Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

09:06, 29/06/2015

Thực tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây ngày càng có nhiều loại hình và dịch vụ môi trường ngoài công ích của các tổ chức và cá nhân được hình thành và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường chung...

Thực tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây ngày càng có nhiều loại hình và dịch vụ môi trường ngoài công ích của các tổ chức và cá nhân được hình thành và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường chung. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không vì thế mà bị xem nhẹ.
 
Trong lành Đà Lạt
Trong lành Đà Lạt
 
Một trong những bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về môi trường là việc lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung trong các chiến lược phát triển, trong các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, trong các chương trình, dự án... đã được quan tâm một cách đặc biệt. Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường trong 5 năm gần đây, Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Lâm Đồng cho rằng: “Các ngành, các cấp của tỉnh đã thực sự có những chuyển biến đáng kể từ nhận thức đến hành động bảo vệ môi trường; nhiều phong trào quần chúng về bảo vệ môi trường đã trở thành các hoạt động thường xuyên; nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ đầu tư cho môi trường là đầu tư “chiến lược” quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”.
 
Trên lĩnh vực tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, theo Sở TN-MT Lâm Đồng, một trong những thành tích nổi bật của địa phương trong 5 năm gần đây là công tác quản lý và xử lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Cũng theo nhận xét của Sở TN-MT Lâm Đồng, trong 5 năm qua (2010 - 2015), công tác quản lý chất thải nguy hại tại Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực mà bằng chứng là thông qua việc tổ chức triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các thông tư hướng dẫn, việc lập hồ sơ thủ tục, đăng ký điều kiện hành nghề, cấp giấy phép hành nghề, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại... đã được đi vào nề nếp, được tuân thủ thực hiện cao hơn. Cùng đó, tỉnh cũng đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh; thành lập các đơn vị dịch vụ vệ sinh, trang bị các thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn cho các địa phương (huyện, thành phố); kiện toàn cơ cấu tổ chức của các công ty quản lý công trình đô thị; nâng cấp hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn... cùng với việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc quản lý và xử lý chất thải rắn, tiếp tục lập các dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy hoạch đã được duyệt và đặc biệt là mới đây đã xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại TP Đà Lạt.
 
Cùng đó, khi nói đến việc tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, không thể không kể đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hằng năm, cùng với việc thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên đề và kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng còn đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường để làm cơ sở cho việc đánh giá thực trạng và chất lượng môi trường của tỉnh; trên cơ sở đó tham mưu cho tỉnh hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội từng năm, 5 năm và dài hơn thế. Và, cao hơn hết vẫn là sự hoạch định các chương trình, kế hoạch và chính sách về môi trường mang tầm vĩ mô đã được đề ra và thực hiện với những kết quả được thể hiện qua những con số cụ thể trong các văn bản báo cáo của cơ quan chức năng của tỉnh. Tổng hợp số liệu của các văn bản này của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng có thể khái quát: Lâm Đồng đã và đang thực hiện những chương trình lớn mang tầm vĩ mô như triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện Chương trình hành động Bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2008 - 2020 (với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn - phát triển bền vững các loài sinh vật và tài nguyên di truyền...)... Cùng đó, một vài con số cụ thể có thể nêu ra đây để làm minh chứng: Tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đạt 80%; riêng chất thải y tế đạt tỷ lệ xử lý hợp vệ sinh là 90%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt trên 60% và nông thôn đạt trên 80%; duy trì độ che phủ của rừng đạt 60,4% và phấn đấu cuối năm 2015 đạt 61%...
 
Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu tổng quát của Lâm Đồng trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường đặt ra là “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; góp phần ngăn ngừa suy thoái kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, tạo đà phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo; nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, góp phần vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn chiến lược đến 2030”.
 
KHẮC DŨNG