Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ở Việt Nam

08:05, 07/05/2015

Tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y. 

Tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y. 
 
Trên thế giới, việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 50 của thế kỷ trước, với mốc đột phá từ năm 1959 khi Thomas ghép tủy xương thành công ở 2 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Đến nay, ghép tế bào gốc đã trở thành một phương pháp điều trị quan trọng vì có thể chữa khỏi được cho những bệnh máu ác tính. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 28.000 trường hợp ghép tế bào gốc tự thân và 21.000 trường hợp ghép tế bào gốc đồng loài. Ở Việt Nam, tính đến tháng 4/2015, cả nước đã ghép được 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loài. 
 
Thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều chuyên khoa: mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mỹ, nhi khoa… Năm 1995, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Tp.HCM đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới tế bào gốc ở nước ta bao gồm: tổ chức các Trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh… 
 
Từ năm 2007, nhóm nghiên cứu gồm các bác sĩ của Bệnh viện TW Quân đội 108 đã nghiên cứu áp dụng phương pháp sử dụng tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị một số tổn thương xương khớp khó hồi phục như: khuyết hổng xương do kéo dài chi, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Đây là những kỹ thuật lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị ghép tế bào gốc tủy xương tự thân cho 60 bệnh nhân từ tháng 1/2008 - 2/2015 đã cho thấy tế bào gốc tủy xương có hiệu quả rõ rệt và an toàn trong điều trị liền xương, phục hồi các tổn thương xương khớp. 
 
Nghiên cứu kết quả ghép tế bào gốc tự thân trên 60 bệnh nhân đa u tủy xương và 22 bệnh nhân u lympho tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương giai đoạn 2006 - 2014 cho thấy thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân 2 năm sau ghép chiếm 85,2%, sống 3 năm là 86,2% và trên 5 năm chiếm 57,8%. 
 
Tháng 6/2013, Khoa Huyết học - Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành điều trị ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi tự thân trên bệnh nhân đa u tủy. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị trên 11 bệnh nhân được ghép thì tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn sau ghép chiếm 81,8%, thời gian sống toàn bộ là 100% và thời gian sống không bệnh tại thời điểm 1 năm là 80%. 
 
Từ năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh. Từ chỗ chỉ ghép 4 - 6 ca/năm, lên đến 50 ca/năm 2014. Đến tháng 4/2015, Viện đã tiến hành ghép được trên 150 ca bao gồm cả ghép tự thân và ghép đồng loài, đặc biệt đã có 2 ca được ghép từ máu dây rốn từ Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện.
 
Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã có 32 cơ sở tổ chức nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, trong đó có 9 trường đại học, viện nghiên cứu; 20 bệnh viện, viện điều trị và đặc biệt có 3 công ty tư nhân đã tham gia lĩnh vực này. Việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị đã trở thành thường quy ở các nước phát triển và đôi khi là tiêu chuẩn đánh giá một nền y học tiên tiến. Bởi việc trị liệu dựa vào tế bào gốc cần ít nhất 2 nhóm nhân lực là các nhà khoa học tế bào gốc và các bác sĩ tế bào gốc. Tuy nhiên cả hai đang trong tình trạng thiếu và yếu, hiện cả nước có chưa tới 50 người được đào tạo chính quy về tế bào gốc cũng như số lượng bác sĩ tế bào gốc quá ít. Bên cạnh đó, các thiết bị nghiên cứu còn thiếu và đã bắt đầu lạc hậu. Nguồn tế bào cho cấy ghép còn thiếu và các kỹ thuật phụ trợ cho ngành tế bào gốc chưa phát triển đồng bộ. 
 
