Wilfred Graham Burchett (1910 - 1983) là nhà báo lớn, một trong những gương mặt tiêu biểu của truyền thông thế giới thế kỷ 20, người bạn chung thủy của nhân dân Việt Nam.
° Burchett - Tấm gương sáng ngời trách nhiệm xã hội
Wilfred Graham Burchett (1910 - 1983) là nhà báo lớn, một trong những gương mặt tiêu biểu của truyền thông thế giới thế kỷ 20, người bạn chung thủy của nhân dân Việt Nam.
Cuối đời nhìn lại, ông viết: “Việt Nam chiếm phần quan trọng nhất trong sự nghiệp báo chí của tôi”. Quả vậy, ông đã cộng tác với nhiều tờ báo hàng đầu thế giới như Daily Express, The Times, The Finacial Times (Anh), The National Guardian (The Guardian), The New York Times (Mỹ), L’Humanité (Pháp), Mainichi Simbun (Nhật Bản)..., đã xuất bản hơn 40 đầu sách về nhiều chủ đề song nổi tiếng nhất vẫn là những tác phẩm về Việt Nam: Phía Bắc vĩ tuyến 17, Ngược dòng sông Mekong, Việt Nam - cuộc kháng chiến lần thứ hai, Cuộc chiến tranh lén lút (của Mỹ), Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam,...
W. Burchett đến Việt Nam lần đầu năm 1953, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc thời gian Người cùng Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, W. Burchett là nhà báo nước ngoài đầu tiên vào vĩ tuyến 17, thăm sông Bến Hải, đi nhiều nơi trên miền Bắc và cho xuất bản luôn cuốn sách in bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp, giống như phần lớn các tác phẩm khác của ông.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của W. Burchett |
Đầu những năm 1960, Mỹ can thiệp vào miền Nam nước ta, “Việt Nam đang bùng cháy trở lại” (tên một chương trong Hồi ký của ông). Đang làm phóng viên thường trú tại Moskva, rất nổi tiếng với cuốn sách viết về Gagarin, nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới, W. Burchett bay sang Việt Nam, lại vào vĩ tuyến 17 đứng bên cầu Hiền Lương và tưởng nghe tiếng súng từ bờ Nam vọng về. Ra Hà Nội, ông sang Vientiane, từ đây bay đến Phnôm Pênh rồi theo đường bộ qua tỉnh Tây Ninh vào vùng giải phóng nước ta. Ông được Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam tạo điều kiện cho về đồng bằng, đi lại nhiều nơi, sống với quân du kích dưới địa đạo Củ Chi, hòa nhập người dân địa phương. Cũng bộ quần áo bà ba đen, cũng tấm khăn rằng quàng cổ, chiếc nón lá đội đầu, đi lại bằng xe đạp, ai có dịp đến gần nhìn vào tận mặt mới có thể nhận ra đây là một người nước ngoài. Ông kể lại, có lần tránh máy bay “bà già” dòm ngó chuẩn bị săn lùng, ông vác xe đạp lên vai băng qua trảng cát dưới nắng chang chang, mệt suýt ngất xỉu bên đường. Ông đã vào Hóc Môn, Bình Chánh ăn Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn (1964) với dân, “nhìn ánh đèn điện nội đô Sài Gòn đêm đêm hắt sáng lên bầu trời”.
Từ những tháng ngày lăn lộn ấy, ông cho ra đời cuốn sách kịp thời, gây tiếng vang trong dư luận phương Tây. Nhà xuất bản Gallimard, Paris (1965) trân trọng giới thiệu trên bìa sách: “Vào thời điểm nguy hại của chiến tranh leo thang Mỹ, đây là cái chìa khóa để hiểu rõ những gì đang diễn ra ở Việt Nam”. Tác giả kết thúc cuốn sách dày với nhiều tấm ảnh tư liệu quý bằng lời khẳng định: “Trừ phi Mỹ dùng đến bom khinh khí hủy diệt hết tất cả người Việt Nam, và cùng với họ diệt luôn nhiều người khác thuộc các nước láng giềng, người Mỹ chẳng bao giờ có thể áp đặt nổi một giải pháp quân sự lên vấn đề miền Nam Việt Nam”.
