Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí

09:06, 10/06/2015

Sinh thời, báo chí không phải là lĩnh vực hoạt động chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng bằng tài năng và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Người đã coi báo chí là một thứ vũ khí sắc bén và sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng.

Sinh thời, báo chí không phải là lĩnh vực hoạt động chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng bằng tài năng và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Người đã coi báo chí là một thứ vũ khí sắc bén và sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Ngoài việc để lại hàng nghìn bài báo đề cập đến những vấn đề quan trọng, to lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, Người còn để lại những quan điểm cơ bản và những suy nghĩ sâu sắc về hoạt động báo chí và người làm báo. Trong khuôn khổ bài viết này, xin nêu một số điều Bác chỉ dẫn, thiết nghĩ rất thiết thực hiện nay.
 
Bác Hồ tự đánh máy các bài viết của Người tại Chiến khu Việt Bắc (Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
Bác Hồ tự đánh máy các bài viết của Người tại Chiến khu Việt Bắc
(Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí xuất hiện và phát triển là do yêu cầu thông tin chính trị, tư tưởng, kinh tế và giao lưu văn hóa của xã hội. Vì vậy, ngay từ đầu, báo chí đã mang tính khuynh hướng, các chế độ khác nhau sử dụng mục đích báo chí khác nhau; do đó, nhà báo cũng có tính khuynh hướng. Đối với báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo phải có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; mọi hoạt động hướng vào phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Đây được xem là tiêu chuẩn và yêu cầu hàng đầu đối với nhà báo Việt Nam. Từ đó, đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, phải có đường lối chính trị đúng đắn để đủ điều kiện làm việc tốt nhất. Đúng như Bác dạy: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”, do đó “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, tr.415). Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người nhấn mạnh hai chữ “chiến sĩ” là để đề cao bản lĩnh, dũng khí, không bị khuất phục, không bẻ cong ngòi bút vì tiền tài, danh vị...
 
Thứ hai, báo chí cách mạng phải mang tính tiên phong, dự báo và định hướng; là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng - văn hóa, có tác động mạnh mẽ, sâu xa đến đời sống xã hội; là phương thức quan trọng truyền bá, phổ biến những tư tưởng và tri thức. Hồ Chí Minh bằng các tác phẩm báo chí của mình đã thể hiện một cách sinh động, mẫu mực và đầy thuyết phục về yêu cầu này. Với trí tuệ uyên bác, tư duy sáng tạo, nhạy bén cùng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhà báo Hồ Chí Minh đã thông qua tác phẩm báo chí để nêu lên những phát hiện mới mẻ và tiên đoán chính xác nhiều vấn đề lớn, quan trọng, góp phần lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng. Thực hiện lời dạy của Bác, báo chí nước ta đã nỗ lực phát huy vai trò xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng - văn hóa; hàng trăm nhà báo đã có mặt khắp các chiến trường, những nơi ác liệt nhất của các cuộc kháng chiến. Trong công cuộc đổi mới, báo chí đã không ngừng phát triển, có sự đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. 
 
Thứ ba, báo chí phải trung thực, tôn trọng sự thật, Người chỉ rõ: “Tuyên truyền anh em nên chú ý... là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” (Báo Cứu Quốc, ngày 9/1/1946). Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác đã nêu lên kinh nghiệm của bản thân: “Khi đi qua Liên Xô, đồng chí L. phóng viên báo Tiếng còi bảo mình viết bài và dặn phải viết rõ sự thật, việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào và phải viết ngắn gọn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính “chân thực” bởi nó vừa là sức mạnh của bài viết, đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo. Theo đó, mỗi bài báo phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bác thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”... Tùy bản chất sự việc và yêu cầu thực tế đòi hỏi mà nhà báo có cách phản ánh chân thực, đúng mức, có khẳng định, có phê phán, có khen, có chê. Người phê phán lối viết báo rập khuôn, máy móc, bởi lẽ “... rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán”. Do đó, viết báo phải trung thực, tôn trọng sự thật nhưng không khô khan, Bác nói: Cách đây mấy năm, mình trở lại Liên Xô và đồng chí L. lại bảo mình viết. Nhưng L. lại bảo “chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy lạ, thấy hay, thấy văn chương thì mới thích đọc”. Từ đó, Người chỉ rõ, “quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.646). Như vậy, bên cạnh khái niệm chân thật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến khái niệm phong phú và bên cạnh rất nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu giản dị, thiết thực, bổ ích, Người còn lưu ý về yêu cầu trong sáng, vui tươi của tác phẩm báo chí. 
 
Thứ tư, báo chí phải luôn luôn chú ý đến đối tượng phục vụ để có cách viết phù hợp. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam chủ yếu là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” năm 1949, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”; do đó, phải “Viết cho đại đa số”, “Viết để phục vụ quần chúng”, “Viết để nêu lên những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, bộ đội, cán bộ ta và phê phán kẻ thù”. Đồng thời, tùy vào đối tượng để có cách viết phù hợp với trình độ của họ, viết cho nông dân khác công nhân, khác trí thức; viết cho người chưa được giác ngộ khác với người đã được giác ngộ… Đúng như Người đã chỉ rõ: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Người đặc biệt nhắc nhở “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải là có đầu, có đuôi”, bởi đó là đặc trưng ngôn ngữ báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.616). 
 
Cũng xuất phát từ đối tượng và nhiệm vụ phục vụ, nên Bác rất chú ý đến tính dân tộc của ngôn ngữ báo chí; không chấp nhận tình trạng lạm dụng từ nước ngoài: “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam). Người luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc và căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để tiếng nói của dân tộc bị mai một. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Người viết báo và làm báo cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích ấy. Tuy nhiên, với hàng nghìn các tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau mà Người để lại đã trở thành di sản thiêng liêng, vô giá. Đối với những người làm báo, các tác phẩm báo chí của Bác là tài sản quí báu cho những ai muốn tìm hiểu, học tập phong cách làm báo giản dị và sâu sắc, chân thực và ngắn gọn, trong sáng và dễ hiểu…, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng và nhu cầu của nhân dân - phong cách làm báo Hồ Chí Minh.
 
KHÁNH LINH