Lâm Đồng là một trong những địa phương sớm đưa ra đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2014 đến 2020. Qua một năm triển khai thực hiện đề án này, kết quả bước đầu mang lại tuy rất đáng ghi nhận nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Lâm Đồng là một trong những địa phương sớm đưa ra đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2014 đến 2020. Qua một năm triển khai thực hiện đề án này, kết quả bước đầu mang lại tuy rất đáng ghi nhận nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Lâm Đồng không chỉ là tỉnh nằm ở phía thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai mà còn là địa phương có diện tích lưu vực thuộc hệ thống sông này khá lớn - 8.524km2, gồm một số con sông chính như Đa Dâng, Đa Nhim, Đại Nga, Đạ Huoai... và một số phụ lưu phía tả ngạn. Với vị trí như vậy, Lâm Đồng có một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (và cả hệ thống sông Krông Nô).
|
Hồ Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) nằm ven sông Đồng Nai |
Ghi nhận kết quả bước đầu
Ở phạm vi quốc gia, tháng 12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đây chính là cơ sở để Lâm Đồng (và các địa phương khác có hệ thống sông Đồng Nai đi qua) xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động cụ thể về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh. Với Lâm Đồng, mốc thời gian đáng nhớ về vấn đề này là quyết định phê duyệt đề án “Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020” hồi cuối năm 2014 vừa qua với tổng kinh phí hơn 1.162 tỷ đồng. Đề án bảo vệ môi trường sông Đồng Nai của Lâm Đồng đặt ra mục tiêu tổng quát: “Kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sinh thái lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, bước đầu triển khai đề án, trong vài tháng qua, Lâm Đồng đang có nhiều cố gắng trong việc xây mới hoặc nâng cấp các công trình thuộc hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh; trong đó, đáng kể là các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung gồm nước thải sinh hoạt đô thị (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng...), nước thải trong hoạt động sản xuất công nghiệp (hai khu công nghiệp Lộc Sơn - Bảo Lộc và Phú Hội - Đức Trọng), nước thải y tế (các bệnh viện nằm trên địa bàn hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc)... Cùng đó, Lâm Đồng cũng đã, đang và sẽ tiếp tục rà soát, lập danh mục và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thu hút, đầu tư xây dựng theo quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động giám sát diễn biến chất lượng môi trường nước tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao trên hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh... Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, trên thực tế, công tác điều tra cơ bản và thống kê nguồn thải trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu thực hiện một cách có hệ thống hơn, hứa hẹn mang lại kết quả khả quan hơn. Đáng chú ý là việc kiểm soát nguồn ô nhiễm đã được triển khai thực hiện tại một số doanh nghiệp và địa phương có phát sinh nguồn nước thải thoát ra sông Đồng Nai như ở TP Bảo Lộc đối với một số nhà máy dệt nhuộm, ở hai huyện Đức Trọng và Lâm Hà đối với một số cơ sở chế biến cà phê ướt, ở hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh đối với việc kiểm soát chặt nguồn ô nhiễm do khai thác cát trực tiếp trên sông Đồng Nai. Một trong những việc làm cụ thể có thể nêu ra đây là việc tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Cát Tiên nói riêng đang tìm mọi cách để hạn chế đến mức tối đa và tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn qua huyện Cát Tiên để chính quyền huyện này đưa sông Đồng Nai vào khai thác du lịch theo như kế hoạch đã đề ra (trên sông Đồng Nai đoạn qua Cát Tiên, hiện vẫn còn hoạt động khai thác cát nhưng quy mô thấp hơn nhiều so với trước đây nhờ mới đây, nhiều giấy phép khai thác đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chấm dứt hiệu lực; đồng thời, không cấp giấy phép mới cho các cơ sở và hộ cá nhân).
Phía trước còn nhiều thách thức
Trong một số hội thảo khoa học về vấn đề quản lý môi trường và tài nguyên nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được tổ chức trong thời gian gần đây, ý kiến của các nhà khoa học là vẫn chưa thôi lo ngại về những tác động tiêu cực của việc sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên rừng đầu nguồn của sông Đồng Nai trên địa bàn nhiều tỉnh, đặc biệt là đối với tỉnh thuộc khu vực đầu nguồn quan trọng Lâm Đồng. Một thông điệp chung nhất được các nhà khoa học và các nhà quản lý địa phương 11 tỉnh thành trong khu vực lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có Lâm Đồng, đưa ra là: Tài nguyên nước và rừng đầu nguồn thuộc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai là tài sản chung của quốc gia và cần được quy hoạch và quản lý một cách có hiệu quả cao vì sự phát triển bền vững.
Cho đến lúc này, mặc dầu đã có nhiều cố gắng nhưng những hoạt động cụ thể của từng địa phương, trong đó có Lâm Đồng, trong thời gian qua vẫn chưa đưa nguồn tài nguyên nước nói riêng và sự đa dạng sinh học nói chung của hệ thống sông Đồng Nai thoát khỏi thực tế đáng báo động về sự cạn kiệt và suy thoái. Với riêng tỉnh Lâm Đồng, nguồn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hằng năm (trung bình hơn 500.000 tấn phân bón và 3.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật) vẫn đang là một thách thức lớn đối với môi trường nước sông Đồng Nai khi mà hiện cho tới lúc này, việc kiểm soát nguồn phân và nguồn thuốc vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Cũng cần nói thêm, mục tiêu đề ra là đạt 60% số khu đô thị trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn kỹ thuật cũng là một thách thức khác (hiện Lâm Đồng chỉ mới đạt khoảng 15%). Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, sông Đồng Nai trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 500.000m3 nước thải công nghiệp từ hơn 60 khu công nghiệp và khoảng 2 triệu m3 nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị; trong đó, chỉ khoảng 40% nước thải công nghiệp và 15% nước thải sinh hoạt đã qua xử lý. Và, Lâm Đồng là địa phương “đóng góp” một phần rất đáng được quan tâm để hình thành nên những con số đáng quan tâm được nêu lên từ kết quả điều tra đó của các cơ quan hữu trách.
Trong những tháng còn lại của năm 2015 và giai đoạn từ 2016 - 2020, nhiệm vụ đặt ra cho Lâm Đồng dĩ nhiên là còn rất lớn: Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường hệ thống sông Đồng Nai; rà soát, ban hành mới hoặc bổ sung những nội dung thiết yếu vào chương trình đề án bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các nguồn ô nhiễm đang đe dọa môi trường nước và hệ sinh thái sông Đồng Nai; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường lưu vực hệ thống sông; tăng cường kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...
Khắc Dũng