóm Hoàng Trù) bồi hồi: “Ngày ấy nhân dân tỉnh nhà nô nức, háo hức đón Bác, vui như hội, người đứng chật kín mọi ngả đường. Dưới gốc cây đa ngay sân vận động Làng Sen, hàng ngàn người xếp thẳng hàng, học sinh đứng trước, đồng bào đứng sau, bộ đội đứng bao quanh sân vận động”. Bác đặt chân xuống Hoàng Trù quê mẹ trước. Bác chậm rãi bước đi, bùi ngùi khi mọi đồ vật trong nhà vẫn nguyên như cũ: Chiếc võng mẹ à ơi ru ba anh chị em Bác, khung cửi kẽo cà kẽo kẹt nuôi sống cả gia đình, những cuốn sách của cha...
Chia tay Hoàng Trù quê ngoại, Bác ghé về quê nội Làng Sen, Người đã có cuộc nói chuyện thân mật với bà con. Người nói: “Năm kia, Bác về thăm làng. Lần này, Bác lại về thăm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều…”.
Ông Nguyễn Sinh Quang (91 tuổi - Làng Sen) vẫn nhớ: “Bác từ từ hỏi thăm tình hình bà con, từ cuộc sống hàng ngày tới công tác sản xuất. Chúng tôi như nuốt trọn từng lời, ai cũng quý trọng từng khoảnh khắc được gặp Bác”. Sau cuộc nói chuyện thân tình, hàng nghìn người lại đồng thanh bài ca “Kết đoàn” để lần thứ hai tạm biệt Bác.
Những người có vinh dự gặp Bác, nay đã ngoại bát tuần, cửu tuần nhưng mỗi lần nhắc về Người, những đôi mắt hằn sâu màu thời gian ấy vẫn ngân ngấn nước mắt bởi “Không ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng Bác trở về quê nhà”.
Nỗi đau ngày tiễn biệt!
Tháng 9/1969, hàng nghìn người con quê hương cay đắng lăn dài những giọt nước mắt thương tiếc Bác.
Ông Quế ngậm ngùi: “Lúc bấy giờ, tôi là Hiệu Trưởng trường Nông nghiệp Nghệ An, thông tin về sức khỏe Bác, tôi được thông báo từng ngày một. Biết Bác yếu dần mà bản thân bất lực, chấp nhận quy luật sinh - lão - bệnh - tử của tạo hóa. Chuẩn bị trước được tinh thần, nên ngày mùng 3 tháng 9, nhận tin từ Trung ương, tôi không sốc mà vô cùng đau đớn”.
Ông Hoàng Thế Tửu (thôn Hoàng Trù) vẫn nhớ: “Còn chúng tôi đang gặt lúa ngoài đồng thì nghe tin buồn. Không ai dám tin vào sự thật, lẳng lặng lên bờ gào khóc như mất chính cha mẹ ruột của mình”. Những ngày ấy nhà nào cũng lập bàn thờ Bác. Trái tim người dân Kim Liên cũng như con dân cả nước - những người dù đã gặp hay chưa một lần thấy Bác đều cuộn nhói trước nỗi mất mát to lớn này. Ngay sau đó, dòng họ Nguyễn Sinh làm lễ tang dưới gốc cây đa - nơi chứng kiến hai lần Bác về thăm quê để tiễn đưa Người. Ngày 12/9, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ truy điệu Bác ở hội trường Hai Giỏi (xã Kim Liên). Hàng triệu người dân đổ về tiễn Bác.
Tháng 5 này, tròn 125 năm ngày sinh nhật Bác, nhân dân Kim Liên nói riêng và cả nước nói chung đang không ngừng cố gắng lao động sản xuất, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh phồn vinh như tâm nguyện lúc sinh thời của Bác.
NGỌC NGÀ