Trước sau, ông bốn lần vào vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, mà báo chí phương Tây gọi là “vùng do Việt Cộng kiểm soát”. Một lần, trên đường trở lại châu Âu, ghé Bắc Kinh W.Burchett được Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp và yêu cầu ông kể lại tình hình miền Nam Việt Nam qua những điều ông mắt thấy tai nghe. Thủ tướng Chu Ân Lai đã thốt lên: “Thật là phi thường... Giá trước đây chúng tôi có được những kinh nghiệm này của các bạn Việt Nam thì có lẽ đã chẳng phải làm cuộc Vạn lý trường chinh!” (Hồi ký W.Burchett).
Cuốn phim tài liệu W. Burchett quay tại miền Nam nước ta tháng 2 năm 1965 được 24 hãng truyền hình lớn trên thế giới cùng phát sóng. Đó là một kênh thông tin đối ngoại khách quan vô cùng quý báu đối với chúng ta hồi bấy giờ, khi ta chưa có truyền hình.
Đất nước Việt Nam thống nhất, Wilfred Burchett chuyển gia đình từ Hà Nội về châu Âu.
Đầu năm 1979, tình hình biên giới Tây Nam cũng phía Bắc nước ta căng thẳng. Trung Quốc lăm le dạy cho Việt Nam một bài học về cái tội giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi Khơme đỏ, chúng đã tàn sát cực kỳ hung bạo tất cả đồng bào ta trên đảo Thổ Chu, lại tràn sang giết chóc dân lành sâu bên trong biên giới nước ta. W. Burchett đã nhìn thấy tận mắt nhiều quang cảnh, gặp và phỏng vấn nhiều nạn nhân, và đã mô tả rất chi tiết trong các bài viết của mình. Trước đó, ông đã từng có sống bốn năm tại đất nước Angkor, quan hệ thân tình với nhiều người, bắt đầu từ hoàng thân Norodom Sihanouk. Do ông kiên trì tố cáo tội ác diệt chủng, Khơme đỏ liệt ông vào “danh sách đen”, may mà ông kịp thời thoát khỏi biên giới nước ấy.
Từ đất nước Angkor và miền Nam Việt Nam, ông gửi nhiều tin, bài cho tuần báo The Guardian mà ông là phóng viên lâu năm, nhưng tiếc thay, không được chú ý. Ông than thở: “Bây giờ chủ bút tuần báo ấy (một người cấp tiến từng phản đối cuộc chiến tranh Mỹ tại Việt Nam) không còn quan tâm tới bất cứ tư liệu nào về Đông Dương nữa”.
Wilfred Burchett phản ứng luôn. Ông nhấc máy điện thoại gọi thẳng sang Mỹ gặp chủ bút báo The Guardian, tuyên bố từ chức phóng viên. “Tôi đã làm điều mà phần đông các nhà báo biết tôn trọng sự chính trực ai cũng phải làm. Bởi, khi một vị chủ bút loại bỏ những thông tin về một đề tài nóng bỏng như vậy là đã từ bỏ trách nhiệm của mình đối với công chúng. Đó là một sự vi phạm đạo đức báo chí không thể chấp nhận”.
May sao báo The New York Times số ra ngày 23/1/1979 chọn đăng một bài ông phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tuy có cắt xén bớt, cảnh báo dư luận thế giới về những gì sẽ diễn ra tại biên giới Việt - Trung ba tuần sau đó.
Năm 1983, được tin W. Burchett từ trần tại Sofia (Bulgari) vì bệnh ung thư - mà có người bảo do hậu quả nhiễm phóng xạ nguyên tử tại Hiroshima năm 1945 - nhà báo Mỹ James Aronson, người sáng lập và nguyên chủ bút tuần báo The Guardian, đã viết bài đăng nguyệt san Người làm báo dân chủ, cơ quan của Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ xuất bản tại Praha (Tiệp Khắc), kể lại sự kiện trên và bày tỏ lòng ngưỡng mộ ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí của Wilfred Burchett.
