17 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

08:06, 12/06/2015

Sau 17 năm (1998-2015) thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở, Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá thực hiện có hiệu quả công tác này. 

Sau 17 năm (1998-2015) thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở, Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá thực hiện có hiệu quả công tác này. Qua đó, vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được nâng lên; quyền dân chủ của nhân dân được phát huy; ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân được tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu.
 
Sau khi có Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), Nghị định 29/1998/NĐ-CP, Nghị định 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện dân chủ ở cơ sở và khi Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị 39-CT/TU ngày 4 tháng 8 năm 2008 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường thị trấn”. Qua đó, yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận và các đoàn thể tăng cường lãnh đạo triển khai pháp lệnh; chỉ đạo tổ chức sơ kết hàng năm để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
 
Theo đánh giá của các huyện, thành phố, đến nay, Ban Chỉ đạo QCDC cơ sở có 79% hoạt động tốt, 15% hoạt động khá và 6% trung bình; không có cơ sở yếu, kém. Về hoạt động của chính quyền các cấp, trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đã từng bước phát huy dân chủ đại diện của HĐND và đại biểu HĐND thông qua các phiên họp, kỳ họp. Đại biểu HĐND luôn lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công tác chuẩn bị kỳ họp được đổi mới có chất lượng; công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, mở rộng dân chủ, công khai các hoạt động của HĐND đến đông đảo cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 
 
Nhiều lĩnh vực được chú trọng như quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đang thiếu đất sản xuất. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bỏ những thủ tục rườm rà, không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận với các thủ tục hành chính; tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ nhân dân có những chuyển biến rõ nét.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Phạm Kim Khang - UVBTV, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy được quyền dân chủ của người dân, thông qua việc triển khai thực hiện đảm bảo dân chủ, đúng quy trình. Hàng năm đều tổ chức vận động, huy động sức dân hàng trăm tỷ đồng xây dựng đường giao thông liên thôn, xóm, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng; vận động nhân dân hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, vỉa hè, kênh thoát nước để chỉnh trang đô thị sạch, đẹp, văn minh, được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Thành công trong xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng chính là bài học về “Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở”.
 
Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, việc thực hiện dân chủ và đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân ngày càng được quan tâm, đạt kết quả tốt như việc bình xét hộ nghèo, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, bầu trưởng thôn, mức thu các loại phí, lệ phí... đều được công khai bàn bạc. Lâm Đồng đã tổ chức 3 lần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ tịch, các phó chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng thôn, khu phố vào các năm 2005, 2008 và 2010.
 
Thực hiện các nội dung “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát” là nội dung xuyên suốt của quá trình thực hiện QCDC. Đa số các cơ sở đều tổ chức niêm yết công khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các chương trình, dự án, công trình đầu tư tại cơ sở; phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức cấp xã; các loại thủ tục hành chính và phí, lệ phí; các quy định về chế độ chính sách đối với các đối tượng được thụ hưởng trên từng địa bàn cơ sở. Mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân tiếp tục được củng cố, dân chủ của nhân dân tiếp tục được đảm bảo; nổi bật trong nội dung này đó là việc công khai dân chủ trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách về xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc; vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh hàng năm, đến nay chỉ còn 2,75% trong toàn tỉnh, trong đó, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 6,98%.
 
NGUYỆT THU