Dệt cuộc đời từ những sợi chỉ màu

09:06, 01/06/2015

Sinh ra và lớn lên ở Trại Hầm, Đà Lạt, Hữu Hạnh mang trong mình đầy đủ những đặc trưng của người con gái phố núi: nhẹ nhàng, điềm tĩnh và duyên dáng. Đưa cả trái tim vào những đường kim mũi chỉ, chị là người đã tạo nên một thương hiệu tranh thêu nổi tiếng: tranh thêu tay Hữu Hạnh. 

Sinh ra và lớn lên ở Trại Hầm, Đà Lạt, Hữu Hạnh mang trong mình đầy đủ những đặc trưng của người con gái phố núi: nhẹ nhàng, điềm tĩnh và duyên dáng. Đưa cả trái tim vào những đường kim mũi chỉ, chị là người đã tạo nên một thương hiệu tranh thêu nổi tiếng: tranh thêu tay Hữu Hạnh. Và nghề không phụ người có lòng, chị cũng là nghệ nhân đầu tiên của Lâm Đồng được Chính phủ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong ngành thủ công mỹ nghệ, một danh hiệu xứng đáng với tấm lòng của chị dành cho thêu, cho cuộc đời. 
 
Thêu là nghiệp
 
Trò chuyện với người phụ nữ duyên dáng bên khung thêu, chị chậm rãi kể, thêu với chị không chỉ là nghề, đó là nghiệp, là sự gắn bó suốt đời của chị. Cô học trò Nguyễn Thị Hữu Hạnh học trường nữ trung học Bùi Thị Xuân vốn rất giỏi môn hội họa. Và khi bước vào đời, gần như vô thức, chị chọn nghề thêu cũng như rất nhiều những người phụ nữ Đà Lạt khác. Sự tinh tế về màu sắc, khả năng vẽ phối cảnh, sáng tạo tranh đã hòa hợp cùng đôi bàn tay khéo léo tạo nên những bức tranh thêu xuất sắc. Tranh của chị mang vẻ rất riêng, nhẹ nhàng, duyên dáng, đằm thắm, những mũi chỉ đều đặn, tỉ mỉ, cẩn trọng như chính tính cách của người con gái phố núi. Cùng với thời gian, “độ chín” của đôi bàn tay, người con gái tài hoa đã tạo ra những bức tranh thêu nổi tiếng thị trường trong và ngoài nước. 
 
Gắn bó với nghề thêu, chị kể lại với tình yêu nồng nhiệt. Cả cuộc đời, chị gắn bó với bàn vẽ mẫu, với khung thêu. Từ những mũi thêu cơ bản nhất, chị đã sáng tạo ra những dấu ấn rất riêng. Kỹ thuật thêu mũi đâm xô chị sáng tạo là một kỹ thuật khó, tạo cho bức tranh nét sáng đặc biệt. Hay việc những bức tranh thêu tĩnh vật mang thương hiệu Hữu Hạnh với kỹ thuật thêu nổi.  Những trái bầu, quả cam tưởng chừng có thể sờ vào được, nằm nổi bật trên nền vải từ kỹ thuật thêu nổi này. Tranh Hữu Hạnh mang nét Đà Lạt rất điển hình với những phong cảnh phố núi. Khách Tây thực sự rất thích những bức tranh hoa của chị. Những bông lồng đèn, phong lan, nụ hồng hay một mảnh trăng khuyết được thêu rất tinh xảo mà giản dị, là những món lưu niệm được du khách lựa chọn khi đến với Đà Lạt.
 
Nghệ nhân Hữu Hạnh đang sáng tác mễu thêu
Nghệ nhân Hữu Hạnh đang sáng tác mẫu thêu

Yêu nghề, yêu người
 
Gắn bó với nghề, yêu từng sợi kim mũi chỉ, người phụ nữ ấy hi vọng mang nghề thêu đến với cuộc đời. Cùng với sự ra đời của HTX tranh thêu Hữu Hạnh và bây giờ là Công ty thêu nghệ thuật và mỹ nghệ Hữu Hạnh, chị đã mang nghề thêu tới với hàng trăm phụ nữ. Rất nhiều thợ thêu đang làm việc với chị chia sẻ, họ học được rất nhiều từ chị. Từ những mũi kim đầu tiên hay những kỹ thuật thêu cao cấp, Hữu Hạnh đều nhiệt thành chia sẻ, truyền kinh nghiệm, dạy bí quyết cho học trò, cho những người thợ của mình. Đặc biệt, chị là một người thầy rất quý của những em khiếm thính cũng như nhiều em khuyết tật chân ở Lâm Đồng. Chỉ cần còn đôi bàn tay lành lặn, chị sẽ dạy các em nghề thêu và tạo việc làm cho các em. Với những em khiếm thính, do thể chất khác biệt, chị Hữu Hạnh  tìm cách truyền đạt riêng, để các em dễ dàng tiếp nhận kiến thức. Suốt 20 năm gắn bó với dạy nghề, chị đã dạy hàng trăm học sinh khiếm thính và khuyết tật chân, tạo việc làm cho các em, giúp những cô gái thiệt thòi ấy có một tương lai tươi sáng hơn.
 
Không chỉ bó hẹp ở Đà Lạt, Hữu Hạnh còn mong muốn giới thiệu nghề thêu Việt ra ngoài biên giới. Mang công mang của sang Pháp, chị đã tổ chức nhiều triển lãm tranh thêu giữa Paris hoa lệ. Chị viết sách dạy thêu bằng tiếng Pháp, làm nhiều clip dạy thêu bằng tiếng Việt, tiếng Pháp truyền bá trên mạng internet. Chị bảo, dạy nghề cho người nước ngoài, chị mong muốn họ hiểu được công sức, tâm ý, sự tài hoa của người thợ Việt và từ đó, hiểu và yêu tranh thêu Việt, yêu Việt Nam. Và sắp tới, thông qua sự trao đổi của Bộ Ngoại giao và ngành văn hóa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ, chị được mời sang Ấn Độ giao lưu, trao đổi với nghệ nhân thêu Ấn Độ trong thời gian một tháng. Với mỗi lần trao đổi văn hóa, chị đều hết sức quảng bá, tận dụng cơ hội giới thiệu nghề thêu tranh Việt.
 
DIỆP QUỲNH