Nội lực ẩn bên trong sự mảnh mai

08:06, 17/06/2015

Ngồi trước mặt tôi là một nữ chiến sỹ công an mang quân hàm đại úy. Chị có cái tên nghe rất giống con trai - Bùi Hoài Văn. Đại úy Văn năm nay chỉ mới 32 tuổi, tính cả tuổi mụ, nhưng có đến gần 9 năm làm cái công việc mà không phải bất kỳ người phụ nữ nào cũng làm được

Ngồi trước mặt tôi là một nữ chiến sỹ công an mang quân hàm đại úy. Chị có cái tên nghe rất giống con trai - Bùi Hoài Văn. Đại úy Văn năm nay chỉ mới 32 tuổi, tính cả tuổi mụ, nhưng có đến gần 9 năm làm cái công việc mà không phải bất kỳ người phụ nữ nào cũng làm được: Quản lý giam giữ các can phạm và phạm nhân nữ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng. Nói chính xác, đó là một quản giáo nữ. Quản giáo nữ là chuyện bình thường. Nhưng một nữ quản giáo với vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thanh thoát, hiền hậu như Văn mà làm tốt việc “cai quản” các can phạm, phạm nhân mới là điều đáng nói.
 
Đại úy quản giáo Bùi Hoài Văn
Đại úy quản giáo Bùi Hoài Văn
Hôm hội nghị phong trào thi đua của Công an tỉnh Lâm Đồng được tổ chức mới đây, trong số các điển hình là nữ, nhiều đại biểu đã tỏ ra khá bất ngờ khi một nữ chiến sỹ với vóc dáng nhỏ nhắn và khuôn mặt xinh đáo để ấy nói về mình: “Tháng 12/2011, bản thân tôi được bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng Đội Quản giáo. Trên cương vị mới, tôi càng có thêm cơ hội để phát huy vai trò chỉ huy, góp phần nâng cao chất lượng công tác của Đội Quản giáo như tổ chức giam giữ, quản lý chặt chẽ can phạm, phạm nhân; bảo vệ tuyệt đối an toàn Trại Tạm giam trong mọi tình huống...”.
 
Người chọn nghề, đất chọn người
 
Trò chuyện với đại úy Bùi Hoài Văn, ban đầu, tôi không vội đi thẳng vào nội dung công việc chính của nữ chiến sỹ công an làm công tác quản giáo này mà “vòng vo” mấy chuyện từ thuở sinh viên của chị. 
 
Có lẽ thấy tôi là người dễ “bắt chuyện” nên sau vài câu xã giao, Văn cởi mở: “Quê của em ở Gia Viễn, Ninh Bình nhưng được sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Cả nhà em không ai theo nghề công an cả. Cả bố và mẹ em đều là nhà giáo. Bố mẹ em chỉ có hai chị em gái em thôi. Đứa em gái của em cũng theo nghề giáo như bố mẹ, hiện đang công tác tại Trường Đại học Xã hội và nhân văn TP HCM. Chỉ có mình em là công an”. Tôi hỏi: “Vậy, hồi chọn nghề công an, Văn có bị bố hay mẹ phản đối không? Mà, sao Văn lại chọn nghề này?”. Đại úy Văn cởi mở hơn: “Thực ra, lúc đầu, em định đi theo con đường quân đội, nên có ý định thi vào một trường quân sự. Nhưng rồi sau đó, “nghề” công an lại hấp dẫn em. Và em đã thi vào Đại học Cảnh sát nhân dân TP HCM”. Người phụ nữ vừa bước qua tuổi con gái mang quân hàm đại úy ngồi trước mặt tôi như trở về thuở thiếu thời: “Hồi nhỏ, em thấy cả hai hình ảnh bộ đội và công an đều... oách! Là con gái, nhưng em thích cả hai bộ trang phục đó! Sau 5 năm ở trường cảnh sát (2002 - 2007), em về Lâm Đồng công tác tại Trại Tạm giam này từ đó cho đến giờ”. 
 
Tôi thắc mắc: “Lúc nãy Văn bảo quê ở Ninh Bình, sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Vậy, tại sao Lâm Đồng là nơi “đứng chân” của em?”. Văn nói: “Hồi học ở Đại học Cảnh sát nhân dân TP HCM, em gặp ông xã của em bây giờ. Và, em đã bị “mê hoặc” đất Nam Tây Nguyên này!”. Hóa ra, duyên cơ mà cô sinh viên cảnh sát quê gốc Ninh Bình và quê thứ hai là Cà Mau đến với xứ Nam Tây Nguyên lại bắt nguồn từ mối tình thuở sinh viên ấy. Từ câu chuyện của đại úy Bùi Hoài Văn, tôi biết được chồng chị hiện cũng là một chiến sỹ cùng ngành với chị. Anh là Nguyễn Bằng Giang, hiện đang công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng. Giang quê gốc ở Hà Tĩnh, gia đình hiện ở Bảo Lộc. Tại trường, hai người gặp nhau (Giang học trước Văn hai khóa) rồi anh chàng “dẫn dụ” cô gái quê Cà Mau gốc Bắc ấy về Lâm Đồng. Bây giờ, hai người đã có một cháu gái 6 tuổi thật xinh và mái ấm nhỏ của họ hiện tọa lạc trên đường Lữ Gia, Đà Lạt.
 
