Thứ 6, 25/04/2025, 14:18

Báo Thanh niên (1925) - Cột mốc vàng của cách mạng Việt Nam

09:06, 19/06/2015

(LĐ online) - Báo chí đưa văn học ra khỏi các thính phòng của giới thượng lưu quý tộc, đến với đông đảo người đọc. Báo chí nghiễm nhiên trở thành quyền lực thứ tư, một quyền lực không ghi trong hiến pháp nhưng đủ sức tạo dựng hoặc lật nhào các chính phủ hình thành theo chế độ nghị viện phương Tây.

(LĐ online) - Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn hai thế kỷ so với báo chí châu Âu, vào lúc báo chí các nước phát triển đạt đến thời đại hoàng kim của nó. Mặc dù bị hạn chế nhiều mặt về tự do diễn đạt, tự do ngôn luận, báo chí Tây Âu đã phát triển mạnh mẽ, quy tụ một công chúng bạn đọc ngày càng đông, từ đó hình thành và chi phối dư luận xã hội. Báo chí đưa văn học ra khỏi các thính phòng của giới thượng lưu quý tộc, đến với đông đảo người đọc. Báo chí nghiễm nhiên trở thành quyền lực thứ tư, một quyền lực không ghi trong hiến pháp nhưng đủ sức tạo dựng hoặc lật nhào các chính phủ hình thành theo chế độ nghị viện phương Tây.
 
Thực dân Pháp sau khi chiếm được Nam Kỳ và đặt nền đô hộ lên toàn bộ đất nước bị chúng chia làm “ba xứ”, tuyệt nhiên không có ý định cho ra đời một nền báo chí tiếng Việt. Thâm tâm họ muốn biến dân tộc Việt Nam thành những người rồi sẽ dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, tương tự một số nước độc lập ngày nay vốn là thuộc địa cũ của Pháp, tuy nhiên người Việt Nam bất kỳ sống ở đâu đều gắn bó với tiếng mẹ đẻ và chống đối quyết liệt mưu đồ ấy. Họ đành dùng tiếng Pháp làm công báo, trong bối cảnh ngoài một số ít viên chức biết “xì xồ dăm ba tiếng Tây bồi” - như lời một nhà báo Pháp viết trên tạp chí Indochine thời đó - các hào lý ở nông thôn làm sao đọc được tiếng Tây!
 
Vì vậy, tờ Gia Định báo, ấn phẩm định kỳ đầu tiên của nước ta bằng tiếng Việt, kỳ thuỷ là một dạng công báo do một viên chức Pháp chịu trách nhiệm điều hành và một người Pháp khác làm chủ bút. Phải chờ đến khi nhà cầm quyền thực dân giao cho các nhà trí thức Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu... chủ trì về nội dung, Gia Định báo mới dần dần được cải tiến, nâng cao, đáp ứng các quy cách tối thiểu của một tờ báo.
 
Bác Hồ thăm và nói chuyện tại Báo Nhân Dân, tháng 11-1957 (tác giả là người có đánh dấu x)
Bác Hồ thăm và nói chuyện tại Báo Nhân Dân, tháng 11-1957 (tác giả là người có đánh dấu x)

Xưa nay, các nhà trí thức Việt Nam dù xuất thân Nho sĩ hay Tây học phải làm việc cho nhà cầm quyền nước ngoài, tuỳ theo phẩm cách từng người, về bản chất đều có lòng yêu nước. Không ít nhà báo cộng tác với những ấn phẩm do người Pháp làm chủ hoặc được nhà chức trách thực dân dựng nên, trong tâm can hầu như ai cũng muốn nhân cơ hội này thâm nhập nền văn hóa thống trị, chắt lọc những cái ưu việt trong đó mang về phục vụ dân tộc. Đó là đặc trưng nổi trội của người Việt, và cũng là truyền thống hình thành từ thuở ngàn năm Bắc thuộc. Phần lớn các trí thức thế kỷ thời cận đại, nhiều người thành thạo chữ Nho, làm thơ, viết báo bằng chữ Nôm hay cổ văn Hán, hoặc làm việc cho Tây, ăn lương Tây, hằng ngày nói tiếng Tây, thành thục văn minh Tây phương, cái đích cuối cùng và cao cả nung nấu tâm can của hầu hết mọi người rốt cuộc vẫn là thực hành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
 
