(LĐ online) - Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), sáng ngày 26/6/2015, UBND huyện Di Linh đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương những gia đình văn hóa tiêu biểu. Trong số 33.152 gia đình được công nhận "gia đình văn hóa" (chiếm 88%), lần này, huyện Di Linh đã chọn ra 40 gia đình văn hóa để tuyên dương.
(LĐ online) - Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), sáng ngày 26/6/2015, UBND huyện Di Linh đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương những gia đình văn hóa tiêu biểu. Trong số 33.152 gia đình được công nhận “gia đình văn hóa” (chiếm 88%), lần này, huyện Di Linh đã chọn ra 40 gia đình văn hóa để tuyên dương. Tuy mỗi gia đình có một nét rất riêng, nhưng họ đều là những gia đình văn hóa tiêu biểu.
• Gia đình ông Trình Đức Hùng (thôn 7, xã Tân Châu) tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM):
“Gia đình là tế bào của xã hội. Muốn có một xã hội tốt đẹp, thì vai trò của mỗi gia đình là hết sức quan trọng”. Xác định được điều đó, nên gia đình ông Trình Đức Hùng luôn hăng hái tham gia hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong mấy năm gần đây, gia đình ông luôn hăng hái tham gia phong trào xây dựng NTM. Ngoài việc đóng góp bằng tiền mặt, ông Trình Đức Hùng được địa phương ghi nhận là một thành viên rất tích cực tham gia vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng làm đường, làm hội trường thôn, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trong thôn… Nhờ vậy, ông đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và góp sức cùng với xã Tân Châu đạt được các tiêu chí về NTM.
Để làm được điều đó, theo ông Hùng, trước hết là phải lo ổn định đời sống và chăm lo hạnh phúc gia đình. Từ một dân nghèo đi xây dựng kinh tế mới, gia đình ông đã có cuộc sống khá giả, 2 con chăm ngoan học hành và đã trưởng thành, tạo được công ăn việc làm ổn định (1 con là bác sĩ làm việc ở Vũng Tàu và 1 con đang làm việc tại Khoa Dược của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh). Hiện tại, gia đình ông canh tác 2,2ha cà phê và 350 trụ tiêu. Riêng cà phê, sản lượng hàng năm, ông thu được 9 - 12 tấn nhân.
• Gia đình ông Bùi Duy Hùng (thôn 7, xã Tân Lâm) hăng hái trong các phong trào thi đua ở khu dân cư:
Quê từ Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), năm 1992, ông Bùi Duy Hùng vào lập nghiệp tại thôn 7 (xã Tân Lâm), một thôn phần lớn là dân tộc Mường. Trên quê mới, gia đình ông nhanh chóng ổn định và khá giả nhờ chịu khó thâm canh 2,3ha cà phê. Để nâng cao thu nhập, từ năm 2008, ông bắt đầu ghép cải tạo và trồng tái canh bằng giống mới. Hiện nay, năng suất cà phê đã đạt bình quân trên 5 tấn nhân/1ha. Ngoài ra, năm 2010, ông còn đầu tư 200 triệu đồng xây bể nuôi ba ba và cá lăng, hàng năm cho thêm thu nhập 60 triệu đồng.
Kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng hạnh phúc, 2 con đều được chăm ngoan học hành. Đặc biệt, gia đình ông rất mẫu mực, hăng hái tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Từ năm 2011 đến nay, gia đình ông được công nhận là “gia đình văn hóa” tiêu biểu. Gia đình luôn gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, không mê tín dị đoan. Trong phong trào chung tay xây dựng NTM, gia đình ông đã hiến 300m
2 đất để làm đường; đóng góp 6 triệu đồng (ngoài định mức 400.000 đồng/1 hộ) để xây dựng hội trường thôn và thường hỗ trợ tiền giúp các hoạt động văn nghệ, thể thao tại địa phương. Riêng bản thân ông, từ 2009 – 2013, tham gia làm trưởng thôn và trưởng ban vận động xây dựng đời sống văn hóa thôn.
• Gia đình ông Đào Tấn Xết (thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa) tích cực làm từ thiện:
Đều là thương binh và cán bộ hưu trí, nên cả 2 vợ chồng ông Đào Tấn Xết rất yêu thương và biết sẻ chia những người và gia đình có hoàn cảnh kém may mắn, gặp khó khăn. “Trong những năm còn lại của cuối đời, vợ chồng tôi đều suy nghĩ cần làm điều gì đó để an ủi những con người đang gặp khó khăn, neo đơn… Bởi, một miếng khi đói bằng một gói khi no!” - ông Đào Tấn Xết trải lòng.
Từ suy nghĩ đó, trong những năm gần đây, vợ chồng ông đã xin được nguồn tài trợ từ Bệnh viện Da liễu (TP Hồ Chí Minh) và các nơi khác giúp người nghèo hơn 200 suất quà (mỗi suất 200.000 đồng) và thuốc men trị giá 60 triệu đồng; hơn 1 tấn áo quần, chăn màn; 600 quyển vở và 50 bộ quần áo học sinh… và hiện đang vận động xin tiền để làm nhà tình thương. Năm 2014, vợ chồng ông tham gia Hội Chữ thập đỏ và tổ chức Tổ Từ thiện thôn. Tổ Từ thiện vận động xin được 500kg gạo và kể từ tháng 3/2015 đến nay, mỗi tháng, tổ chức nấu 100 phần ăn để giúp người nghèo tại Bệnh viện Di Linh. Tuy đồng lương hưu ít ỏi, hàng tháng, vợ chồng ông đã trích một phần để giúp 1 gia đình trong thôn gặp khó khăn.
• Gia đình già làng K’Bung (thôn 1A, xã Đinh Trang Hòa) luôn mẫu mực:
“Vừa là già làng, vừa làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, nên tôi và cả gia đình lúc nào cũng phải mẫu mực. Có như vậy, tôi mới vận động được con cháu và người dân trong thôn tham gia các phong trào và các cuộc vận động ở địa phương” - già làng K’Bung tâm sự.
Từ trước đến nay, nhờ biết làm ăn (3ha cà phê và 1ha ruộng làm lúa), kinh tế gia đình già làng K’Bung luôn ổn định; các con đều được học hành và phần lớn đều thành đạt. Nhờ vậy, già làng rất có uy tín và được bà con tin cậy. Đó cũng chính là điều giúp cho già làng K’Bung thành công trong vai trò của mình. Già làng đã góp sức cùng Chi bộ, Ban nhân dân thôn vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thôn 1A là một trong những thôn đi đầu trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, hiến đất làm đường, xóa bỏ mê tín dị đoan và những tập quán lạc hậu…
XUÂN LONG