Dành những quyền ưu tiên, tạo ra môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện cho trẻ em; bảo vệ, giáo dục, chăm sóc, bảo đảm trẻ em được sống hạnh phúc chính là một trong những mục tiêu hàng đầu của Lâm Đồng trong lộ trình phát triển nhanh và bền vững.
Dành những quyền ưu tiên, tạo ra môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện cho trẻ em; bảo vệ, giáo dục, chăm sóc, bảo đảm trẻ em được sống hạnh phúc chính là một trong những mục tiêu hàng đầu của Lâm Đồng trong lộ trình phát triển nhanh và bền vững.
Một trong những thành công lớn nhất của một tỉnh miền núi như Lâm Đồng trong chương trình hành động vì trẻ em qua từng giai đoạn, chính là sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Việc trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm nhanh, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt phổ cập trung học cơ sở, chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập cộng đồng, tổ chức được nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em ngày càng được đảm bảo... là những nét khái lược nói lên sự thành công của Lâm Đồng trong thời gian vừa qua trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
|
Đảm bảo trẻ em được sống hạnh phúc chính là một trong những mục tiêu hàng đầu của Lâm Đồng. Ảnh: Nguyên Thi |
Nếu tính từ năm 2005, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi là 27,5% thì đến nay chỉ còn trên 20%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2005 là 23,4% thì hiện tại chỉ còn hơn 10%. Cũng qua điều tra khảo sát, năm 2005 tỷ lệ các gia đình có trẻ em ở nông thôn được tiếp cận với nước sạch chỉ đạt 53% thì đến nay đã đạt được gần 84%. Phải khẳng định rằng, những con số trên không cao, nhưng đó là kết quả từ các nỗ lực của một địa phương vốn còn rất nhiều khó khăn như Lâm Đồng.
Về giáo dục trẻ em, đến nay Lâm Đồng cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2007 và phổ cập giáo dục THCS năm 2008. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ là 16,9%; tỷ lệ trẻ em nhập học tiểu học đúng độ tuổi là 99,75%, THCS là 88,55%. Thành quả đó rất đáng ghi nhận, nếu như biết rằng việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn chậm, nhiều huyện vẫn còn thiếu trường học mầm non, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đồng bộ. Đặc biệt, nguy cơ thiếu phòng học tăng quá định biên học sinh/lớp ở bậc học mầm non, tiểu học và THCS không đáp ứng được yêu cầu học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, nhu cầu trẻ khuyết tật học tại trường chuyên biệt và nhu cầu gửi trẻ độ tuổi nhà trẻ (3 đến 4 tuổi) và trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở một huyện nghèo còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Ngay từ khi Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục (BVCSGD) trẻ em được ban hành, việc vui chơi giải trí và thực hiện quyền của trẻ em cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai công tác tuyên truyền thông qua các hình thức như: cổ động trực quan, biểu diễn văn nghệ, chọn lựa những bộ phim mang chủ đề giáo dục, chăm sóc trẻ em để chiếu lồng ghép trong các đợt chiếu phim lưu động; tổ chức tuần lễ phim dành cho trẻ em trong các dịp hè. Toàn tỉnh hiện có 1 nhà thiếu nhi, 2 nhà thiếu nhi cấp huyện; năm 2010 có 1 trung tâm thanh thiếu nhi do tỉnh quản lý; nhà văn hóa thôn, buôn, khu phố, nhà sinh hoạt cộng đồng dành riêng cho trẻ em là gần 1.100 điểm; số điểm vui chơi dành cho trẻ em cấp xã là 111 điểm. Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em vẫn chưa được cải thiện nhiều; vẫn còn sự chênh lệch quá lớn giữa trẻ em nông thôn và thành thị; thêm vào đó, xu hướng phát triển của xã hội, mạng truyền thông, internet với mặt trái của nó vẫn luôn là thách thức, trở ngại không nhỏ đối với việc chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bên cạnh những khó khăn và thách thức không dễ để khắc phục trong thời gian ngắn, việc chăm sóc - bảo vệ và giáo dục trẻ em tại Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm vào cuộc của rất nhiều tầng lớp nhân dân, các ban, ngành, tổ chức xã hội.
Hàng trăm tỷ đồng đã được trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các chương trình về nguồn, công tác xã hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2014, 32 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh đã được chỉ định phẫu thuật với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng thông qua nguồn tài trợ của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Tp. Hồ Chí Minh, Tập đoàn VinaCapital; trên 20.300 em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh cũng đã nhận được những món quà tết đầy ý nghĩa với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng; trẻ em nghèo tại 12 huyện, thành phố cũng đã nhận được trên 81.500 phần quà trung thu với tổng kinh phí trên 3 tỷ 360 triệu đồng và hàng tỷ đồng khác của các nhà hảo tâm, sự đóng góp từ thiện của mỗi cá nhân cũng đã mang lại nụ cười cho hàng trăm trẻ em bị sứt môi – hở hàm ếch, xe đạp cho các em đến trường, phao cứu sinh cho các em trong mùa mưa lũ...
Tháng Hành động vì trẻ em năm 2014 với chủ đề “ Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” đã diễn ra với nhiều tín hiệu tốt đẹp cho trẻ em của mảnh đất Nam Tây Nguyên. Năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” trong đó tập trung vào các nội dung: trẻ em được tham gia vào các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống trẻ em; trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; đầu tư cho trẻ em - đầu tư cho tương lai của đất nước... hy vọng sẽ thêm một lần nữa mở ra cánh cửa cho các em có được hành trang tốt nhất, vững vàng nhất trên con đường vào đời.
° Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nếu soi chiếu ở góc nhìn đa chiều, chính là việc đầu tư cho tương lai, bởi trẻ em là những công dân đặc biệt của xã hội, quyết định sự hưng suy trong lộ trình phát triển của một quốc gia hay dân tộc nào đó. Xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được coi là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, đây cũng là nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Chính vì vậy, dù trong điều kiện nào, Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
° Ở Việt Nam, trẻ em chiếm 1/4 dân số. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em (CRC). Có 22 đạo luật liên quan đến quyền trẻ em, từ Hiến pháp; Luật Lao động; Luật Dân sự; Luật Hình sự; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...
° Theo kết quả thống kê, đến hết năm 2014, Lâm Đồng có 1.262.126 người. Trong đó, số trẻ em từ 0 - 16 tuổi: 415.865 em, chiếm 32,94% dân số; số trẻ em từ 0 - 6 tuổi: 139.269 em, chiếm 11,03% dân số. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật BVCSGDTE năm 2005 là 4.887 em, năm 2014 là 3.535 em (giảm 27,7%); trẻ em khuyết tật là 1.802 em; trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa là 1.026 em.
° Theo thống kê của Công an Lâm Đồng: Từ năm 2005 đến 12/2014, trẻ em bị xâm hại tình dục tăng đáng kể (năm 2005: 20 em; 2014: 39 em); trẻ em vi phạm pháp luật tăng 25 em (so với năm 2005 là 119 trẻ); đặc biệt có 63 em nghiện ma túy trong năm 2014 và trẻ em bị buôn bán bắt cóc năm 2007 là 1 em, năm 2011 là 2 em. Lam Anh (tổng hợp)
|
Linh Đan