"Hơn một nửa số ca bệnh được báo cáo là bị lây nhiễm tại môi trường bệnh viện, các cơ sở y tế. Chúng ta tập trung cơ bản vào việc kiểm soát phòng chống nhiễm khuẩn tại môi trường y tế, vì chúng ta không dễ dàng gì phát hiện sớm bệnh nhân bị MERS-CoV, nên phải đi từ dự phòng chuẩn" - Đại diện WHO/USCDC khuyến nghị.
“Hơn một nửa số ca bệnh được báo cáo là bị lây nhiễm tại môi trường bệnh viện, các cơ sở y tế. Chúng ta tập trung cơ bản vào việc kiểm soát phòng chống nhiễm khuẩn tại môi trường y tế, vì chúng ta không dễ dàng gì phát hiện sớm bệnh nhân bị MERS-CoV, nên phải đi từ dự phòng chuẩn” - Đại diện WHO/USCDC khuyến nghị.
Phát hiện sớm, bao vây, dập tắt dịch, không cho dịch lan rộng
Nguy cơ và tính cấp bách hiện nay của dịch MERS-CoV đối với Việt Nam: Hàn Quốc là nước có số ca mắc, chết cao nhất so với vùng Trung Đông, hiện đã có 138 người nhiễm và 14 ca tử vong (tính đến ngày 13/6). Hàng ngày có rất nhiều chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc sang Việt Nam với khoảng 3.000 người nhập cảnh và ước tính hiện nay có ít nhất 100.000 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc, nguy cơ MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam khá cao qua giao lưu đi lại. Mặt khác, kinh nghiệm của Hàn Quốc là nước có nền y tế phát triển và cũng được cảnh báo về vấn đề lây nhiễm Mers-CoV từ Trung Đông, tuy nhiên, Hàn Quốc đến giờ này đã có 14 ca tử vong và có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên được hệ thống y tế phát hiện muộn.
Bộ Y tế cũng đã họp với một số Ban chỉ đạo và tổ chức quốc tế chuẩn bị cho các chương trình đối phó MERS-CoV. Bộ Y tế đã thành lập 4 đội phản ứng nhanh và đã bắt buộc những người đi từ vùng dịch có tờ khai y tế ngay cửa khẩu biên giới (9 quốc gia vùng Trung Đông và Hàn Quốc, Bahrain). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Chúng tôi mong muốn rằng toàn bộ hệ thống y tế của chúng ta cùng với hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, mọi ngành quyết tâm không cho dịch xâm nhập vào Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh để không có dịch MERS-CoV vào Việt Nam thì có nhiều giải pháp, trước mắt là truyền thông đi trước một bước. Mỗi đơn vị trực thuộc ngành Y tế là một cơ quan truyền thông cho chính mình, phải cung cấp thông tin cho người dân về xử lý các tình huống, sự cố xảy ra, kể cả trong dự phòng và điều trị, chủ động cung cấp thông tin truyền thông cho người dân. Thứ hai là vấn đề kiểm dịch biên giới, kiểm dịch ở các cửa khẩu rất quan trọng. Đồng thời, theo dõi tại cộng đồng và đặc biệt xét nghiệm phát hiện sớm. Nếu dịch MERS-CoV vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế tin tưởng vào kinh nghiệm công tác phòng chống dịch trước đây được quốc tế đánh giá cao: Sở dĩ như vậy vì chúng ta đã tuân thủ bài học kinh điển là phát hiện dịch sớm, bao vây, dập tắt dịch, không cho dịch lan rộng.
