(LĐ online) - Sau 3 ngày tập huấn TOT về REDD+ tại thành phố Đà Nẵng, ngày 4/6, các học viên đến từ 3 tỉnh: Cà Mau, Bắc Kạn và Lào Cai đã kết thúc khóa học với buổi thi thông qua 3 nội dung (giới thiệu về đoàn, trả lời câu hỏi và trình bày tác phẩm nghệ thuật).
(LĐ online) - Sau 3 ngày tập huấn TOT về REDD+ tại thành phố Đà Nẵng, ngày 4/6, các học viên đến từ 3 tỉnh: Cà Mau, Bắc Kạn và Lào Cai đã kết thúc khóa học với buổi thi thông qua 3 nội dung (giới thiệu về đoàn, trả lời câu hỏi và trình bày tác phẩm nghệ thuật). Đây là buổi thi nhằm ôn lại kiến thức về REDD+ không chỉ đối với người thể hiện mà còn là những người nghe đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Hà Tĩnh.
Ở phần tự giới thiệu, cả 3 tỉnh đã đưa đến không khí sôi động, trẻ trung và gần gũi. Đoàn Cà Mau, thông qua bài đồng dao khá dí dỏm; đoàn Lào Cai giới thiệu các thành viên khá cụ thể, còn đoàn Bắc Kạn giới thiệu về nét nổi bật của từng thành viên...
|
Tiết mục kịch múa “Khát vọng xanh” của đoàn Bắc Kạn đã tạo được cảm xúc tốt đối với người xem |
Ở nội dung bốc thăm trả lời câu hỏi, các đoàn cử 5 đại diện mỗi đoàn, cùng thảo luận trong 30 giây để trả lời. Đây là phần nội dung xoáy sâu những nội dung của REDD+ với khá nhiều câu hỏi thiết thực. Đó là: Tại sao cần có mạng lưới truyền thông về REDD+?; Hãy đưa ra ít nhất 3 giải pháp nhằm giảm mất rừng?; Hãy giải thích bảo tồn trữ lượng các bon?; REDD+ là gì?; Tại sao nhóm đồng bào dân tộc thiểu số lại đặc biệt quan tâm trong thực hiện REDD+?;… Tuy nhiên, cũng còn những câu hỏi chưa đầy đủ dữ kiện nên phần trả lời chưa đạt được như mong muốn. Ví dụ, “Có bao nhiêu biện pháp bảo đảm an toàn theo thỏa thuận CANCUN?”. Điều đáng quan tâm hơn là phần trả lời nội dung câu hỏi còn khá sơ sài. Anh Hoàng Việt Dũng-đại diện Chương trình tập huấn cũng thừa nhận đây là điều rất cần được rút kinh nghiệm đối với các học viên khi trở về địa phương của mình thực hiện công tác truyền thông về REDD+.
Nếu phần trả lời mang tính học thuật thì phần thi năng khiếu đáp ứng yêu cầu là chuyển tải kiến thức về REDD+ bằng thể hiện năng khiếu văn nghệ. Đây là phần tạo được không khí sôi động, hấp dẫn trong tuyên truyền. Tỉnh Lào Cai với hoạt cảnh ngắn “Bảo vệ rừng xanh” là câu chuyện xảy ra tại một gia đình người dân tộc thiểu số. Tình huống là sự bất thống nhất nhận thức về bảo vệ rừng giữa cặp vợ chồng. Cao trào được mở nút bằng nhân vật cán bộ thôn xuất hiện với vai trò hòa giải và tuyên truyền. Thông qua giải thích của cán bộ, hoạt cảnh lồng ghép được nội dung tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích trong công tác bảo vệ rừng. Ấn tượng nhất là tiết mục kịch múa từ đoàn Bắc Kạn. Mô típ không mới, nhưng thời gian chuẩn bị ngắn, năng lực nghiệp dư, trang phục cách điệu, biết khai thác hình thể trên nền nhạc phẩm bất hủ về môi trường, họ tạo nên hiệu ứng tốt trong tuyên truyền chủ đề “Khát vọng xanh”. Dư âm trong người xem là ám ảnh về hậu quả môi trường sinh thái do con người hủy hoại. Đó cũng là sự thức tỉnh và kêu gọi cộng đồng hãy khẩn trương chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất...
Phần thi năng khiếu khép lại với tiểu phẩm kịch của đoàn Cà Mau về lớp tập huấn REDD+ đối với người dân một xã. Tình huống đưa ra: diễn giả truyền thụ kiến thức không phù hợp với đối tượng nên không tạo được tương tác và dẫn đến thất bại trong tuyên truyền. Bài học là vấn đề kỹ năng truyền thông hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đưa ra hình mẫu nhân vật nhà khoa học VN như trong tiểu phẩm còn thiếu thực tế, hiệu quả không thuyết phục.
Kết thúc buổi thi, ban giám khảo chính thức đưa ra kết quả: Đoàn Bắc Kạn đạt 81 điểm, xếp thứ nhất; đoàn Lào Cai 68,7 điểm (thứ nhì) và đoàn Cà Mau 65,6 điểm (thứ 3). Nhưng, vấn đề lớn hơn chính là kiến thức về REDD+ đã đọng lại trong mỗi thành viên, từ người tham gia dự thi đến người nghe. Anh Nguyễn Thanh Phương đại diện UN-REDD từ Hà Nội nhận xét: “Đây là cuộc thi có nhiều ý nghĩa đối với lớp tập huấn. Các học viên sẽ tích lũy cho mình những kiến thức quý về truyền thông REDD+ khi về cơ sở địa phương mình”.
MINH ĐẠO