"Tôi sinh ra và lớn lên từ ngôi làng của người Châu Mạ. Ngay từ lúc còn bé trên lưng mẹ, tôi đã được nghe những làn điệu dân ca của đồng bào mình. Lớn lên, những lúc theo cha lên nương rẫy, tôi cũng được nghe những làn điệu quen thuộc ấy. Và những làn điệu ấy đã ngấm vào máu thịt của tôi từ lúc nào không hay...".
“Tôi sinh ra và lớn lên từ ngôi làng của người Châu Mạ. Ngay từ lúc còn bé trên lưng mẹ, tôi đã được nghe những làn điệu dân ca của đồng bào mình. Lớn lên, những lúc theo cha lên nương rẫy, tôi cũng được nghe những làn điệu quen thuộc ấy. Và những làn điệu ấy đã ngấm vào máu thịt của tôi từ lúc nào không hay...”.
Đó là tâm sự của K’Brèm, một thanh niên Châu Mạ ở thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm), người đã dành gần 15 năm đam mê và tâm huyết để sưu tầm những làn điệu dân ca Châu Mạ và “thổi” vào chúng cái hồn của thanh âm trẻ trung, tươi mới. Sinh ra trong một gia đình yêu ca hát, K’Brèm từ nhỏ đã được “nuôi lớn” bằng tiếng cồng, tiếng chiêng của cha và những lời hát ru trên lưng mẹ, những bài “đối đáp” (Yal Yau, Tam Pơt) dân dã của đồng bào trên nương và những điệu hát mừng mùa sau một năm vất vả... Anh kể: “Cha tôi là người đam mê cồng chiêng, còn mẹ tôi hát dân ca rất hay. Tôi đã được ông bà truyền lại cảm thụ về âm nhạc ngay từ khi tôi còn rất nhỏ. Khi 18 tuổi, tôi đã đi hát cho các buôn làng ở Lộc Lâm, Lộc Bắc và có dịp ngồi nghe các già làng ở đây kể lại lịch sử những lời Yal Yau, Tam Pơt. Qua những câu chuyện này, tôi khám phá ra những nét văn hóa rất hay của dân tộc mình và nuôi ý định lưu giữ”.
|
K’Brèm (bên phải) cùng với các cô gái Châu Mạ trong một tiết mục biểu diễn bài dân ca Kok Kék (chụp từ ảnh tư liệu) |
Khi huyện Bảo Lâm được thành lập, K’Brèm “đầu quân” về Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện và có cơ hội thực hiện ý định của mình. Trong vai trò là Đội phó Đội Thông tin lưu động, có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều già làng, trưởng bản am hiểu về dân ca Châu Mạ, K’Brèm được nghe kể và làm quen với nhiều loại nhạc cụ của đồng bào. Qua những lần theo người thân đi diễn tấu cồng chiêng tại các dịp lễ hội hoặc biểu diễn phục vụ các chương trình ca nhạc lưu động, K’Brèm càng nung nấu ý định hiệu chỉnh và phát triển các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Thế là bắt đầu từ năm 2000, qua những chuyến công tác ở vùng sâu Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Thành..., K’Brèm tranh thủ thời gian ban đêm đến nhà những già làng biết hát dân ca để nghe họ hát. Anh ghi chép, ghi âm cẩn thận rồi về nghe đi nghe lại nhiều lần. Cái nào không rõ thì anh ghi lại rồi tìm dịp trao đổi với người am hiểu. Nhiều bài dân ca tưởng đã “ngủ quên” được K’Brèm “đánh thức” khi gợi lại câu chuyện về chúng trong tâm tưởng của những già làng ở Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân. Già làng K’Vủi (ở thôn 2, Lộc Bắc) nói: “Mỗi lần K’Brèm vào đây là vui lắm, vì tôi được hát lại những bài dân ca ngày xưa. K’Brèm rất thích nghe và thích sưu tầm chúng để giữ lại cho bọn trẻ. Nếu K’Brèm không làm thế thì thanh niên bây giờ không còn biết dân ca của đồng bào và bản sắc văn hóa của người Châu Mạ sẽ dần mất đi”.