Trong hầu hết các bản Quy tắc đạo đức báo chí trên thế giới, điều đầu tiên và được coi là quan trọng hơn cả là nhà báo có sứ mệnh thông tin chân thực, khách quan, nhà báo tìm mọi cách đưa tin nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ cho công chúng biết về những sự thật đang diễn ra. Tuy nhiên, theo quan niệm của W. Burchett, đấy không phải là sự thật bất kỳ về những sự kiện bất kỳ nhan nhản trong mọi xã hội ngày nay như các câu chuyện giật gân về tình dục và bạo lực, cuộc sống buông thả và sự tha hóa của không ít người ở đâu cũng có, mà là “sự thật về những vấn đề thiết yếu có ảnh hưởng đến cuộc sống và lương tâm toàn nhân loại”. Đạo đức báo chí, theo W. Burchett, trước hết ở chỗ “nhà báo phải coi mình là một thành viên của xã hội, có chung quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ như mọi thành viên khác trong xã hội, kể cả quyền lựa chọn chính trị”. Do thành tâm cống hiến tất cả tài năng vì công lý, vì chính nghĩa, đặc biệt hết lòng ủng hộ sự nghiệp của nhân dân ta giành độc lập tự do, kiên trì tố cáo tội ác quân đội Mỹ gây nên tại Đông Dương, W. Burchett bị giới tuyên truyền phương Tây cho là “một nhà báo có liên hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo cộng sản”, qua đó nhắc nhở báo chí họ hãy “cảnh giác” khi sử dụng mọi nguồn tin do W. Burchett cung cấp - trong hoàn cảnh nghịch lý là họ đang không thể không cần đến những thông tin ấy.
Wilfred Burchett chưa bao giờ là một người cộng sản nhưng ông vô cùng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin cậy Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại sao? Ông lý giải: “Những chính đảng, nhất là những đảng tận tụy phấn đấu làm thay đổi xã hội, chứ không phải những đảng lợi dụng đổi thay xã hội nhằm thu lợi cho bè cánh của mình (như trường hợp nhiều đảng chính trị ở phương Tây), các chính đảng đó xứng đáng được các nhà báo ở mọi nơi dốc lòng ủng hộ sự nghiệp và các mục tiêu của họ”.
Ông viết: “Tôi trung thành với chính lòng tin của tôi và với độc giả của tôi… Đặc biệt khi tôi tường thuật về Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi, là không để mình bị xao xuyến bởi những mệnh lệnh từ bên ngoài hoặc từ bên trên… Luôn luôn giữ cho đôi mắt và đôi tai mở rộng trong hơn bốn mươi năm thông tin về những nơi nóng bỏng nhất thế giới, tôi ngày càng có ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với bạn đọc, trên cơ sở lòng tin mãnh liệt vào những con người bình thường, vào thái độ hành xử lành mạnh và tao nhã của họ khi họ có được những sự thật về tình hình” (Hồi ký).
Dấn thân vì chính nghĩa, dốc tài năng và nghị lực phục vụ nghề báo, trong hơn bốn mươi năm, từ lúc thanh xuân cho đến khi qua đời ở tuổi 73, W. Burchett hầu như đã có mặt tại những điểm nóng nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nói đến tấm gương trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí của ông, không thể không kể lại một sự kiện động trời: nhà báo ra đời tại châu Đại Dương, phóng viên nhiều tờ báo hàng đầu thế giới ở Anh, Mỹ, Pháp, Nhật... là người đầu tiên cảnh báo nhân loại những hiểm họa không thể nào tưởng tượng nổi của việc sử dụng bom nguyên tử vào chiến tranh.
“Tôi viết bài này như một lời cảnh báo thế giới” (I write this as a warning to the world). Đó là câu mở đầu bài báo “Tai họa nguyên tử” ông viết bên hoang tàn thành phố Hiroshima, Nhật Bản, rạng sáng ngày 3 tháng 9 năm 1945, chưa tới một tháng sau khi thành phố hứng chịu quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống, đã trở thành một danh ngôn.