Đó là sự lý giải thực trạng, tại sao không ít nhà yêu nước, nhà cách mạng trước năm 1945 dùng báo chí do thực dân làm chủ hoặc chi phối làm diễn đàn bày tỏ tâm huyết, nói lên ước vọng của mình, và cam chịu đến một ngày nào đó cuối cùng bản thân gánh tù tội, chịu lưu đày, thậm chí hy sinh tính mạng.
 
Dù sao, “tâm địa thực dân” - đầu đề một bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1919 bằng tiếng Pháp - là không cho phép người bản xứ được thông tin hay bày tỏ chính kiến thông qua báo chí. Suốt gần nửa thế kỷ sau khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời, báo chí “ba xứ Đông Dương” vẫn èo uột. Phải chờ sang đầu thế kỷ 20, khi chính khách Pháp nổi tiếng về tài mị dân là Albert Sarraut (1872-1962) được cử sang Đông Dương làm toàn quyền hai nhiệm kỳ liền, báo chí tiếng Việt mới có bước phát triển. Vào thời điểm này, thực dân Pháp bị sa lầy ở Việt Nam, không lối thoát, vì chẳng có cách nào "bình định" nổi đất nước này, trong khi ngân sách chính quốc ngày càng cạn kiệt, nội tình Pháp rối ren. Xuất thân là một nhà báo, Albert Sarraut nhận thấy, dứt khoát không thể đơn thuần dùng binh lực khuất phục dân tộc Việt Nam kiên cường mà phải kết hợp với nhiều thủ đoạn khác. Ông nổi tiếng từ thời còn ở Pháp với chủ trương “Một tờ báo có sức chinh phục mạnh hơn hẳn một sư đoàn quân tinh nhuệ", và sang Đông Dương, tuyên bố luôn với các nhà báo: “Một tờ báo! Một ngòi bút! Quả là một sức mạnh phi thường!”.
 
Với cách nhìn đó, thông qua người cộng sự thân tín là nhà tư sản gốc Đức Francois H. Schneider, Albert Sarraut cho ra đời một loạt báo và tạp chí, tất cả đều do Schneider đứng tên làm chủ. Đấy là  những ấn phẩm công khai tên tuổi nhất, sống lâu nhất (trừ một tờ), và có nhiều công chúng nhất tại nước ta nửa đầu thế kỷ 20: Lục tỉnh tân văn (1907-1944), Nữ giới chung (1918) tại Nam Kỳ, Đông Dương tạp chí (1913-1918), Trung Bắc tân văn (1913-1945), Nam Phong (1917-1934) tại Bắc Kỳ. 
 
Công bằng mà nói, mục đích, tôn chỉ của các ấn phẩm ấy là củng cố chế độ thực dân, tôn vinh văn minh Pháp, và trong đội ngũ nhà báo làm việc tại các ấn phẩm ấy có một số ít người tận tụy ôm chân thực dân, phụng sự nước mẹ đến hơi thở cuối cùng, phần lớn những cây bút tên tuổi là những người có tấm lòng vì nước vì dân. Khách quan mà xét, các ấn phẩm ấy, tuỳ thể tài và mức độ, đều ít hoặc nhiều có đóng góp vào việc tiếp thu, chắt lọc, quảng bá văn hóa tiến bộ nước ngoài, góp phần mở mang dân trí, chung tay xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc Việt Nam.
 
