Bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều thách thức

09:06, 10/06/2015

Chăm sóc, giáo dục và đặc biệt là bảo vệ trẻ em chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vấn đề này, giờ đây không chỉ còn bó hẹp trong khuôn khổ của một gia đình mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đối với một địa phương như Lâm Đồng, công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian sắp đến, được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chăm sóc, giáo dục và đặc biệt là bảo vệ trẻ em chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vấn đề này, giờ đây không chỉ còn bó hẹp trong khuôn khổ của một gia đình mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đối với một địa phương như Lâm Đồng, công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian sắp đến, được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.
 
Trẻ em làng SOS được học bơi phòng tránh đuối nước miễn phí tại hồ bơi Phù Đổng. Ảnh: PHAN NHÂN
Trẻ em làng SOS được học bơi phòng tránh đuối nước miễn phí tại hồ bơi Phù Đổng. Ảnh: PHAN NHÂN

Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2011 - 2015 triển khai bao gồm 4 dự án: Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; dự án xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.
 
Những dự án này gần như chỉ là “khung chuẩn” của chương trình, chúng chỉ mang tính chất khái lược, việc thực hiện tùy thuộc tình hình thực tế của mỗi địa phương. Đối với riêng Lâm Đồng, những dự án này có thể được nhìn thấy dưới dạng hội thảo, mà chưa triển khai nhân rộng và chưa có tính hiệu quả cao. Điều này có thể được chứng minh rõ ở Dự án phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Từ năm 2013, tại hai huyện Đơn Dương và Đam Rông được chọn để triển khai dự án đầy tính khoa học và nhân văn này, tuy nhiên từ 2014 cho đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa được triển khai đầy đủ, chủ yếu vẫn tập trung vào tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng. Do đó, tỷ lệ xây dựng hệ thống cung cấp bảo vệ trẻ em chỉ đạt 11,1%. 
 
Tại sao những dự án này vẫn chưa đạt được những “mức độ chuẩn” và chưa triển khai được trên diện rộng cũng như chất lượng chiều sâu? Câu hỏi này có thể lý giải được dưới nhiều góc nhìn khác nhau, ở cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một trong những lý giải đầu tiên luôn được đề cập tới (mang tính cố hữu), đó là Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, tình hình kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn; mặt bằng dân trí thấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, còn ràng buộc bởi nhiều tập tục, mặc dù công tác giáo dục tuyên truyền đã được triển khai, nhưng có thể nói nhận thức về các Quyền cơ bản của trẻ em luôn chuyển biến chậm, cũng như ít được quan tâm. Mặt khác, sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư trong xã hội còn khá cao; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn cao, điều này đã dẫn đến tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong gia đình nghèo, cận nghèo có chiều hướng gia tăng. Hầu hết nhóm trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn (dù không còn là hộ nghèo), hầu như chưa tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội và phúc lợi dành cho trẻ em, điều này dẫn đến việc các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, dự án đạt thấp hoặc không đạt. Thêm vào đó, hoạt động truyền thông vận động xã hội vẫn chưa thực hiện đồng bộ, phần lớn các hoạt động chỉ diễn ra tập trung ở các trung tâm dân cư, thị trấn, đô thị lớn…; tại các vùng ven, vùng sâu, công tác này gần như “bỏ ngỏ”. Các hình thức truyền thông lại đơn điệu, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với giai đoạn tràn ngập các phương tiện kết nối như hiện nay.
 
Đặc biệt, vấn đề nhận thức của gia đình, cộng đồng về việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em vẫn chưa có nhiều chuyển biến; tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức; một số vụ việc vẫn không được người dân chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý kịp thời. Ngoài ra, nhiều gia đình chỉ chú trọng việc phát triển kinh tế, ít dành thời gian quan tâm đến con cái. Bên cạnh đó, tình trạng người thân trong gia đình có hành vi bạo lực, thường là do thiếu hiểu biết về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, không nhận thức được hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến rất nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Dù đã được tham gia tập huấn, đào tạo, nhưng có thể thẳng thắn thừa nhận, trình độ và năng lực của đội ngũ trong hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp (nhất là cấp cơ sở) còn rất yếu và thiếu căn bản.
 
Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, công tác bảo vệ trẻ em của địa phương trong thời gian sắp đến sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức. Qua đó, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khá cao, 5% trong tổng số trẻ em dưới 16 tuổi (Lâm Đồng có khoảng gần 416.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 32,95% dân số), đây là con số đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Không những thế, việc giảm tỷ lệ trẻ em bị bạo lực chắc chắn không đạt mục tiêu đề ra, đây cũng là vấn đề đáng báo động, là mối quan tâm của toàn xã hội về bạo lực gia đình, trong đó đặc biệt là vấn nạn bạo lực đối với trẻ em. Mặc dù tỷ lệ trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp và trợ giúp 100%, nhưng đáng buồn là số lượng, vụ việc càng diễn ra với tính chất nghiệm trọng. Thêm nữa, tai nạn thương tích trẻ em (đuối nước, tai nạn giao thông…) vẫn có chiều hướng gia tăng theo từng năm, vấn đề này cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra phương cách hữu hiệu để kiểm soát ngăn ngừa, nhất là đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa.
 
Để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, hướng các em đến một môi trường lành mạnh, cơ bản, để phát triển toàn diện, sẽ cần rất nhiều thời gian. Điều này không đơn thuần chỉ là trách nhiệm, mà chúng ta, mỗi gia đình, cả cộng đồng xã hội đều phải vào cuộc bằng cả cái nhìn tích cực và trái tim yêu thương dành cho trẻ. Hơn thế, còn phải biết lắng nghe trái tim trẻ em nói bằng sự tôn trọng của người lớn, chỉ như thế, chúng ta mới dễ dàng vượt qua được những thách thức.
 
LINH ĐAN