Quả thật là người chọn nghề và đất đã chọn người!
 
Khó dễ chuyện vào nghề
 
Đến lúc này, cô sinh viên chuyên ngành cải tạo phạm nhân của Đại học Cảnh sát nhân dân TP HCM Bùi Hoài Văn đã trải qua tám năm tiếp xúc với đủ loại can phạm và phạm nhân thì những tưởng chất “thép”, chất “lửa” hiển hiện rõ mồn một trên gương mặt, trong cách giao tiếp, trong phong thái... nhưng tịnh, ngồi trước tôi vẫn là một cô gái nhu mì, hiền lành đến bất ngờ. Tuy nhiên, riêng với ánh mắt của vị nữ đại úy công an chuyên làm công tác quản giáo này lại khác, rất khác: Đằng sau ánh nhìn nữ nhi hiền thục kia là là những “thép”, những “lửa” hết sức cần thiết của một phụ nữ khoác lên mình sắc phục công an chuyên tiếp xúc với các đối tượng đặc biệt của xã hội.
 
Văn kể: “Hồi em mới về đây công tác ở Đội Quản giáo của Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng, có đối tượng còn nói với em rằng “Nhìn mặt hiền thế kia thì làm quản giáo sao được!”. Ban đầu, thú thật là em cũng lo lắm. Nhưng từ những bài vở, những kiến thức tiếp thu được trong nhà trường, nhất là kiến thức về đặc điểm tâm lý đối tượng, em đã dần quen với công việc và có kinh nghiệm dần trong quản lý, giáo dục và cảm hóa can phạm, phạm nhân”. Đại tá Phạm Đăng Phú, Giám thị Trại Tạm giam Công an Lâm Đồng, nói: “Qua nhiều năm công tác, trực tiếp làm công việc quản giáo, đại úy Bùi Hoài Văn đã chứng minh được mình là một nữ cảnh sát có năng lực, có kinh nghiệm, là người biết áp dụng có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ vào những công việc cụ thể...”. Bùi Hoài Văn nói như sự đúc kết: “Đối tượng nữ vào đây cũng có nhiều dạng lắm, cũng chẳng khác nào đàn ông là can phạm, là phạm nhân đâu, anh ạ! Vấn đề quan trọng là làm thế nào để cuối cùng, những con người ấy được trở về với đời thường và trở thành một công dân tốt”. Đại tá Phạm Đăng Phú nói thêm như để vừa giảng giải và vừa thuyết phục tôi: “Làm quản giáo đối với nam đã khó, với nữ lại càng vất vả. Rồi nữa, xác suất rủi ro với “nghề” quản giáo luôn cao nên mới có câu vui vui rằng “Chuột chạy cùng sào mới vào nghề quản giáo”. Nhưng, với đại úy Bùi Hoài Văn, từ khi mới ra trường về đây công tác cho đến lúc này, cô ấy luôn tỏ rõ bản lĩnh và cũng vừa thể hiện rõ tấm lòng của mình trong công việc đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn của một chiến sỹ công an là quản giáo”.
 
“Chuyện nghề, khó khăn vất vả cũng nhiều, nhưng nếu đam mê và có quyết tâm cao, nghề nào cũng vậy, dẫu “không dễ chịu” đến đâu thì nó vẫn có sự đáng yêu riêng của nó!” - đại úy Bùi Hoài Văn nói.
 
Lao động cải tạo tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng
Lao động cải tạo tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng

“Quản” bằng tấm lòng
 
Đại tá Phạm Đăng Phú nói tiếp: “Anh cứ hình dung nhé, can phạm và phạm nhân nữ vào đây cũng có nhiều dạng lắm: Xì ke ma túy, đầu trộm đuôi cướp, giết chóc, đầu gấu... nhưng đồng thời cũng có người chỉ tại vì sa cơ lỡ vận, chỉ tại vì một phút nông nổi... mà thành. Họ vào đây, không ít người bất chấp, bất cần đời, xem thường tất cả...; cũng có người sống thu mình lại, bi quan, chán nản, không nhuệ khí... Trước những con người như vậy, vấn đề là làm thế nào để vừa quản lý, giáo dục được họ và vừa biết cách để cảm hóa từng người, từng loại đối tượng. Và, đại úy Bùi Hoài Văn đã làm được điều đó...”.
 