Dù sao, báo chí tiếng Pháp vẫn chi phối thị trường và ngôn luận Việt Nam suốt mấy chục năm đầu thế kỷ 20. Lấy năm 1925 làm mốc, theo tư liệu lưu trữ chính thức, số lượng báo xuất bản bằng tiếng Việt hồi bấy giờ chỉ nhỉnh hơn 1/4 số báo viết bằng tiếng Pháp xuất bản tại Đông Dương (25 ấn phẩm tiếng Việt, 96 báo và tạp chí tiếng Pháp). Từ đầu thế kỷ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quả quyết: “Ở Đông Dương tuyệt đối không có tự do báo chí cho người bản xứ”. Phát biểu tại Đại hội thứ 28 Đảng xã hội Pháp họp tại thành phố Tours năm 1920 - được coi như Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp - đại biểu Đông Dương Nguyễn Ái Quốc một lần nữa khẳng định: “... Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận..., chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì không có quyền tự do học tập..., bọn thực dân tìm cách đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu...”.
 
Như đã nói, không ít nhà yêu nước và nhà cách mạng Việt Nam dụng tâm sử dụng báo chí tiếng Việt hoặc tiếng Pháp xuất bản tại ba xứ Đông Dương, bao gồm những tờ do người Pháp sáng lập và những tờ do người Việt Nam được phép đứng tên với cam kết “không bàn về chính trị”, làm nơi bày tỏ tâm huyết và ước vọng của mình, và rốt cuộc tất cả đều thất bại. Một trường hợp tiêu biểu là nhà báo cách mạng Trần Huy Liệu sử dụng ấn phẩm mang cái tiêu đề khiến thực dân Pháp yên tâm, không có gì phải nghi ngại là Pháp Việt nhất gia! Được mời làm chủ bút, Trần Huy Liệu dùng tờ báo ấy nói lên chính kiến của mình, phê phán chính sách thực dân, mà cầm chắc sớm hay muộn rồi mình cũng bị bắt vào tù. Khi được tin tờ báo sắp bị đóng cửa, Trần Huy Liệu viết luôn bài tạm biệt độc giả, “viết xong bài này thì đành liệng cây bút xuống, không nói nữa, không viết nữa, chỉ chờ người ta đến khóa tay dẫn đi mà thôi”. (Trần Huy Liệu, Hồi ký).
 
Và cái gì phải đến đã đến. Nhà báo chủ bút tờ Pháp Việt nhất gia bị cò Tây đến còng tay, tống luôn vào tù rồi đày ra Côn Đảo.
 
Trong bối cảnh chính trị và thời cuộc như vậy ở nước ta vào những năm 1920, cho ra đời một tờ tiếng Việt với tôn chỉ cứu nước, vì lợi ích của người dân là nhu cầu bức bách, là đòi hỏi tất yếu của cách mạng, của toàn thể dân tộc Việt Nam, tuy nhiên nhất thiết không thể xuất bản ở bất kỳ đâu trong nước. Tương tự hoàn cảnh nước Nga một phần tư thế kỷ trước, khi phong trào yêu nước Nga lâm vào thoái trào, nội bộ những người chống chế độ Sa hoàng bị chia rẽ, Lênin đã thốt lên: “Chúng ta cần trước hết là một tờ báo - không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động thực sự có nguyên tắc và toàn diện” . (Lê nin, Làm gì?).
 
Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chủ trì ra đời trong hoàn cảnh đó. Và như lịch sử cách mạng và lịch sử dân tộc ta khẳng định, báo Thanh niên với gần 90 số báo phát hành gần như đều đặn hằng tuần, đã chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh niên nghiễm nhiên là cột mốc vàng đánh dấu sự xuất hiện báo chí cách mạng Việt Nam, một nền báo chí yêu nước chân chính, có cống hiến lớn vào quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà 40 năm trở về trước, và công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế ngày nay. Như một sự đương nhiên, ngày xuất bản số đầu báo Thanh niên của Nguyễn Ái Quốc 21 tháng 6 năm 1925 là “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam“.
 
PHAN QUANG