Hồi ấy W. Burchett đang làm phái viên báo London Daily Express. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, được tin Nhật Bản tuyên bố “từ bỏ chiến tranh” (tức đầu hàng vô điều kiện), W. Burchett tìm cách đến tận nước này lấy tài liệu viết bài. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận tin, ông đã có mặt trên chiếc tàu chở quân Mỹ đưa đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên đổ bộ lên căn cứ hải quân Nhật Yokosuka, chuẩn bị cho đại quân Mỹ dưới quyền thống lĩnh của tướng bốn sao Mc Arthur tràn lên chiếm đóng nước Nhật Bản bại trận.
Từ quân cảng Yokosuka, W. Burchett một mình đáp chuyến tàu ngay trong đêm 2 tháng 9 năm 1945 tới thành phố Hiroshima cách Tokyo chừng 650km. Ông ngồi cùng toa với các sĩ quan Nhật đang hết sức cay cú vì được lệnh phải đầu hàng, các đôi mắt đều hằm hằm nhìn ông như một tử thù. Đến Hiroshima, bầu không khí càng căng thẳng hơn. Cảnh sát Nhật Bản ai cũng nhìn ông với thái độ thù địch lạ lùng. Ba mươi năm sau có dịp trở lại thăm Hiroshima, W. Burchett được một người bạn Nhật cho biết, đêm hôm ấy có mấy viên cảnh sát muốn khử ông luôn tại chỗ ngay trong đêm.
Sau khi thăm nhiều nơi, tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn, W. Burchett đến bệnh viện đang cấp cứu những người dân Nhật sống sót sau thảm họa nguyên tử. Ông gặp và phỏng vấn nhiều bệnh nhân, ghi chép nhiều tư liệu, ghi hình các thảm cảnh…, xông xáo đến mức bác sĩ trưởng người Nhật tên là Caxubê lo lắng tới mức không chịu nổi, kiên quyết ra lệnh bắt phóng viên phải rời khỏi bệnh viện ngay tức khắc: “Ông phải đi khỏi nơi đây ngay. Tôi không có cách nào bảo đảm mạng sống của ông. Tất cả những người ở đây rồi sẽ chết. Tôi cũng vậy, tôi sẽ chết...”.
Trên người nhà báo lúc này chỉ có độc chiếc máy chữ xách tay, cái ô che mưa cùng các khẩu phần lương thực đủ ăn mấy ngày - tại nước Nhật Bản bại trận tuyệt đối không tìm đâu ra được cái ăn.
Rời bệnh viện, W. Burchett đến ngồi lên một tảng bê tông hiếm hoi vốn là móng còn sót lại của một ngôi nhà, mở máy chữ ra, bắt đầu gõ. “Tôi viết bài này như một lời cảnh báo thế giới”. Bài báo của ông may mắn không bị quân đội Mỹ phát hiện và chặn lại như trường hợp bài của người bạn George Miller, phóng viên báo Chicago Daily viết về Nagasaki mấy ngày sau đó. Nhật báo Anh Daily Express số ra ngày 5/9/1945 đăng tải toàn văn. Nhiều tờ báo lớn Âu Mỹ đăng lại, làm dư luận càng bức xúc. Ngay hồi ấy, nhiều người đã cho rằng hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki là không cần thiết. Ở châu Âu, phát xít Đức đã đầu hàng. Đại quân Liên Xô kịp rời chiến trường châu Âu ngày đêm vượt Sibiri trên các chuyến tàu tốc hành không dừng lại ở bất cứ ga nào, thẳng một mạch sang châu Á, diệt đạo quân Quan Đông lực lượng dự bị chiến lược của Nhật Bản đóng tại nước Mãn Châu quốc (Đông Bắc Trung Quốc ngày nay). Nhật Bản hạ vũ khí là điều không thể tránh, và thế giới đang nín thở chờ đợi sự kiện ấy từng giờ. Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki chẳng qua nhằm dành lợi thế về mình sau chiến tranh.
