Lâm Đồng là tỉnh miền núi, có trên 24% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 43 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Kết thúc 5 năm thực hiện chính sách dân tộc (giai đoạn 2010 - 2015), diện mạo vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều khởi sắc.
Lâm Đồng là tỉnh miền núi, có trên 24% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 43 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Kết thúc 5 năm thực hiện chính sách dân tộc (giai đoạn 2010 - 2015), diện mạo vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều khởi sắc.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 135, giai đoạn III (2010 - 2014) hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; trường lớp học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, trạm y tế có bác sỹ về công tác; 80% số hộ vùng DTTS được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hộ nghèo được xóa nhà tạm; lao động DTTS được đào tạo nghề. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2010 có 30%, đến cuối năm 2014 giảm còn 6,98%. (Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước 9,64%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực Tây Nguyên là 15,58%). Mô hình đầu tư giảm nghèo có địa chỉ được áp dụng rộng rãi và hiệu quả, được nhiều địa phương học tập kinh nghiệm. Cụ thể, tại 29 xã đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh (còn được gọi là vùng trũng nghèo), tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian qua giảm từ trên 32%, xuống còn dưới 8%.
Vùng DTTS trong toàn tỉnh hiện có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng trên 8%, thu nhập bình quân năm 2014 đạt khoảng 28 triệu đồng/người/năm. Đời sống của bà con ngày càng được cải thiện và ổn định, giảm hẳn tình trạng du canh du cư. Nhiều hộ bà con DTTS đã biết tận dụng đất đai, lao động, các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa có bước chuyển biến đáng kể. Từ năm 2010 - 2014, có 24.532 em được nhận hỗ trợ giáo dục từ ngân sách địa phương, với tổng kinh phí 39.693,406 triệu đồng. Cũng từ năm 2010 đến nay, công tác đào tạo, tạo nguồn, quy hoạch cán bộ người DTTS đã rất được quan tâm. Hiện, toàn tỉnh có 2.609 cán bộ DTTS (kể cả hợp đồng), chiếm tỷ lệ 8,38%. Trong đó: cấp xã có 548 người, cấp huyện có 743 người, cấp tỉnh có 556 người. Đặc biệt có: 3,7% tỉnh ủy viên; 7,5% bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện thành phố; 28,6% đại biểu quốc hội; 21,7% cán bộ công chức làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện là người DTTS.
|
Công tác phổ cập giáo dục trong vùng đồng bào DTTS tại huyện Đam Rông |
Ông Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho rằng: “Công tác dân tộc đòi hỏi sự linh động, sâu sát và hợp lý. Mỗi giai đoạn đi qua, cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt trong giai đoạn tới”. Nhiều kinh nghiệm đã được cán bộ dân tộc rút ra trong giai đoạn 2010 - 2015. Cụ thể: Làm tốt công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc, cùng đồng lòng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà Nước. Thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS trên mọi lĩnh vực như sản xuất đời sống, lao động việc làm, tình hình an ninh trật tự xã hội... Kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tháo gỡ những bức xúc, khó khăn; ổn định đời sống cho bà con. Trong công tác vận động đồng bào DTTS cần chú trọng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “các dân tộc thiểu số đều là anh em”. Cán bộ làm công tác dân tộc phải luôn nắm vững phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” và phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Đồng thời, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các chương trình dự án cụ thể đều công khai để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Do đặc thù của tỉnh có nhiều thành phần đồng bào DTTS, nên cần phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào để cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo và theo dõi giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời tăng cường đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là ở cấp huyện. Song song, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời những sai phạm, khó khăn vướng mắc cần điều chỉnh, xử lý; có biện pháp ngăn chặn thất thoát trong đầu tư, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng và lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn để mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Mỹ cũng thẳng thắn đánh giá: “Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy làm công tác dân tộc cấp huyện còn mỏng. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách ở vùng dân tộc; lồng ghép các nguồn lực đầu tư thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương... dẫn đến việc không phát huy được sức mạnh tổng hợp của chính sách, làm phân tán nguồn lực đầu tư... Bởi vậy, vùng đồng bào DTTS vẫn là vùng còn nhiều khó khăn nhất trong toàn tỉnh”.
Những hạn chế ấy cần được khắc phục để công tác dân tộc giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn 2030 được thực hiện thắng lợi, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong vùng DTTS.
NGỌC NGÀ