Cần phải chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài
Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, hiện tại bằng chứng cho thấy là vi rút Corona phơi nhiễm trên lạc đà hoặc do tiếp xúc trực tiếp hoặc nước bọt, việc sử dụng sữa lạc đà. Chưa có câu trả lời chắc chắn về việc lây nhiễm như thế nào, có trường hợp tiếp xúc trực tiếp với lạc đà đã bị nhiễm vi rút, tuy vậy có một số trường hợp hoàn toàn không có tiền sử tiếp xúc với lạc đà nhưng vẫn bị bệnh. Vì thế mà câu hỏi vẫn còn ở đó và chúng ta tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời rõ ràng. Có trường hợp lây nhiễm từ người sang người mà chúng ta gọi là lây nhiễm thứ phát và điều này xảy ra phổ biến nhất ở trong môi trường bệnh viện, cho đến hiện tại có hơn một nửa số ca bệnh được báo cáo là bị lây nhiễm tại môi trường bệnh viện, các cơ sở y tế. Thứ hai là sự lây lan từ các hộ gia đình, tuy vậy môi trường này ít gặp (chỉ chiếm 4%); và chưa có bằng chứng trường hợp lây nhiễm tại môi trường làm việc, trường học, công sở. “Quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nguy cơ của MERS-CoV còn kéo dài và tiếp diễn trong nhiều năm tới, bởi vì vi rút Corona lưu hành trên lạc đà mà lạc đà thì vẫn tồn tại ở khu vực Trung Đông. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có phương hướng chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài” - Đại diện WHO nói.
Đại diện WHO nhấn mạnh 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc lây truyền MERS-CoV: Bệnh nhân nhiễm MERS-CoV vào bệnh viện dễ lây nhiễm chéo cho những người có bệnh tiềm tàng và bệnh nặng, nhiều người cao tuổi có các bệnh khác; bệnh nhân bị nhiễm các bệnh hô hấp cấp tính; khi làm các thủ thuật đường hô hấp gây ra khí dung - những bọt bay ra không khí dễ tạo sự lây nhiễm. Đại diện WHO khuyến nghị đẩy mạnh công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, bao gồm cả việc cách ly đúng cách và kịp thời kể từ khi bệnh nhân ở phòng chờ chứ không phải chờ đến khi bệnh nhân được chẩn đoán rồi mới cách ly. Cố gắng phát hiện chẩn đoán sớm, không chỉ giám sát bệnh nhân đi từ vùng có dịch mà cả các nước từ khu vực Trung Đông.
Chưa có bằng chứng về đột biến gen ảnh hưởng đến tính lây lan của MERS-CoV
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), có tin đồn vi rút biến chủng, đột biến gen nhưng thông tin chúng tôi có được đến thời điểm hiện tại thì Hàn Quốc đã phân lập được vi rút và giải hình phân tử gen; làm việc với CDC, Đại học Hồng Kông, Đại học Erasmus cho thấy vi rút này khá tương đồng với vi rút được phát hiện tại Trung Đông. Hiện tại, chưa có bằng chứng nào về việc đột biến ảnh hưởng đến tính lây lan cũng như là xét nghiệm học của MERS-CoV.
Đại diện US CDC đánh giá nguy cơ: Chưa có thông tin cụ thể và hiểu rõ đường lây truyền bệnh MERS-CoV một cách rõ ràng, cũng như các yếu tố nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây lan của vi rút. Tuy vậy, hiện tại chưa hề có bằng chứng nào về sự lây truyền bền vững vi rút Corona đối với người và người. Chúng ta tập trung cơ bản vào việc kiểm soát phòng chống nhiễm khuẩn tại môi trường y tế, vì chúng ta không dễ dàng gì phát hiện sớm bệnh nhân bị MERS-CoV, vì vậy, chúng ta phải đi từ dự phòng chuẩn, dự phòng các giọt bắn bao gồm vào mắt, ô nhiễm qua không khí, cẩn thận hơn với các bệnh nhân bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi thực hiện thủ thuật tạo ra khí dung phải đặc biệt nhấn mạnh phương pháp phòng chống nhiễm khuẩn, và xử lý chăn drap, sát khuẩn và xử lý rác thải cũng cần phải được chú trọng. Phải liên tục cảnh giác rất cao đối với sự xâm nhập của MERS-CoV, đặc biệt là các hành khách từ vùng có dịch, cả các nước khác trong khu vực Trung Đông vào Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ.
Đại diện US CDC khuyến nghị tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và đúng. Đặc biệt, khách du lịch tới Trung Đông cần cẩn thận khi tới các nông trại có lạc đà, nhất là khi đang có dịch, không tiếp xúc với động vật, lạc đà bị ốm, thường xuyên rửa tay sạch, thực hiện ăn uống sạch, tránh uống sữa tươi lạc đà và các thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi rút hoặc chưa được chế biến kỹ. Những hành khách đến từ Trung Đông cần gặp bác sĩ, phải khai báo tiền sử đi lại ngay lập tức nếu họ có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm MERS-CoV.
DIỆU HIỀN