Tướng Mỹ Mc Arthur ra lệnh họp báo, phản bác những thông tin về tai họa nguyên tử. Từ Hiroshima trở lại Tokyo, nghe tin có cuộc họp, W. Burchett chạy bổ đến, râu chưa kịp cạo, đầu không kịp chải. Phát ngôn viên quân đội Mỹ, tướng Thomas Farrell, quả quyết làm gì có nguy cơ phóng xạ nguyên tử, bởi hai quả bom nổ ở độ cao không gây nên hệ lụy phóng xạ tác hại đến đời sống con người. Những nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện gần Hiroshima chẳng qua đều không may vướng trúng mảnh bom hay bị bỏng do hỏa hoạn, giống như bất kỳ vụ nổ lớn nào gây nên. W. Burchett hỏi vặn: “Ông đã đến Hiroshima chưa?”. Rồi bằng nhiều bằng chứng sống động, ông bác bỏ những lời dối trá của viên tướng phát ngôn. Cứng họng, y chỉ còn biết nói: “Tôi e ông bạn đã trở thành nạn nhân của tuyên truyền Nhật Bản rồi”, và tuyên bố kết thúc cuộc họp báo.
W. Burchett ngay sau đấy bị tống vào bệnh viện quân đội Mỹ “kiểm tra sức khỏe” rồi trục xuất khỏi Nhật Bản vì đã đến vùng cấm không có giấy phép đặc biệt do quân đội cấp (Trước sự phản đối của dư luận, tướng Mac Arthur buộc phải hủy bỏ lệnh trục xuất, W. Burchett trở về Anh thăm gia đình). Chiếc máy quay phim của ông biến mất một cách bí hiểm thời gian ông bị cách ly.
“Tôi viết bài này cảnh báo thế giới”, lời mở đầu bài báo của Wilfred Burchett về “Tai họa nguyên tử” thực hiện bên hoang tàn thành phố Hiroshima, và “Người ơi, hãy cảnh giác!”, câu kết thúc cuốn sách của Julius Fucik ghi trong trại giam phát xít Đức “Viết dưới giá treo cổ” là những tấm gương sáng ngời về trách nhiệm xã hội của những người cầm bút. Họ vì chính nghĩa, vì sự thật mà cung cấp thông tin kịp thời, chân xác đến công chúng bất chấp những hệ lụy có thể xảy đến với mình. Làm chúng ta liên tưởng đến tình hình vừa qua, với những tuyên bố tỉnh bơ của Trung Quốc sau khi mang giàn khoan Hải Dương 981 tới đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam với sự hỗ trợ của hơn một trăm tàu đủ loại và những tốp máy bay lờ lượn trên trời: “Trung Quốc không bao giờ gây hấn với ai”, “Tại biển Đông Trung Quốc đang bị Việt Nam khiêu khích”, và “Trong dòng máu Trung Hoa không hề có gien xâm lược, gien bành trướng” (!!!).
Báo chí Việt Nam và thế giới kiên quyết vạch trần những lời dối trá. Đã có rất nhiều chính khách, học giả và nhà báo thuộc nhiều quốc gia lên tiếng cảnh báo nhân loại về mưu đồ thâm độc của Trung Quốc ý đồ độc chiếm biển Đông, tạo nên những hiểm họa khó lường cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Không có gì che lấp được sự thật lịch sử. Không cường quyền nào áp chế được mãi lương tri con người. Đã có và chắc ngày sẽ càng có thêm nhiều đồng nghiệp Trung Hoa dũng cảm, với trách nhiệm xã hội của người cầm bút chân chính, lên tiếng “cảnh báo thế giới” và trước hết “cảnh báo chính nhân dân Trung Hoa” về hệ quả khôn lường mà những hành động sai trái nhà cầm quyền nước họ cố tình gây nên tại biển Đông.
PHAN QUANG