Tiểu thương chợ mới Đà Lạt phản đối BQL ngưng cung cấp dịch vụ

01:06, 07/06/2015

(LĐ online) - Sáng ngày 6/6, hàng chục tiểu thương chợ mới Đà Lạt (thuộc dự án Dalat Center), tập trung trước văn phòng Công ty CP Len Nguyễn (chủ đầu tư chợ mới Đà Lạt; đường Phan Bội Châu, TP Đà Lạt) để phản đối việc Ban quản lý chợ cắt điện, không cho kinh doanh…

(LĐ online) - Sáng ngày 6/6, hàng chục tiểu thương chợ mới Đà Lạt (thuộc dự án Dalat Center), tập trung trước văn phòng Công ty CP Len Nguyễn (chủ đầu tư chợ mới Đà Lạt; đường Phan Bội Châu, TP Đà Lạt) để phản đối việc Ban quản lý (BQL) chợ cắt điện, không cho kinh doanh…
 
Hình ảnh rác thải gây mất vệ sinh tại khu chợ mới Đà Lạt vào sáng ngày 6/6
Rác thải gây mất vệ sinh tại khu chợ mới Đà Lạt vào sáng ngày 6/6
 
Bức xúc trước việc BQL chợ mới Đà Lạt đơn phương cắt điện, không cho kinh doanh, bà Nguyễn Thị Vương (39 tuổi), kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ mới Đà Lạt, cho biết: Sáng 6/6, khi lên chợ thì phát hiện rác thải đầy trước các quầy hàng, còn điện thì bị cắt, tình trạng này xảy ra tại nhiều quầy trong chợ… Chỉ khi tiểu thương liên hệ với bảo vệ thì mới biết do BQL chợ cắt dịch vụ vì hai bên chưa thống nhất các phương án về thu phí, lệ phí mặt bằng quầy, sạp.
 
Bà Nguyễn Thị Hoa (49 tuổi, chủ quầy hàng Hoa Khuê), cũng bức xúc: Trước khi có lệnh giải tỏa chợ đồ cũ (chợ quần áo cũ), lúc đó họp dân có cả chính quyền, công an phường, đại diện Công ty CP Len Nguyễn thông báo với các tiểu thương rằng quầy này chỉ từ 600 – 700 triệu đồng, nhưng khi chúng tôi làm thủ tục, ký hợp đồng mua quầy lại lên tới trên 1 tỷ đồng. Cũng theo bà Hoa, dù vậy, các tiểu thương vẫn chấp nhận, nhưng khi đi vào hoạt động, BQL chợ lại bắt đóng thêm phí mặt bằng 300.000đ/quầy 6m 2. “Nói chung tiền gì chúng tôi cũng đóng cả, nhưng buôn bán khó khăn quá, chúng tôi chỉ xin giảm phí mặt bằng, BQL chợ đã không giảm mà giờ còn đơn phương cắt điện và không cho chúng tôi kinh doanh buôn bán thì thật khó mà chấp nhận được” – bà Hoa bức xúc. 
 
Chợ mới Đà Lạt được đầu tư giai đoạn 1 gần 900 tỷ đồng, và đi vào hoạt động từ tháng 9/2013, gồm 1.014 quầy, trong đó đã có 726 quầy đi vào kinh doanh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Hỷ (chủ quầy Ni Kim Hỷ, bán quần áo, giày dép tại chợ mới Đà Lạt), bộc bạch: Tối qua khi ra về tất cả đều sạch bong, sáng nay vào chợ thì mọi người phát hiện rác ngập trước quầy hàng, trong khi điện chiếu sáng cũng bị BQL chợ cắt luôn. Bà Hỷ cho rằng, trước khi vào chợ đã đóng cả tỷ đồng, gia đình phải cầm cố nhà cửa vay tiền mua quầy để có chỗ kinh doanh kiếm sống, giờ mua bán rất khó khăn mà phải gồng mình trả lãi hàng tháng cho ngân hàng, đã vậy mà BQL chợ còn thu đủ thứ phí, đặc biệt là phí mặt bằng tới 50.000đ/1m2 nên các tiểu thương không thể gánh nổi. Bà Hỷ cho rằng, căn nhà diện tích trên 100m2 mà mỗi năm chỉ đóng thuế có hơn 100.000đ, trong khi quầy có 6m2 mà mỗi tháng phải đóng tới 300.000đ thì làm sao sống nổi.    