Tôi quay sang nhìn có vẻ hơi “soi” người phụ nữ nhỏ nhắn Bùi Hoài Văn đang ngồi đối diện với tôi trên bàn trà ngay trong phòng giám thị Phạm Đăng Phú. Dẫu được khoác trên mình bộ cảnh phục nhưng thật khó tìm thấy, thật khó nhìn ra “sức mạnh” bên ngoài của con người này. Nhưng, ánh mắt của chị nói lên tất cả: Bên trong con người ấy là cả một sức mạnh tiềm tàng! Đó là sức mạnh của một nữ quản giáo cương nghị, nghiêm túc, rất nguyên tắc nhưng đồng thời cũng nhân bản đến mức không phải ai cũng có được. Và, chính sự nhân bản ấy lại là một thứ “sức mạnh”, một thứ vũ khí khác của nữ quản giáo Bùi Hoài Văn. Suốt nhiều năm được đặt dưới sự quản lý của nữ quản giáo Bùi Hoài Văn - từ 2007 đến 2014, không một nữ phạm nhân nào, không một can phạm nữ nào ở Trại Tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng dám chống đối cán bộ Trại bằng vũ lực hoặc liều mình trốn trại... đã minh chứng cho “sức mạnh” của người phụ nữ có cái tên rất con trai ấy. 
 
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn ở người phụ nữ chưa thật nhiều tuổi, chưa thật nhiều kinh nghiệm sống ở đời đang mặc cảnh phục này là ở tấm lòng trước phạm nhân, trước can phạm nữ. Tôi hỏi Văn: “Có khi nào trước những “chiến tích hảo hớn” của “đàn chị” phạm nhân hoặc can phạm ngoài đời bị bắt đưa vào đây, Văn bị “khớp” không?”. Văn cười một cách tự tin và kể cho tôi nghe như người trong nhà: “Có lần, một “đàn chị” là can phạm trong một vụ ma túy được đưa vào đây có vẻ bất cần đời, chán nản và cả gian hùng, đã làm cho em chú ý một cách đặc biệt. Nhiều lần quan sát can phạm này, em thấy chị ấy có điều gì đó mà người khác chưa kịp nhận ra, chưa kịp hiểu hết... Em lưu tâm tiếp xúc, nghe chị kể chuyện, mới biết rằng chị ấy có nhiều áp lực về cuộc sống riêng tư. Giờ, trở thành can phạm, chị Bính - tên của nữ can phạm (Nguyễn Thị Bính), chỉ có muốn chết để chấm dứt mọi thứ. Nắm bắt được tâm lý của nữ can phạm, em báo cáo ngay với chỉ huy và gần như là để mắt đến chị Bính hai bốn trên hai bốn giờ trong ngày. Nhưng bữa nọ, vào ban đêm, khi em đã về nhà, chị Bính nhảy từ trên sàn nhà cao xuống đất với ý định tự tử để “thoát khỏi án tử hình” (do can phạm tự nghĩ thế), nhưng may mắn là không chết. Hay tin, em vội tức tốc phóng xe từ nhà vào Trại để gặp và động viên chị... Cuối cùng, chị Bính cũng vượt qua được cú sốc tinh thần ấy!”. Rồi, một nữ can phạm khác vào Trại cũng với tâm trạng chán chường, mất hết lòng tin vào con người của xã hội... cũng đã được quản giáo Bùi Hoài Văn cảm hóa dần và dần dần nữ can phạm đã thực sự nhận ra con đường sai trái của mình để lấy lại niềm tin sống. Hiện giờ, nữ can phạm này vẫn đang thụ án ở xa nhưng thỉnh thoảng vẫn viết thư về cho Văn và kể mọi thứ với tinh thần hết sức lạc quan và với quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở lại người bình thường, để được sống như những người bình thường khác trong xã hội. Tám năm làm quản giáo, những câu chuyện tương tự như thế của Bùi Hoài Văn có nhiều lắm, khó mà kể hết ra đây được!
 
Trước khi chia tay đại úy Bùi Hoài Văn và đại tá Phạm Đăng Phú, tôi không quên ghi vào sổ tay của mình những thành tích, những giấy khen, bằng khen của các cấp, của ngành công an dành cho Văn, nhưng tôi thấy có lẽ không thật cần thiết phải chép ra đây. Chỉ xin được nói thêm rằng, sau cái bắt tay tạm biệt, anh Phú nói với tôi với tư cách là một người quen cũ: “Cô Văn bây giờ đã là Đội trưởng Đội Tham mưu của Trại rồi đấy!”. Chia tay tôi, Văn cười thật tươi. Nhìn trong ánh mắt của cô lúc đang cười, tôi lại dễ dàng nhận ra chất “thép” nhưng rất nhân văn bên trong con người phụ nữ vốn rất mảnh mai ấy!
 
Phóng sự: KHẮC DŨNG