Chăm sóc thiếu niên, nhi đồng theo tư tưởng của Bác Hồ

09:06, 01/06/2015

Bác Hồ kính yêu đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc Việt Nam. Đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác có tình cảm hết sức đặc biệt, luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc. Bác luôn nói: "Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi". 

Bác Hồ kính yêu đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc Việt Nam. Đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác có tình cảm hết sức đặc biệt, luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc. Bác luôn nói: “Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Chính vì vậy, dù bận rộn với bao công việc hệ trọng của đất nước, Bác vẫn thường xuyên quan tâm đến thế hệ măng non. Bác ví trẻ em như “búp trên cành” cần được che chở, chăm sóc, nâng niu, giúp đỡ.    
 
Đội kèn tý hon. Ảnh: THANH TOÀN
Đội kèn tý hon. Ảnh: THANH TOÀN

Trước hết, Bác là người phát hiện và chỉ ra vai trò của thiếu niên, nhi đồng trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước. Người khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng, vì vậy, sau khi trở về nước chưa được bao lâu, Bác đã chỉ đạo thành lập Hội Nhi đồng Cứu quốc tại Cao Bằng (15/5/1941). Trong thư gửi các cháu, Bác luôn đề cao vai trò của thiếu niên, nhi đồng. Nhân ngày khai giảng đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập, Bác đã viết thư khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Bài thơ Kêu gọi thiếu nhi, Bác cũng nhấn mạnh vai trò không nhỏ của thiếu niên, nhi đồng: “Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay”; hoặc Thư Trung thu năm 1952, Bác viết: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình:/ Để tham gia kháng chiến/Để gìn giữ hòa bình”…
 
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (14/5/1961), Bác gửi thư chúc mừng và động viên các cháu: “Trong thời kỳ qua, từ Bắc đến Nam, thiếu niên và nhi đồng đã hăng hái tham gia cách mạng và kháng chiến, có những thiếu niên và nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc,… các cháu đều chăm chỉ học hành, tham gia lao động, cháu nào cũng ngoan. Bác vui lòng khen ngợi các cháu”. 
 
Thứ hai, Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, thường xuyên động viên, quan tâm đến cuộc sống thế hệ măng non của đất nước; ngày Quốc tế Thiếu nhi Bác đều gửi thư, gửi quà cho các cháu. Bác đau lòng khi thiếu niên, nhi đồng phải chịu nhiều thiệt thòi vì chiến tranh và hứa với các cháu “Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”. 
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, các cháu phải chịu rất nhiều mất mát, đau thương. Vì thế, Tết Trung thu năm 1965, Bác Hồ và Bác Tôn gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trường Hoàng Lệ Kha (Tây Ninh) và tất cả các cháu miền Nam: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Càng thương các cháu, Bác càng căm thù bọn thực dân, đế quốc: “... Làm cho Bác vui lòng, vì các cháu ấy dũng cảm. Làm cho Bác và tất cả đồng bào càng căm ghét bọn thực dân và bù nhìn”. 
 
Thứ ba, thiếu niên, nhi đồng chính là lực lượng quan trọng, là tương lai của đất nước. Vì vậy, Bác luôn căn dặn “Các cháu phải yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, vì tự do phóng túng là không tốt… Các cháu nên tập tự lực cánh sinh… nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật, có sáng kiến,...” (Thư 1/6/1955). Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Đội, Bác gửi thư ân cần nhắc nhở thiếu niên, nhi đồng: “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. 
 
Trước lúc đi xa, Bác để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó, Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. 
 
Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác Hồ đã được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam một lòng khắc sâu; trở thành mục tiêu phấn đấu, động lực thi đua học tập và làm theo để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Các thế hệ thiếu niên Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức đội vững mạnh, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng; lớp lớp thế hệ đội viên qua các thời kỳ giờ đây đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú đã và đang có nhiều đóng góp cho đất nước. Cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường chỉ đạo, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đội; kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống hội đồng đội các cấp cũng như đội ngũ phụ trách Đội; tuyên truyền nâng cao nhận thức về các nội dung liên quan đến thiếu niên; tích cực triển khai chương trình hành động quốc gia về trẻ em, tạo điều kiện cho các em học tập, vui chơi, phát triển toàn diện. Nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” được các cháu hưởng ứng và tích cực tham gia, là động lực to lớn để các em ra sức phấn đấu thi đua học tập trở thành chủ nhân tương lai của nước nhà như Bác Hồ hằng mong muốn.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thiếu niên, nhi đồng vẫn còn những hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức về công tác này; nhận thức của một số cấp bộ Đoàn về công tác Đội chưa thật đầy đủ; đội ngũ cán bộ làm công tác thiếu nhi chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, khả năng phối hợp để thực hiện chăm sóc, giáo dục thiếu nhi còn hạn chế; cơ sở vật chất, địa điểm vui chơi của trẻ em còn nhiều khó khăn; tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em còn xẩy ra; các trò chơi kích động bạo lực trên mạng, các sản phẩm văn hóa không lành mạnh, tệ nạn xã hội… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục, rèn luyện hình thành nhân cách của trẻ em…
 
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên cần quán triệt và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà, chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, mỗi cấp bộ Đoàn, mỗi một cán bộ, đoàn viên, thanh niên hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương trẻ thơ thông qua những việc làm thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Từ đó, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sát với nhu cầu thực tế của địa phương; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, học tập, vui chơi giải trí cho thiếu nhi; xây dựng đội ngũ cán bộ Đội có kỹ năng, nghiệp vụ, nhiệt tình với công tác Đội và phong trào thiếu nhi, nhất là thiếu nhi trong trường học; tăng cường các hoạt động đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em, giúp các em phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có kỹ năng sống tích cực… để tiến bước cùng thời đại. Bản thân thiếu nhi cần hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mình, không ngừng nỗ lực vươn lên, tiến bộ vượt bậc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thật xứng đáng với những điều Bác Hồ đã dạy.
 
KHÁNH LINH