Một số tiểu thương chợ mới Đà Lạt cũng cho biết thêm, ngoài các khoản tiền điện nước, phí vệ sinh, bảo vệ, cứ một bóng đèn chiếu sáng dọc hành lang giữa hai quầy mỗi tháng BQL chợ thu tới 200.000đ (mỗi quầy 100.000đ), chưa kể tiền cầu thang cuốn, mỗi tháng chỉ hoạt động đúng một lần nhưng BQL chợ cũng thu tới 100.000đ/tháng. Theo tính toán của các tiểu thương, họ phải đóng tới 6 khoản phí, gồm: phí bảo vệ, phí chiếu sáng công cộng, lệ phí phục vụ hoạt động chợ, phí vệ sinh công cộng, tiền điện và tiền nước. Trong đó, phí phục vụ hoạt động chợ (50.000đ/m 2/tháng) là trùng với các khoản phí khác nên các tiểu thương đã ngừng đóng từ tháng 4/2015. Do chưa đóng lệ phí phục vụ hoạt động chợ nên BQL chợ mới Đà Lạt ngừng cung cấp dịch vụ tới 45 quầy hàng. Các tiểu thương cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ ai đã đổ rác thải gây mất vệ sinh khu vực ở 45 quầy hàng trên, vì chợ luôn có camera ghi hình.   
 
Liên quan đến vụ việc, trong sáng cùng ngày, bà Dương Thị Hoài Thu - Tổng Giám đốc Công ty CP Len Nguyễn, xác nhận BQL chợ đã ngưng cung cấp dịch vụ quản lý bảo vệ, vệ sinh và cắt điện vì các tiểu thương của 45 quầy trên đã vi phạm hợp đồng, không đóng phí duy trì quản lý. Riêng việc đổ rác thải gây mất vệ sinh là do các tiểu thương tại khu vực trên thực hiện để đổ "vấy" cho BQL chợ, rất tiếc khu vực này đã cắt điện nên camera không ghi được hình.  
 
Cũng theo bà Thu, khoản thu mà tiểu thương phản ánh là lệ phí phục vụ hoạt động chợ, công ty thu không vượt mức trần của UBND tỉnh quy định đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không từ ngân sách nhà nước. Bà Thu cho rằng, ngày 22/5, BQL chợ đã tổ chức đối thoại với đại diện tiểu thương, tuy nhiên giữa hai bên vẫn chưa đi tới thống nhất các khoản thu nên một số tiểu thương ngưng đóng lệ phí từ tháng 4/2015. Ngày 2/6 phía Công ty Len Nguyễn đã hai lần ra thông báo cho 20 tiểu thương (chủ 45 quầy hàng nói trên) chưa đóng lệ phí phải thực hiện đóng phí trước ngày 5/6, nhưng đến sáng 6/6 những hộ kinh doanh vẫn chưa đóng lệ phí phục vụ hoạt động chợ nên BQL chợ mới Đà Lạt mới ngừng cung cấp các dịch vụ bảo vệ tài sản, dọn dẹp vệ sinh, cấp điện chiếu sáng. Quan điểm của BQL chợ mới Đà Lạt, thời gian tới sẽ tiếp tục đối thoại với các tiểu thương nhằm đảm bảo tình hình kinh doanh cũng như tình hình trật tự tại chợ.
 
Chợ mới Đà Lạt là một trong những ngôi chợ đẹp, hiện đại, được nhiều du khách đánh giá là khu chợ văn hóa của Đà Lạt, việc tranh chấp giữa BQL và các tiểu thương, dù chưa biết ai đúng ai sai nhưng đã để lại hình ảnh không mấy tốt đẹp đối với du khách cũng như người dân Đà Lạt./. 
 
Thụy Trang