Những lưu ý khi dự kỳ thi THPT quốc gia 2015

10:06, 29/06/2015

(LĐ online) - Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã cận kề. Đây là kỳ thi "hai trong một" lần đầu tiên tổ chức, tất cả đều có sự hồi hộp, lo lắng nhất định. Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với TS. Lê Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi THPT quốc gia do Đại học Đà Lạt chủ trì, về những lưu ý khi tham gia kỳ thi.   

(LĐ online) - Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã cận kề. Đây là kỳ thi “hai trong một” lần đầu tiên tổ chức, tất cả đều có sự hồi hộp, lo lắng nhất định. Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với TS. Lê Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi THPT quốc gia do Đại học Đà Lạt chủ trì, về những lưu ý khi tham gia kỳ thi.  
 
Tiến sĩ Lê Hồng Phong
Tiến sĩ Lê Hồng Phong
 
PV: Tiến sĩ có thể cho biết công tác chuẩn bị hiện nay tại Cụm thi 31, do Đại học Đà Lạt chủ trì?
 
TS. Lê Hồng Phong: Chúng tôi phối hợp tốt với địa phương trong công tác chuẩn bị. Hiện, mọi khâu đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi.
 
PV: Có thể xảy ra trường hợp, một thí sinh sẽ thi ở nhiều điểm thi khác nhau, theo từng môn thi?
 
TS. Lê Hồng Phong: Đến thời điểm này, tại Cụm thi 31, mỗi thí sinh chỉ thi tại một điểm thi. Nhưng nếu có trường hợp đó, chúng tôi sẽ sắp xếp tại điểm gần nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và người thân.
 
PV: Công tác hỗ trợ thí sinh ở xa đến dự thi như thế nào?
 
Cụm thi do Trường Đại học Đà Lạt chủ trì có 18.647 thí sinh của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đăng ký dự thi; trong đó có hơn 4.800 thí sinh tỉnh Ninh Thuận; được bố trí tại 20 điểm thi, với 613 phòng thi trên địa bàn TP Đà Lạt. 

TS. Lê Hồng Phong: Lực lượng Tiếp sức mùa thi của trường và địa phương sẽ đón tiếp, hướng dẫn thí sinh và phụ huynh những gì thuận tiện nhất. Riêng các thí sinh thuộc diện ưu tiên được bố trí chỗ ở miễn phí. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo kiểm tra, quản lý giá cả nhà trọ, nhà nghỉ để không xảy ra nạn “chặt chém”.

PV: Tiến sĩ có những lưu ý gì với các thí sinh, phụ huynh? 
 
TS. Lê Hồng Phong: Đối với thí sinh, tuyệt đối không mang điện thoại (kể cả điện thoại đã tắt nguồn), tài liệu vào phòng thi, nếu lỡ mang vào thì gửi ban thư ký hội đồng thi; vì nếu bị phát hiện là đình chỉ thi; không được sử dụng bút xóa, không được viết bằng bút chì, trừ vẽ đường tròn bằng com-pa và tô các ô trên trả lời trắc nghiệm, đồng thời chỉ được viết bằng một thứ mực và không được dùng mực màu đỏ. 
 
Riêng các môn trắc nghiệm, thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời in sẵn và chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.
 
Thí sinh được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, com-pa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi Ðịa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì)…
 
Đà Lạt đang vào mùa mưa, các em lưu ý mang theo áo ấm, áo mưa hoặc ô (dù). Một điều nữa, mặc dù công tác vệ sinh an toàn thực phẩm rất được quan tâm, nhưng các em phải thận trọng trong ăn uống, như hạn chế ăn rau sống chẳng hạn. 
 
Với các bậc phụ huynh, mặc dù thương con em, nhưng tôi mong quý phụ huynh hạn chế đưa con em đi thi, vì Đà Lạt vào mùa du lịch, sẽ ảnh hưởng đến giao thông, chỗ ăn, chỗ nghỉ… 
 
PV: Còn đề thi, theo nhận định của Tiến sĩ? 
 
TS. Lê Hồng Phong: Đề thi thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dùng cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ. Theo tôi, đề thi sẽ đặt ra yêu cầu hai mức độ cơ bản và nâng cao. Trong đó, tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% và tỷ lệ cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40%, để bảo đảm phân loại được thí sinh. Nói chung, đề thi sẽ có phần để các em học lực trung bình có thể đạt điểm đủ tốt nghiệp, phần nâng cao để xét tuyển vào CĐ, ĐH, nên các em không phải lo lắng.
 
Trân trọng cảm ơn TS. Lê Hồng Phong về cuộc trao đổi này.
 
 
MAI VĂN BẢO thực hiện