Trong năm nay, Lâm Đồng tập trung hoàn thành mục tiêu giai đoạn I (2010-2015) của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NQ của HĐND tỉnh vào cuối năm 2014 đề ra có ít nhất 35 xã đạt 19/19 tiêu chí);
Trong năm nay, Lâm Đồng tập trung hoàn thành mục tiêu giai đoạn I (2010-2015) của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NQ của HĐND tỉnh vào cuối năm 2014 đề ra có ít nhất 35 xã đạt 19/19 tiêu chí); huyện Đơn Dương và tất cả các xã thuộc thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc đạt chuẩn nông thôn mới; trên 20 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt trên 15 tiêu chí. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đề ra mục tiêu phấn đấu tổng sản phẩm (GRDP theo giá 1994) tăng khoảng 14-14,5% so với năm 2014; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 52-52,5 triệu đồng và giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha canh tác đạt trên 135 triệu đồng/ha/năm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, vấn đề đặt ra đối với các địa phương là phải tập trung phát triển và nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường…) trên địa bàn xã, thôn trực tiếp gắn với phát triển đời sống hàng ngày của người dân. Phát triển sản xuất gắn với tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, phải quan tâm bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả truyền thống, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình.
Thời gian thực hiện những mục tiêu cơ bản của năm 2015 không còn nhiều, do vậy, trong 12 nội dung công tác năm 2015 cần tập trung chỉ đạo đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có một số việc trọng tâm phải dốc sức thực hiện. Đó là: Trên cơ sở 6 nhiệm vụ nêu trên, các địa phương chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc về sản xuất, cải thiện đời sống của người dân trên từng địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt; trong đó ưu tiên chỉ đạo và hướng dẫn các xã khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo đạt chuẩn bền vững, riêng tiêu chí thu nhập phấn đấu tăng thêm từ 5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch. Mặt khác, căn cứ kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, kết quả giai đoạn 2010-2015 và điều kiện thực tế, bổ sung mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2016-2020; xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để thực hiện; khẩn trương tính toán, xác định nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực. Trong tái cơ cấu đầu tư công cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách thu hút và nhân rộng mô hình tư nhân bỏ vốn đầu tư vào các công trình cung cấp nước sạch, xử lý chất thải ở nông thôn, thủy lợi và các lĩnh vực khác; các cơ chế, chính sách cần có để huy động tốt nguồn lực…
Chung tay xây dựng nông thôn mới, Agribank Lâm Đồng có một vị trí quan trọng. Trong năm qua, Agribank Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với doanh số cho vay trong toàn tỉnh đạt 5.489.266 triệu đồng (tăng 41.779 triệu đồng so với năm 2013), doanh số thu nợ 4.558.820 triệu đồng (giảm 82.779 triệu đồng so với năm 2013). Dư nợ đến cuối tháng 4/2015 đạt 5.469.370 triệu đồng với 38.695 khách hàng, tăng 33.535 triệu đồng so với đầu năm 2015; nếu tính chung tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thì dư nợ 9.644.865 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 90,8% trong tổng dư nợ toàn chi nhánh. Tuy nhiên, qua quá trình cho vay, Agribank Lâm Đồng cũng có những kiến nghị UBND tỉnh sớm có những giải pháp khắc phục những mặt bất cập để đạt hiệu quả cao trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là: Tỉnh cần có quy hoạch chi tiết, cụ thể vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho các hộ khách hàng vay vốn trung và dài hạn đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vấn đề cũng cần đặt ra là các địa phương, các cấp và các ngành phải kịp thời đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2010-2015, tìm ra những gương điển hình, những cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng; có cơ chế bình xét, khen thưởng nhằm khích lệ, động viên, biểu dương để tạo nên phong trào phấn đấu, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị ra sức thi đua thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng.
H.LAN