Đưa người lạc lối trở về

08:06, 01/06/2015

Trong 5 năm triển khai mô hình "Quản lý giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng", chính quyền, các đoàn thể ở phường 2, Đà Lạt đã góp phần đưa không ít những trường hợp lạc lối trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong 5 năm triển khai mô hình “Quản lý giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng”, chính quyền, các đoàn thể ở phường 2, Đà Lạt đã góp phần đưa không ít những trường hợp lạc lối trở thành công dân có ích cho xã hội.
 
 Triển khai công tác tại Công an phường 2 - Đà Lạt
Triển khai công tác tại Công an phường 2 - Đà Lạt

Khi chúng tôi đến nhà, N.T.S trong bộ đồng phục chỉnh tề đang chuẩn bị đi làm. Công việc của anh hiện nay là tài xế của một hãng xe đường dài. Với vẻ ngoài lịch lãm, nụ cười thân thiện, ít ai biết rằng chàng trai Đà Lạt mới 20 tuổi này (sinh 1995) từng có một quá khứ “oai hùng”. Đang học lớp 10, S đột ngột quyết định bỏ học, dù gia đình hết sức can ngăn. Ở nhà, tụ tập cùng bạn bè bất hảo, S dần sa vào con đường cụt. Khi anh bị bắt, bị tuyên án tù vì liên quan đến cướp giật, cha mẹ anh mới bật ngửa. Anh bị tuyên án 18 tháng tù treo, thêm 12 tháng thử thách. Trong những ngày tháng “tăm tối” đó, gia đình và cộng đồng trong phường nơi anh sống đã cùng đứng bên cạnh. Mọi người vận động và rồi anh đi học trở lại tại trường nghề Đà Lạt. Khi hoàn tất chương trình với tấm bằng lái xe, anh kiếm được việc và đi làm. “Thật mừng vì nay nó đã biết lo làm ăn, được mấy chú ở chỗ làm rất khen” - bố anh nói. Tại một ngôi nhà khác ở phường 2 - Đà Lạt, chúng tôi được mời cà phê. Chủ nhân của quán cà phê này là anh V.V.T, 23 tuổi, cũng từng có một thời gian là “quái xế” tung hoành trên các con phố Đà Lạt ban đêm. T từng có một chiếc xe độ chạy rất bốc. Học hết 12, T ở nhà lang bạt cùng đám bạn đua xe. Trong một đêm gầm rú trên đường, T cùng các bạn bị bắt, xe bị giữ, bị xử phạt vì chạy “quá tốc độ”. Được mọi người vận động, nay T cho biết đã “gác kiếm” giã từ cuộc chơi, ở nhà kinh doanh cà phê cùng gia đình. 
 
Nằm ở khu vực trung tâm Đà Lạt, phường 2 có mật độ dân cư tập trung rất đông và là một địa bàn khá “phức tạp” về an ninh trật tự. Nơi đây có gần 200 cơ sở kinh doanh, có trên 250 nhà trọ với khoảng 3.000 người tạm trú làm ăn thời vụ, chưa kể một lượng lớn sinh viên trọ học. Từ năm 2010 đến nay, khi thực hiện mô hình “Quản lý giáo dục người phạm pháp tại cộng đồng”, UBND phường 2 đã đưa 74 trường hợp vào chương trình, trong đó có 21 trường hợp là trẻ em, vị thành niên, học sinh trong độ tuổi đi học nhưng bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, có em vi phạm pháp luật; 53 trường hợp còn lại trên 18 tuổi, trong đó có 38 người đã từng có tiền án tiền sự. Rất nhiều biện pháp đã được phường 2 triển khai để đưa người “lạc lối” trở về. Chính quyền phường, Công an phường, các đoàn thể, khu phố… đã cùng vào cuộc. Phường phân công người phụ trách từng trường hợp cụ thể, kết hợp cùng gia đình có người thân phạm pháp, linh hoạt khéo léo vận động, thuyết phục với từng trường hợp. Với những người được giao nhiệm vụ vận động, phường yêu cầu nắm kỹ nguyên nhân từng trường hợp dẫn đến vi phạm pháp luật để tìm cách cảm hóa tốt nhất. “Hoàn cảnh gia đình, tâm lý cá nhân, nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của từng người khác nhau nên các biện pháp quản lý, giáo dục đối với từng trường hợp cũng khác nhau” - trung tá Phạm Đúng, Trưởng Công an phường 2 cho biết. Trong hầu hết các trường hợp, chủ trương chung của phường là “mưa dầm thấm lâu”, người được phân công trực tiếp vận động phải kiên trì, nhẫn nại, dùng lời lẽ tế nhị để giao tiếp, tạo được khoảng cách gần gũi, giải thích, động viên mỗi khi gặp, mềm mỏng khuyên bảo bằng thái độ chân thành; không nặng lời, vận động gia đình tạo điều kiện đi học nghề, tìm việc làm, không để nhàn rỗi, “nhàn cư vi bất thiện”.
 