Sự kiện quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam là việc ra đời Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng vào tháng 9/2014. Để đảm bảo hiệu quả và sự bền vững của việc thu thập nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã hợp tác với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu thập máu dây rốn từ những người tình nguyện hiến. Tính đến tháng 3/2015, Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện đã lưu trữ được trên 1.000 đơn vị tế bào gốc máu dây rốn. Tất cả các mẫu máu dây rốn đều được xử lý bằng một quy trình kỹ thuật tự lắng để loại bỏ hồng cầu mà các cán bộ của Viện đã học tập từ các chuyên gia Nhật Bản. Các mẫu máu dây rốn được lưu trữ tại Ngân hàng còn có ưu điểm vượt trội so với các ngân hàng máu dây rốn khác trong nước, đó là tất cả các mẫu này đều được xét nghiệm HLA độ phân giải cao. Vì vậy, khả năng bệnh nhân tìm kiếm được tế bào phù hợp rất cao, kết quả bước đầu đã có 45 bệnh nhân tìm kiếm nguồn tế bào gốc thì có 44 trường hợp tìm được mẫu máu dây rốn phù hợp.
 
Ghép tế bào gốc đồng loài được coi là bước đột phá trong lĩnh vực y học nước nhà, là 1 trong 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012. Sự ra đời của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng cho phép áp dụng nhiều hơn nữa ghép tế bào gốc đồng loài cho các bệnh nhân cần ghép nhưng không có người cho là anh chị em ruột phù hợp HLA. Chi phí cho việc bảo quản mẫu tế bào gốc lên đến 20 triệu đồng/mẫu và việc chi phí mua một mẫu tế bào gốc là 8.000 - 15.000 USD/mẫu, tuy nhiên, đối với Việt Nam phát triển nguồn mẫu tế bào gốc bằng cách vận động người tình nguyện hiến. Chi phí điều trị ghép tế bào gốc rất lớn, vì vậy, việc xem xét và đề xuất vấn đề BHYT chi trả trong các trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh, đỡ bớt gánh nặng chi phí cho bệnh nhân đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đưa ra tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Tế bào gốc lần thứ 3 tổ chức tại Đà Lạt mới đây. 
 
Ý kiến của các nhà nghiên cứu tế bào gốc
 
TS-BS Dominique Bron, Đại diện Hội Huyết học - Truyền máu Châu Âu (Trưởng Khoa Huyết học Lab và Lâm sàng, Viện Jules Bordet, Bỉ): 
 
“Mở rộng hợp tác nghiên cứu tế bào gốc”
 
Chúng tôi đã có cơ hội hợp tác với VN về chương trình ghép tế bào gốc từ năm 1999. Từ đó đến nay, tôi rất vui mừng khi đón nhận những thành tựu đạt được của VN, đặc biệt là Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Chúng ta đã có thể ghép tự thân, ghép đồng loài, ghép cho trẻ em hoặc người lớn, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai phát triển của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng VN. Hiện tại VN đã có các nghiên cứu về tế bào gốc, có hệ thống labo, nghiên cứu về sinh học phân tử di truyền, ghép tế bào gốc thực sự rất ổn định, phát triển trong tương lai. 
 
Chúng tôi rất mừng tham dự hội nghị này (Hội nghị khoa học toàn quốc về tế bào gốc lần thứ 3 - PV) có đến 300 người gồm các bác sĩ, nghiên cứu viên, điều này cho thấy thực tế rất cần những hội nghị khoa học như thế này phát triển ở VN. Đại diện cho Hội Huyết học Châu Âu, tôi mong muốn phát triển chương trình trao đổi hợp tác về đào tạo, về lâm sàng và nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đã có chương trình hợp tác với các bệnh viện, trường đại học y ở Huế và Tp.HCM từ 1999 và bây giờ muốn mở rộng thêm việc hợp tác giữa các trường, bệnh viện VN cử các bác sĩ, nghiên cứu viên sang Viện chúng tôi để học và nghiên cứu về tế bào gốc.
 
GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu VN: 
 
“Tế bào gốc thực sự là một thần dược”
 
Các hoạt động về tế bào gốc đã bắt đầu từ năm 1995 tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Tp.HCM. Nhưng công bằng mà nói, do chúng ta còn thiếu những điều kiện cho nên liên tục đến tận cách đây khoảng 5 năm thì chúng ta vẫn đang còn rất ít ỏi. Năm 2010, được sự cho phép của Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về tế bào gốc lần đầu tiên, tôi ghi nhận đó như một cú hích của tất cả các hoạt động. Năm 2011, Hội ghép Tế bào gốc quốc tế đã nhận ra rằng ở VN đã có những bước chuyển cho nên đã tổ chức Hội nghị Tế bào gốc quốc tế tại Hà Nội. Đặc biệt, từ sau Hội nghị Tế bào gốc quốc gia lần thứ 2 - năm 2013, cho đến bây giờ ở VN chúng ta đã có rất nhiều thành tựu về tế bào gốc đáng ghi nhận. Đó là việc tổ chức được các ngân hàng tế bào gốc ở Tp.HCM, Hà Nội và nhiều bệnh viện công lập cũng như tư nhân. Đặc biệt nổi trội từ tháng 4/2014 đến nay tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức được Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn của cộng đồng để tiếp nhận máu dây rốn của cộng đồng và phục vụ cho toàn bộ cộng đồng, mở ra một hướng rất mới và rất hữu hiệu trong việc có nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho các bệnh ác tính liên quan tới máu. Một loạt những thành công về ghép tế bào gốc ứng dụng trị bệnh trong các bệnh viện của ngoại khoa, đặc biệt vấn đề về xương, liền xương trong trường hợp có khớp giả, bó bột lâu lành thì ghép tế bào gốc rất hiệu quả. Tế bào gốc dần dần áp dụng thành công trong da liễu, trong bỏng, trong lĩnh vực về mắt và thành công nhất là ghép tế bào gốc để điều trị các bệnh về máu. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Tp.HCM và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có nhiều thành tựu rực rỡ trong vòng 2 năm vừa qua. 
 
Năm 2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ghép 50 trường hợp, tỉ lệ thành công từ 75 - 85% và hầu hết là bệnh ác tính - Những bệnh mà trước đây không bao giờ nghĩ đến có thể điều trị được như: ung thư máu, hội chứng suy tủy xương mà bây giờ có rất nhiều trường hợp đã ghép thành công, bệnh nhân về nhà, kết hôn, sinh con đẻ cái, nhiều người xin được công ăn việc làm trở lại cuộc sống bình thường - Đó là thành tựu hết sức to lớn. Tế bào gốc thực sự là một thần dược, thực sự là một loại thuốc quý và ghép tế bào gốc để áp dụng điều trị được rất nhiều các nhóm bệnh, không những của huyết học mà của ngoại khoa, ung thư, mắt, bỏng… càng ngày càng mở rộng và điều đó nói lên rằng, trong khoảng thời gian ngắn, VN chúng ta đã có bước chuyển mình rất đáng ghi nhận. Tôi hy vọng với những bước chuyển mình đó, chúng ta có thể tiếp cận được với tiến bộ về tế bào gốc quốc tế. 
 
Ths - BS Nguyễn Thị Tuyết Mai - Bệnh viện Bạch Mai: 
 
“Ghép tế bào gốc đòi hỏi kỹ thuật cao, các bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu bài bản”
 
Ths - Bs Tuyết Mai tham gia báo cáo đề tài nghiên cứu về “Diễn biến sớm 5 bệnh nhân sau ghép đồng loài tế bào gốc máu ngoại vi tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2013 -2014” tại Hội nghị tế bào gốc toàn quốc lần thứ 3. Chị cho biết, để tiến hành ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Bạch Mai thì đã có sự chuẩn bị trước đó rất lâu. Đầu tiên cử người đi sang Nhật học và xây dựng hệ thống phòng ghép với điều kiện vô trùng ở bệnh viện đã đầu tư kinh phí rất lớn. Ghép tế bào gốc, đặc biệt là ghép tế bào gốc đồng loài đòi hỏi kỹ thuật cao, các bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu bài bản. Ở Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ được cử đi học trong nước (ở các viện, bệnh viện phía Nam có kinh nghiệm ghép thành công), cử sang nước ngoài học. Kết quả ứng dụng tế bào gốc hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghép hơn 20 ca, có 5 ca ghép tế bào gốc đồng loài. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các bệnh nhân ghép đều ổn định sức khỏe, đặc biệt 5 ca ghép đồng loài kết quả xét nghiệm đánh giá rất tốt.                                              (An Nhiên ghi)
 
DIỆU HIỀN