Từ khi thực hiện đề án phòng, chống bạo lực học đường, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật nói chung và bạo lực học đường nói riêng được giảm thiểu, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trường học được giữ vững.
Từ khi thực hiện đề án phòng, chống bạo lực học đường, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật nói chung và bạo lực học đường nói riêng được giảm thiểu, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trường học được giữ vững.
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, giai đoạn 5 năm (2010 - 2015) thực hiện đề án phòng, chống bạo lực học đường, trên địa bàn thành phố không xảy ra sự việc nghiêm trọng liên quan đến công tác bạo lực học đường, tạo được sự đồng thuận, yên tâm trong phụ huynh và học sinh. Từ năm 2010 - 2015, các trường học trong thành phố đã lên danh sách bàn giao 610 học sinh cá biệt, học sinh chưa ngoan cho công an phường, xã phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa và theo dõi sự tiến bộ của các em. Công an các phường, xã nắm bắt kịp thời những thông tin về học sinh cá biệt để giáo dục, răn đe, đặc biệt là phối hợp ngăn chặn hiện tượng thanh niên tụ tập trước cổng trường để gây gổ đánh nhau với học sinh.
|
Tạo ra các sân chơi lành mạnh cho học sinh góp phần giảm tình trạng bạo lực học đường |
Các đơn vị trường học thường xuyên tăng cường kiểm tra đột xuất về nền nếp của học sinh vào đầu giờ, giữa giờ, cuối giờ học; theo dõi, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn trong học sinh nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường có thể xảy ra. Đồng thời, xử lý, kỷ luật nghiêm đối với những học sinh vi phạm nội quy và vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đối với Trường THCS Phan Chu Trinh, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh là giải pháp để làm tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường. Bên cạnh hoạt động chính là dạy và học, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động khác tác động tốt đến tư tưởng, tình cảm, hình thành cảm xúc thân thiện, đoàn kết thân ái với bạn bè và hình thành kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. Nhà trường thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ (CLB) bóng đá, họa sĩ nhỏ, tin học, tiếng Anh, văn học… để học sinh có điều kiện tham gia vào các hoạt động lành mạnh, góp phần đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong nhà trường. Nhờ đó, tình trạng học sinh vi phạm kỷ luật phải đưa ra hội đồng kỷ luật ngày càng giảm. Trước khi thực hiện đề án phòng, chống bạo lực học đường, trong 6 năm học, từ 2005 - 2006 đến 2009 - 2010, có 13 lần nhà trường phải tổ chức họp hội đồng kỷ luật xử lý 68 học sinh. Sau khi thực hiện đề án từ năm 2010 - 2015, nhà trường chỉ phải kỷ luật 9 học sinh vào năm học 2010 - 2011. Từ năm 2011 đến 2015, không có trường hợp học sinh nào của nhà trường vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Hoạt động của các tổ chức đoàn, hội, đội cũng góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường. Trong 5 năm, trên địa bàn thành phố đã thành lập được 17 CLB phòng, chống bạo lực học đường tại các trường THCS, THPT và 26 CLB tư vấn học đường tại các trường tiểu học. Các CLB tiếp tục được củng cố, kiện toàn như đội thanh niên xung kích của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đội an toàn giao thông (ATGT) tổ chức hướng dẫn, điều hành ATGT trong giờ cao điểm, lúc học sinh tan trường. Một số trường như THPT Trần Phú, chuyên Thăng Long, Tây Sơn, Bùi Thị Xuân, THCS Phan Chu Trinh, Quang Trung, Nguyễn Du… đã phát huy tốt các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên, Đội thanh niên cờ đỏ trong việc tham gia phát hiện, tố giác các hiện tượng tiêu cực trong học sinh với nhà trường để có biện pháp ngăn ngừa.
Tuy nhiên, để công tác phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo ANTT trường học ngày càng đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp, thống nhất của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, nêu cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội.
Tuấn Hương