Cần giải pháp cho vấn đề rác thải trên Quốc lộ 55

08:06, 08/06/2015

Quốc lộ 55 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chạy ngang qua 2 xã Lộc Thành và Lộc Nam (Bảo Lâm), từ nhiều năm nay đã tồn tại nhiều điểm tập kết rác di động. Nhiều biện pháp xử lý rác đã được đặt ra, nhưng cho đến nay, vẫn chưa tìm được giải pháp lâu dài và bền vững cho vấn đề này. 

Quốc lộ 55 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chạy ngang qua 2 xã Lộc Thành và Lộc Nam (Bảo Lâm), từ nhiều năm nay đã tồn tại nhiều điểm tập kết rác di động. Nhiều biện pháp xử lý rác đã được đặt ra, nhưng cho đến nay, vẫn chưa tìm được giải pháp lâu dài và bền vững cho vấn đề này.
 
Rác luôn hiện diện trên Cầu Đa Mui (Lộc Nam)
Rác luôn hiện diện trên Cầu Đa Mui (Lộc Nam)
 
Đoạn Quốc lộ 55 ngang qua 2 xã Lộc Thành và Lộc Nam dài khoảng 24 km nhưng có đến gần chục điểm tập kết rác lưu động, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Chị Hương (thôn 11, Lộc Thành) cho biết: “Người dân ở đây vứt rác không theo một quy định nào, có người thì gom lại rồi đốt khiến khói và mùi hôi thối bay khắp nơi, có người mang đi đổ ở sông, suối nhưng phần đông tập kết dọc theo quốc lộ”. Lộc Thành có 18 thôn thì có 13 thôn nằm dọc theo quốc lộ. Qua theo dõi, trên địa bàn Lộc Thành hiện có 3 điểm tập kết rác với số lượng lớn tại Cầu Đại Bình, Dốc Đồi Gòn và Ngã ba Tà Ngào. Các điểm tập kết rác này được xã thuê máy cày của dân đi thu gom rác dọc theo quốc lộ và tập kết lại để chờ nhân viên Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Bảo Lâm vào vận chuyển. Ông Nguyễn Quang Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, cho hay: “Địa phương, thông qua nguồn ngân sách của huyện, hợp đồng với Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Bảo Lâm, vận chuyển rác trung bình 2 lần/tuần. Nhân viên Trung tâm vận chuyển khá đều đặn, nhưng hôm nào xe hư thì lượng rác đành phải tồn lại. Tuy nhiên, vấn đề của địa phương là chưa tìm được quỹ đất để quy hoạch bãi rác. Lâu nay, rác vẫn đổ nhờ trên diện tích đất của người dân. Hiện, chủ đất của bãi rác ở thôn 11 không cho đổ nữa. Xã đang tiến hành xây dựng một bãi rác có mái che, cũng ở thôn 11 (gần bãi rác cũ) để tập kết rác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế”. 
 
Ở Lộc Nam, vấn đề rác thải cũng đang khiến người dân bức xúc. Trong một hội nghị tiếp xúc cử tri gần đây, cử tri Lộc Nam đã đặt vấn đề về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác. Nằm dọc theo quốc lộ, người dân các thôn 2, 3, 5 và 8 đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải ra hàng ngày. Không tập kết lại một chỗ như ở Lộc Thành, rác ở Lộc Nam có khắp nơi với hàng chục điểm đổ rác lớn, nhỏ. Đáng kể nhất là 2 “bãi rác” ở Cống Ngầm và Cầu Đa Mui. Lượng rác ở 2 điểm này luôn thường trực, ngay cả khi xe rác của Trung tâm vào vận chuyển rác cũ, rác mới lại được tập kết ngay sau đó. Điều đáng nói là phần lớn người dân dọc theo quốc lộ 55 hay có thói quen tập kết rác ở các điểm cầu, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ô nhiễm nguồn nước. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Lộc Nam: “Địa phương luôn trăn trở về vấn đề tìm quỹ đất để quy hoạch bãi rác trung chuyển. Yêu cầu của bãi rác phải xa khu dân cư, xa nguồn nước sông, suối, ao hồ. Lãnh đạo huyện cũng đã từng vào tháp tùng địa phương đi tìm quỹ đất để làm bãi rác nhưng đi từ đầu xã đến cuối xã vẫn kiếm không ra! Vì hầu hết quỹ đất đều ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Hiện, trung bình 1 tuần, xe rác mới thu gom 1 lần, có thời điểm tăng lên  7 - 8 chuyến/tháng. Tuy nhiên, tần suất như vậy vẫn khá thưa. Giải pháp duy nhất hiện tại là yêu cầu tăng tần suất vận chuyển rác lên 10 - 12 lần/tháng. Có như vậy thì mới giải quyết tình trạng ứ đọng rác thải ở Lộc Nam”.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Nhơn - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Bảo Lâm, cho biết: “Nhiệm vụ chính của Trung tâm là thu gom rác ở 2 vùng trung tâm của huyện là Lộc Thắng và Lộc An. Còn đối với các xã Lộc Thành và Lộc Nam, chúng tôi chỉ có trách nhiệm vận chuyển. Hàng tháng, Trung tâm được UBND huyện hợp đồng và hỗ trợ nhiên liệu để vào các xã này vận chuyển rác. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này khá hạn hẹp, trong khi đường vào các xã này khá xa, chúng tôi phải cân đối lịch trình để vận chuyển. Về lâu dài, chúng tôi đã đề nghị các địa phương phải xây dựng lò đốt để xử lý rác tại chỗ. Bởi vì vận chuyển một khối lượng rác đi trên tuyến quốc lộ dài hơn 20km thì không thể tránh được việc phát tán các mầm bệnh và ô nhiễm môi trường”.
 
Và như vậy, giải pháp trước mắt cho vấn đề rác thải trên Quốc lộ 55 vẫn còn bế tắc! Trong khi đó, Lộc Thành và Lộc Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Nếu không có giải pháp lâu dài cho vấn đề này, tiêu chí môi trường sẽ là “rào cản”, kéo chậm tiến trình xây dựng NTM của địa phương.
 
HOÀNG HẢI