Niềm tin phía biển

08:06, 29/06/2015

Trong hành trình 15 ngày, tàu Trường Sa 571 đã vượt sóng biển giữa đại dương mênh mông đưa hơn 130 thân nhân đến với các đảo, điểm đảo để thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.

Trong hành trình 15 ngày, tàu Trường Sa 571 đã vượt sóng biển giữa đại dương mênh mông đưa hơn 130 thân nhân đến với các đảo, điểm đảo để thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa. Với họ, dù hành trình dài vượt qua nhiều gian khó, nhưng tất cả đều chung một niềm tin hướng biển để mang tình yêu thương đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”.
 
Đoàn thân nhân chụp hình lưu niệm tại đảo Trường Sa Lớn
Đoàn thân nhân chụp hình lưu niệm tại đảo Trường Sa Lớn

Hành trình đưa thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa lần này xuất phát từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) vào sáng 15/6/2015. Tàu 571 nổi hồi còi và tiến ra biển để đưa Đoàn thân nhân hướng đến Trường Sa. Lúc này, chúng tôi mới cảm nhận được sự rung lắc của con tàu trước sóng biển. Cũng vì thế, nhiều thân nhân trên chuyến hành trình chưa quen với sóng biển nên đã say phải trở về phòng nghỉ. Song, đây cũng là khoảng thời gian người thì làm thơ để tặng chồng, người lại tìm cho mình cuốn sổ để ghi lại những thời khắc hạnh phúc khi tàu cập bến đưa thân nhân lên đảo... 
 
Là một giáo viên THPT đến từ tỉnh Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (vợ anh Chu Hùng, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Tây) chia sẻ: “Đến với Trường Sa lần này, ngoài việc thăm chồng, thì điều mà tôi xác định là để học hỏi, cảm nhận và sẻ chia tình cảm giữa đất liền và biển đảo. Tôi tin rằng, sau chuyến đi này, bản thân mình sẽ học được nhiều điều để có thể chia sẻ, truyền đạt cho học sinh để giúp các em có một cách nhìn đúng và trách nhiệm với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
 
Trong 15 ngày ra thăm Trường Sa, tất cả các thân nhân trên Tàu 571 được sống trong môi trường quân đội; tìm hiểu về cuộc sống, nhiệm vụ của chiến sĩ Hải quân và ngư dân đang ngày đêm bám biển thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tại 18 đảo, điểm đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa văn nghệ... nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống tại đây. 
 
Sau khi cho thuyền cơ động đưa 3 thân nhân vào đảo Đá Lát, Tàu 571 tiếp tục hành trình đến đảo Trường Sa lớn. Đến 10 giờ ngày 17/6, tàu cập bến đảo Trường Sa Lớn và đưa toàn bộ Đoàn thân nhân lên thăm đảo. Theo lời giới thiệu của Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, thì đây là hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” và cũng là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo có sân bay, cầu cảng, nhà đèn, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh và người dân sinh sống để bám biển. Tại đây, Đoàn thân nhân được tiến hành lễ chào cờ, chứng kiến cán bộ, chiến sĩ trên đảo duyệt quân ngũ và thắp hương, viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Chùa Trường Sa. 
 
Theo thông báo của Ban Chỉ huy tàu, trong Đoàn thân nhân ra thăm Trường Sa lần này có 40 người là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn. Chị Lê Thị Phương Thùy (ngụ tại TP Hà Nội, đến thăm chồng là anh Đỗ Văn Hải tại đảo Trường Sa Lớn) phấn khởi: “Chồng tôi tham gia lính Hải quân đã gần 20 năm, nên tôi rất vui khi lần đầu tiên được cùng Đoàn công tác ra đảo thăm chồng. Hơn 1 năm nay, vợ chồng tôi mới được gặp lại nhau và nhìn thấy chồng mạnh khỏe, tôi rất hạnh phúc. Thời gian ở lại trên đảo, tôi sẽ kể cho chồng mình nghe cuộc sống của gia đình ở đất liền và động viên để chồng yên tâm công tác”.
 
Sau 1 giờ đồng hồ ở Trường Sa lớn, Tàu 571 tiếp tục rẽ sóng tiến ra biển khơi đưa Đoàn thân nhân đến thăm các đảo, điểm đảo khác của quần đảo Trường Sa, như: An Bang, Tiên Nữ, Núi Le, Tóc Tan, Phan Vinh, Trường Sa Đông… Đến 9 giờ ngày 21/6, tàu thả neo tại đảo Đá Tây và đưa thân nhân vào các điểm đảo. Đây là đảo cuối cùng ở phía Nam quần đảo Trường Sa mà tàu đưa thân nhân tới thăm. Đảo Đá Tây, gồm 3 điểm đảo nằm cạnh nhau là Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C. Do ảnh hưởng của bão số 1, nên sóng biển lúc này cao trên 2 mét, nhưng các thân nhân được các thủy thủ đưa vào đảo an toàn. 
 
Tại đây, chúng tôi được gặp 2 nhân vật “đặc biệt” trong Đoàn thân nhân là ông Phạm Minh Trợ (ngụ tại tỉnh Đắk Lắk) và ông Nguyễn Chí Thành (ngụ tại tỉnh Bắc Giang). Năm nay, cả 2 ông đều đã ngoài 60 tuổi và là lần đầu tiên được đến Trường Sa thăm con mình đang công tác tại đây. Tuy không hẹn mà gặp, nhưng cả 2 người lại có chung một cách thể hiện, là dùng một cuốn sổ tay để ghi lại tất cả các đảo, điểm đảo mà tàu đưa thân nhân đến thăm thành một cuốn nhật ký. Ông Trợ cho biết: “Ngày trước, tôi cũng cầm súng ra chiến trường chống giặc ngoại xâm, nên tôi rất thấu hiểu sự gian khổ của những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Ra đây, tôi rất vui mừng khi thấy con mình cùng đồng đội luôn giữ vững ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Vì vậy, tôi không thể không ghi lại chuyến hành trình này thành một cuốn nhật ký và chụp lại những tấm ảnh về các điểm, đảo ở Trường Sa. Để rồi, khi trở về đất liền, tôi kể cho con cháu, hàng xóm, láng giềng nghe và tự hào về những người lính Trường Sa yêu hòa bình, yêu Tổ quốc…”. 
 
Hành trình đến Trường Sa với những tình cảm thiêng liêng giữa quân và dân, giữa hậu phương và tiền tuyến đã cho tôi thấy được biển đảo nước ta chính là cửa ngõ của quốc gia, cùng với đất liền hình thành chiến lũy nhiều tầng, nhiều lớp, thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, chúng tôi được mắt thấy, tai nghe những sự chuyển biến, phát triển trên quần đảo Trường Sa, với những người lính Hải quân dạn dày nắng gió, tự tin, yêu đời. Đối với những thân nhân ra thăm Trường Sa, tôi tin họ sẽ là những “đại sứ” lan tỏa thông điệp này đến với bạn bè, cộng đồng và toàn xã hội. Tôi càng thấy vững tin hơn về sự trường tồn của biển, đảo Việt Nam.
 
KHÁNH PHÚC