Trong thời gian qua, đội ngũ những người làm báo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát tình hình thực tiễn, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, của địa phương... để đưa tin, viết bài; nhất là trong việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước
(Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: VĂN BÁU |
Là một tỉnh Nam Tây Nguyên trong điều kiện nền kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trải qua 40 năm kế thừa truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam và dưới sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương các loại hình báo chí ở tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên và phát triển không ngừng. Hiện nay, bên cạnh hai cơ quan: Báo Lâm Đồng và Đài PT-TH Lâm Đồng; còn có trên 10 tạp chí, bản tin của các sở, ngành và hàng chục văn phòng - cơ quan thường trú của các báo trung ương, bộ, ngành, tỉnh bạn. Hội Nhà báo Lâm Đồng là “mái nhà chung” cho trên 200 hội viên là các nhà báo hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, đội ngũ những người làm báo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát tình hình thực tiễn, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, của địa phương... để đưa tin, viết bài; nhất là trong việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước và thông tin những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các phóng viên đã bám sát địa bàn, lĩnh vực được phân công, kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh toàn diện các mặt của đời sống xã hội, những thành tựu đạt được của từng ngành, từng địa phương; đồng thời cũng đã kịp thời phát hiện, phản ánh những mặt còn hạn chế, yếu kém, tồn tại bất cập để các cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp thu, giải quyết.
Có thể khẳng định, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tỉnh nhà đã có sự lớn mạnh toàn diện và phát triển đúng định hướng; đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn để thông tin, tuyên truyền có hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đồng thời, là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương; góp một phần quan trọng cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Tại buổi gặp mặt xúc động hôm nay, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng, tôi ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích mà báo chí tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua. Nhân dịp này, tôi cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và tỉnh bạn đóng trên địa bàn tỉnh đã có sự hợp tác, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua.
Bên cạnh những ưu điểm và thành tựu đã đạt được, thời gian qua, hoạt động báo chí còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; có những tin, bài thiếu tính xây dựng, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều... gây hệ lụy xấu về mặt xã hội; một số ngành, địa phương chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; chưa quan tâm kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí và phản hồi thông tin cho báo chí không kịp thời, không đầy đủ theo yêu cầu... Công tác quản lý nhà nước về báo chí cũng còn có những hạn chế nhất định. Đây là những nội dung mà các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, phóng viên cần quan tâm khắc phục.
Những năm sắp tới, dự báo tình hình thế giới, trong nước và địa phương bên cạnh những thuận lợi cơ bản vẫn có nhiều khó khăn, thách thức đan xen; các thế lực thù địch vẫn không ngừng tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông như hiện nay, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo là hết sức quan trọng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 - khóa X đã xác định: Báo chí là một binh chủng đặc biệt và cũng là một vũ khí quan trọng của công tác tư tưởng - văn hóa.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, các cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Luật Báo chí để triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên bám sát các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và thực tiễn của địa phương, cơ sở để thông tin, tuyên truyền, phản ánh trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo tính kịp thời, chính xác. Đặc biệt, năm 2015 là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, báo chí của tỉnh cần nắm tình hình và bám sát kế hoạch tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, có kế hoạch đưa thông tin; dành chuyên trang, chuyên mục, bài viết về đại hội; phản ánh tình hình kinh tế - xã hội và những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực của mỗi địa phương, cơ sở, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền kết quả đại hội cơ sở, địa phương, tạo luồng sinh khí mới và quyết tâm thực hiện nghị quyết ngay sau đại hội. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khẳng định vai trò đi đầu trong đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn và tiêu cực xã hội; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch... quyết tâm cùng với toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Bên cạnh đó cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Hoạt động báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc thù, đòi hỏi tầm trí tuệ cao, hiểu biết rộng, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và năng lực nghiệp vụ tốt; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân... Do vậy, những người làm báo cần phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng và đạo đức của người làm báo: “Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Trước khi viết phải trả lời các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”; “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”; phải rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, “giữ vững ngòi bút”, “Không nên chỉ nói tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... phê bình phải phê bình một cách “thật thà, chân thành, đúng đắn”...; bám sát tôn chỉ mục đích của báo chí, các quy định và Luật Báo chí trong tác nghiệp, đảm bảo tính khách quan, lựa chọn, xử lý, đưa các thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác; sâu sát cơ sở và quần chúng nhân dân, phản ánh toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng chính trị của Đảng, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, tích cực cổ vũ, tuyên truyền, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội. Trong bất luận hoàn cảnh nào, nhà báo cũng không được đưa đến cho công chúng những bài viết, hình ảnh chứa đựng những thông tin sai lạc, phản ánh sai bản chất sự kiện, gây hoang mang, phản cảm hoặc làm rối thêm tình hình nội bộ ở địa phương, đơn vị… bởi “cái đích cuối cùng của việc tuyên truyền là làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”. Đồng thời, mỗi người làm báo cần phải luôn tự học, tự nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và kiến thức xã hội,... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại; xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cây bút, trang giấy là vũ khí trong đấu tranh phò chính, trừ tà, phục vụ lợi ích cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Với trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý nhà nước về báo chí, tôi đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh… duy trì và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giao ban báo chí định kỳ hằng tháng phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý báo chí trong tình hình mới; kịp thời định hướng những trọng tâm tuyên truyền từng tháng, từng giai đoạn cụ thể, đồng thời chỉ ra những mặt mạnh và những hạn chế, thiếu sót để các cơ quan báo chí kịp thời sửa chữa, khắc phục. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương.
Tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng quy chế hoạt động của người phát ngôn báo chí; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời theo dõi, xử lý kịp thời những thông tin báo chí đã nêu theo đúng quy định và yêu cầu đề ra.
(*) Tít do Tòa soạn Báo Lâm Đồng đặt.