Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và toàn dân. Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được quan tâm.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và toàn dân. Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được quan tâm.
Nhìn chung, hiệu quả tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đảng và Nhà nước về mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân và mở rộng BHXH để bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 đã xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT là nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu để thực hiện mục tiêu: “Tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, thực hiện BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT”.
Luật BHXH đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, có những thách thức trong triển khai Luật BHXH, Luật BHYT, đó là: Nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động chưa thật tự giác và chủ động, tính tuân thủ pháp luật chưa cao sẽ là một trong các thách thức lớn trước những quy định mới về tăng độ bao phủ và tính tuân thủ tham gia BHXH, BHYT khi thực thi các quy định này.
Trong 125 điều của Luật BHXH, phần lớn các quy định này tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia BHXH, trong đó có hai vấn đề sẽ có tác động lớn, đó là quy định về: Bổ sung đối tượng người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương của người sử dụng lao động quyết định được đóng theo quy định của khoản 1 điều 90 của Bộ Luật Lao động (2 quy định này sẽ được thực thi từ ngày 1/1/2018). Các quy định nêu trên có ý nghĩa tích cực nhân văn nhằm đáp ứng tốt quyền tham gia BHXH của mọi người lao động trong khu vực hưởng lương, đảm bảo tốt mức lương hưu khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu và góp phần cải thiện đáng kể tuổi thọ của Quỹ Hưu trí trong dài hạn. Tuy nhiên, một khi nhận thức của các đối tượng có tác động trực tiếp bởi các quy định này chưa đầy đủ thì sẽ luôn xảy ra hiện tượng thiếu trung thực trong kê khai, gian lận về số lượng tham gia BHXH theo luật định và đóng không đúng, không đủ mức đóng theo quy định. Đây là tồn tại đã có trong một thời gian dài, đặc biệt phổ biến ở khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà từ lâu các cơ quan quản lý, cơ quan tổ chức thực hiện thiếu các công cụ quản lý, kiểm soát có hiệu quả.
Trong khi tỉ lệ bao phủ BHYT bình quân cả nước năm 2014 khoảng 71% thì vẫn còn gần 30% dân số chưa tham gia BHYT, mà chủ yếu là đối tượng sống ở khu vực nông thôn, làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người buôn bán nhỏ, lao động tự do ở các khu đô thị; vẫn còn một số địa phương có tỉ lệ tham gia BHYT thấp so với mức bình quân chung của cả nước (trong đó có Lâm Đồng). Bên cạnh nhiều tỉnh có Quỹ BHYT kết dư hàng trăm tỷ đồng thì một số địa phương liên tục bội chi Quỹ BHYT nhiều năm mà chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT chỉ giới hạn ở một số điều, khoản được giao trong luật, trong khi đó không ít điều nếu không được làm rõ sẽ tạo ra những khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Chưa kể hiện nay Luật BHXH đã được Quốc hội thông qua thì vẫn đang còn bàn cãi về điều 60 khoản 1 - Giảm dần việc rời bỏ hệ thống BHXH của người đã tham gia bằng quy định hạn chế người được hưởng BHXH một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Yêu cầu về tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến việc quản lý đối tượng, giải quyết các chế độ thụ hưởng đối với người tham gia; đơn giản về thủ tục hồ sơ và rút ngắn thời quan giải quyết, tạo thuận lợi cao nhất với người tham gia trong khi bộ máy tổ chức thực hiện còn không ít hạn chế, bất cập về năng lực cán bộ, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin để thực hiện các yêu cầu này; nguồn lực về tài chính và con người trong thực hiện một số chính sách, chế độ BHXH chưa được định lượng cụ thể để xác định rõ thời gian, mức được hỗ trợ cho người lao động tham gia loại hình BHXH tự nguyện cũng là một thách thức cần được tính tới trong việc triển khai Luật BHXH và Luật BHYT.
Cũng theo TS Bùi Sỹ Lợi cho biết, giải pháp hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân từ 2 chính sách trụ cột BHXH, BHYT là: Tuyên truyền một cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, Luật BHYT đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định trong 2 Luật này. Bảo đảm đúng tiến độ trong việc thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật BHXH theo quy định của Chính phủ với chất lượng cao, thuận tiện trong thực thi và khả thi trong áp dụng. Chủ động xác định nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ sớm quyết định những quy định đã ghi trong luật: thời điểm, mức hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ và thời hạn hỗ trợ. Giai đoạn từ 2016 - 2020, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHYT thực hiện theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đây là giải pháp gia tăng quy mô người lao động tham gia BHXH tự nguyện và BHYT trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu tăng độ bao phủ người lao động tham gia BHXH, BHYT đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
AN NHIÊN