Trong hành trình sưu tầm dân ca của dân tộc mình, K’Brèm chia sẻ: “Điều khó khăn nhất là làm sao biến những làn điệu dân ca cổ xưa của đồng bào trở thành “món ăn” mà giới trẻ ngày nay yêu thích. Phần lớn các bài Yal Yau, Tam Pơt đều được thể hiện bằng hình thức đối đáp, kể chuyện. Kể cả tiếng cồng, tiếng chiêng cũng thế, những âm điệu xưa rất chậm, buồn và thiếu sinh động. Nếu giữ nguyên âm hưởng này, sẽ khó lưu truyền vì giới trẻ không hứng thú. Phải làm mới chúng, phải “thổi” vào đó sinh khí cho sôi động, tiết tấu phải nhanh hơn, nhạc phải hay hơn, tất nhiên vẫn phải dựa trên nền tảng là những lời dân ca cổ của đồng bào. Khi hoàn thành một bản hiệu chỉnh, tôi mang đến cho các già làng nghe lại. Nếu được họ gật đầu tán thành, tôi mới bắt đầu việc lưu truyền”.
Trong gần 15 năm đi sưu tầm, K’Brèm đã lưu giữ được khá nhiều bài dân ca Châu Mạ. Trong số này, có 4 bài được anh biến tấu lại thành những bản nhạc mang âm hưởng trẻ trung, sôi động, lời ca mộc mạc nhưng trong sáng, được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Đó là bài Kok Kék (Lời của thiên nhiên), sáng tác năm 2003; bài Rớn Tắp Rớn Ting (Lời dặn dò) năm 2007; bài Đơs N’Hoh (Đố bạn) năm 2010 và mới đây nhất là bài Đơs Wàl (Đối đáp), sáng tác năm 2014. Đặc biệt, bài Kok Kék đã giúp anh đoạt giải A tại Liên hoan Dân ca toàn quốc năm 2007. Bây giờ, đi đến buôn làng Châu Mạ nào ở Bảo Lâm, cũng nghe thanh niên truyền nhau lời bài hát đã thuộc nằm lòng:
“Hỡi chàng trai Mạ sao khéo thế.
Xuống suối mò cua bắt ốc.
Lên rừng bẫy thú bắt chim.
Ra biển căng cơ giăng lưới.
Suối Đạ R’Nga có cá rô.
Vô làng người Mạ gà gáy ó...o.
Ngó xuống đồng ruộng bầy trâu gặm cỏ.
Bếp lửa đỏ hồng mừng mùa lúa mới!”.
Ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Bảo Lâm, trao đổi: “K’Brèm đã được Ủy ban Dân tộc (Chính Phủ) và Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng tôn vinh là “Nghệ nhân cồng chiêng” từ năm 2005. Bản thân K’Brèm trong nhiều năm nay đã có những đóng góp cho việc lưu giữ những nét văn hóa phi vật thể và truyền dạy cồng chiêng cho giới trẻ của địa phương. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận và phù hợp với tinh thần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Ngoài công việc chuyên môn ở Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, K’Brèm còn dành thời gian đứng lớp truyền dạy cồng chiêng và phổ biến dân ca Châu Mạ cho các em học sinh ở Trường DTNT Bảo Lâm. Anh chia sẻ: “Ngày 17 - 19/6 này, lần đầu tiên các em học sinh của Trường sẽ tham gia Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc (lần thứ V) tổ chức tại Ninh Thuận. Trong 6 tiết mục được đưa đi tham gia Liên hoan lần này, có 4 tiết mục là 4 bài dân ca Châu Mạ đã được tôi biến tấu”.
Những làn điệu dân ca biến tấu của K’Brèm đã giúp giữ “lửa” dân ca trong cộng đồng người Mạ. Khi được sống trong không gian văn hóa của mình, đồng bào có cơ hội đào sâu vốn quý của văn hóa dân tộc. Không chỉ giúp lưu truyền văn hóa trong cộng đồng của mình, K’Brèm còn mang những bài dân ca này đến với nhiều vùng miền trong cả nước và đã đoạt nhiều giải thưởng, như giải A “Tiếng hát miền Đông Nam Bộ”, giải A “Liên hoan Dân ca, dân vũ toàn quốc”. Đó là phần thưởng cho lòng đam mê và nỗ lực của người con yêu văn hóa buôn làng.
HẢI UYÊN