Trong cảm hóa, các chiễn sỹ công an khu vực có một vai trò quan trọng. Kết hợp với cán bộ cơ sở, các công an khu vực của phường đã phát huy hiệu quả vai trò của mình, thường xuyên đến thăm, tạo sự gần gũi. Đặc biệt, với trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật, các chiến sỹ công an khu vực đã kết hợp chặt chẽ với gia đình và trường học để giáo dục, ngăn chặn. Tuy nhiên, như trung tá Phạm Đúng cho biết, quan trọng nhất trong cảm hóa chính là từ gia đình của các trường hợp này: “Gia đình phải có tinh thần hợp tác tích cực và cùng chung tay thì mới thành công được”. Cho đến nay, hầu hết các nhà có người thân, con em trong trường hợp này đều đã cộng tác rất tốt cùng chính quyền và các cá nhân, tổ chức được phân công cảm hóa. Khi được vận động, nhiều gia đình đã quan tâm, dành thời giờ nhiều hơn cho người thân, con em mình, tăng cường quản lý giờ giấc, không cho giao du với bạn bè xấu; quản lý chặt chẽ giờ đi học, giờ tan trường đối với các trường hợp là học sinh; cùng kết hợp với nhà trường quản lý chuyện học hành. “Trong rất nhiều trường hợp, sự quan tâm dạy bảo của gia đình chính là mấu chốt, đem lại kết quả rất tốt, nhất là trong chuyện tạo công ăn việc làm, tạo ý chí và nghị lực cho các trường hợp sửa chữa lỗi lầm” - ông Đúng cho biết.
 
Cũng cần nói đến vai trò tích cực của cộng đồng, của người dân trong các khu phố. Chính quyền phường thông qua các cuộc họp dân vận động người dân trong khu phố cảm thông, chia sẻ, không được chê trách, xa lánh. Ban đại diện khu phố phân công những người lớn tuổi gương mẫu, có uy tín đến thăm nhà, động viên gia đình.   
 
Sau 5 năm thực hiện trên địa bàn, phường 2, Đà Lạt đã cảm hóa thành công 53 trường hợp. Rất nhiều người trong số này, như anh N.T.S, anh V.V.T đã có công ăn việc làm ổn định; rất nhiều trẻ em, học sinh bỏ học đã quay lại trường tiếp tục đèn sách... Nhiều người khi gặp hỏi lại chuyện cũ đều tỏ ra hối tiếc. Theo đánh giá của UBND phường 2, việc thực hiện tốt công tác “Quản lý giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng” đã và đang mang lại những tín hiệu rất tích cực cho cộng đồng dân cư của phường; tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn nay giảm rất nhiều. Và như trung tá Phạm Đúng nhận xét: “Vui nhất là đã giúp được rất nhiều người về “con đường chính” với tương lai phía trước”.
 
Gia Khánh