Về chiến khu xưa

09:05, 04/05/2015

Tháng Tư, tháng của những sự kiện lịch sử lớn, tôi có dịp theo chân các bác, các cô, các chú..., những người nguyên là cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Khu ủy Khu VI (gọi tắt là Khu VI), hành hương về vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

Tháng Tư, tháng của những sự kiện lịch sử lớn, tôi có dịp theo chân các bác, các cô, các chú..., những người nguyên là cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Khu ủy Khu VI (gọi tắt là Khu VI), hành hương về vùng căn cứ cách mạng năm xưa.
 
Tại chiến khu xưa, những chiến sĩ cách mạng năm nào giờ đều đã ở tuổi 70, 80 ôm chầm lấy nhau: “Còn nhớ không, hồi đó!...”. Những dòng hồi ức đong đầy, những cảm xúc thiêng liêng dồn nén chợt vỡ òa sau hơn 50 năm, 40 năm gặp lại. Nhiều người trong số ấy đã không cầm được nước mắt. Bao câu chuyện vui buồn, bao kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội bỗng sống lại nơi những con người đã làm nên lịch sử và đi cùng lịch sử. 
 
Liên hoan tiếng hát 3 thế hệ Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ảnh: H. Sang
Liên hoan tiếng hát 3 thế hệ Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ảnh: H. Sang

Căn cứ Khu VI được thành lập vào tháng 5/1961 theo Quyết định của Bộ Chính trị. Bấy giờ, nhiệm vụ của Khu VI là tập trung củng cố và xây dựng lực lượng, giữ vững vùng căn cứ, giữ vững địa bàn chiến lược, nhằm nối thông hành lang Bắc - Nam. Theo yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan Khu VI chọn đứng chân ở phía Bắc sông K’Rông Nô (Đăk Lăk). Để phù hợp với công tác lãnh đạo chung, tháng 10/1963, Bộ Chính trị quyết định điều chỉnh lại địa bàn Khu VI. Khánh Hòa và Đăk Lăk giao về lại Khu V. Khu VI nhận thêm 2 tỉnh Phước Long và Lâm Đồng từ Khu X giao qua. Cơ quan Khu VI chuyển địa bàn từ phía Bắc sông K’Rông Nô về vùng đất Cát Tiên, tiếp giáp với Lâm Đồng và Phước Long. Theo đó, nhiệm vụ của Khu VI là tiếp tục giữ vững căn cứ hành lang, đấu tranh chống phá âm mưu bình định của địch, mở rộng vùng giải phóng ở nông thôn và phát triển phong trào cách mạng ở các đô thị.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt. Cuối năm 1965 đầu năm 1966, đế quốc Mỹ chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” và trực tiếp nhảy vào miền Nam Việt Nam. Từ thực tế chiến trường, Trung ương Cục miền Nam (R) quyết định điều chỉnh lại địa bàn Khu VI. Ở lần điều chỉnh này, Khu VI giao lại 2 tỉnh Phước Long và Quảng Đức để cùng với tỉnh Bình Long hình thành khu đệm của R. Lúc này, Khu VI còn lại các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy. Nhiệm vụ của Khu VI trong tình hình mới là tập trung đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng về vùng đồng bằng và đô thị, giữ vững hành lang thông suốt từ Tây Nguyên về R. Tháng 11/1966, các cơ quan Khu VI và Quân Khu ủy Khu VI chuyển địa bàn từ Cát Tiên về căn cứ Bình Thuận, giáp Lâm Đồng. Giữa năm 1974, cơ quan Khu VI và Quân Khu ủy Khu VI chuyển về phía Bắc đường 20 (Lâm Đồng) và thành lập Bộ phận tiền phương chỉ đạo giải phóng Tánh Linh, Hoài Đức...
 
Ông Huỳnh Minh Xuyến, nguyên cán bộ Văn phòng Khu VI, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, khẳng định: Trong ngần ấy năm, Khu VI đã lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng vũ trang đứng lên chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi, góp phần cùng quân và dân miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. 
 
Bằng những chiến tích của mình, Khu VI đã hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh lịch sử” trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Ghi nhận những chiến công to lớn của quân và dân Khu VI, năm 2010 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Khu VI là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì việc tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến Khu VI. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch bắt đầu khởi công công trình này từ tháng 5/2010. Và, theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012. Tuy vậy, trong chuyến “về nguồn” này, tận mắt chứng kiến các hạng mục đã và đang được thi công, những chiến sĩ năm xưa buột miệng: “Còn rất nhiều việc phải làm đấy!”. Ông Vương Hồng Châu, nguyên Phó Văn phòng Khu VI, mong muốn: Chúng tôi giờ đã ở vào tuổi “cổ lai hy” cả rồi, chỉ mong sao được tận mắt nhìn thấy Khu VI hoàn thành trước khi về với các cụ!”.    
 
Giải đáp những mong mỏi của các bậc lão thành, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết: “Theo quy hoạch, Khu Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI có tổng diện tích 49,7ha và tổng nguồn vốn đầu tư trên 86,7 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Tượng đài, bia tưởng niệm, nhà tưởng niệm và các hạng mục tôn tạo cảnh quan các cơ quan Khu ủy và Quân Khu ủy...”. Song, theo bà Nguyên, cái khó nhất hiện nay là vẫn chưa lựa chọn được mẫu tượng đài phù hợp. “Chúng tôi đang cố gắng lựa chọn trong số những mẫu thiết kế tượng đài để thi công. Dự kiến, trong năm 2016, Dự án tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến Khu VI sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động” - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay. Trong dịp họp mặt truyền thống mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đến dự và chia sẻ niềm vui với cán bộ, chiến sĩ Khu VI. Đồng thời, đồng chí yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành của tỉnh đẩy nhanh công tác xây dựng các hạng mục còn lại để sớm hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu, tiến độ đã đề ra.
 
TRỊNH CHU