Cũng như đồng bào các DTTS khác, cùng với luật tục, người K'Ho còn có cả một kho tàng văn học dân gian khá phong phú và độc đáo. Đây là kho tàng văn hóa, kinh nghiệm sống quý báu của cả một tộc người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, giúp cho cộng đồng có nếp sống đẹp hơn.
Cũng như đồng bào các DTTS khác, cùng với luật tục, người K’Ho còn có cả một kho tàng văn học dân gian khá phong phú và độc đáo. Đây là kho tàng văn hóa, kinh nghiệm sống quý báu của cả một tộc người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, giúp cho cộng đồng có nếp sống đẹp hơn.
Kho tàng về kinh nghiệm sống
Trước đây, tuy nhận thức xã hội của người K’Ho một số mặt có những hạn chế nhất định, nhưng ý thức về tính cộng đồng, xã hội của họ rất cao. Có được điều này là nhờ Luật tục (gùng đơs n’rí) và kho tàng văn học dân gian (jơnau pơnđik) đã chi phối về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng.
Trong kho tàng văn học dân gian của người K’Ho gồm các thể loại, như: Truyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi, thơ, ca, tục ngữ và được “lưu giữ” dưới hình thức truyền khẩu. Trong số các thể loại nói trên, tục ngữ luôn chiếm một số lượng khá lớn. Với người K’Ho, tục ngữ chính là kho tàng về những kinh nghiệm sống quý báu mà hầu hết các thành viên trong cộng đồng đều phải biết, phải học để tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Nó luôn gắn bó mật thiết đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, cách đối nhân xử thế… nhằm hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ. Nội dung của những câu tục ngữ K’Ho thường xoay quanh các chủ đề chính, đó là về con người, vạn vật, cách đối nhân xử thế và kinh nghiệm lao động sản xuất, với những câu, từ hết sức ngắn gọn, súc tích, ít dị bản và dễ truyền khẩu. Nó đã phản ánh những nét trung thực về mọi mặt trong đời sống xã hội của cộng đồng. Ù dùl kơnăc/ Răc dùl rơsòn/ Kòn dùl me, dùl bàp (tạm dịch nghĩa đen: Đất một cục/ Chim một tổ/ Con người một mẹ, một cha). Về nghĩa bóng thì câu tục ngữ trên có hàm ý nói lên nguồn gốc của con người và nghĩa của nó tương đồng như câu tục ngữ của dân tộc Kinh: “Chim có tổ, người có tông”.
|
Tục ngữ của người K’Ho có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng. Ảnh: Phan Nhân |
Ông K’Broh (Tổ Dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh), người có thâm niên tìm hiểu và sưu tầm văn hóa K’Ho, cho biết: “Mỗi câu, chữ trong tục ngữ K’Ho đều được ép chặt, dè xẻn từng tiếng, từng câu từ, làm cho ngôn ngữ luôn có âm điệu, cô đọng, giàu ý nghĩa, phản ánh được những tri thức, kinh nghiệm sống của dân tộc trong lịch sử. Nó ca ngợi sự cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất; đồng thời, lên án và phê phán những thói hư tật xấu, tính lười biếng lao động...”.
Vì những câu từ ngắn gọn, liên kết chặt chẽ giữa vần câu trên đến vần của câu dưới, nên câu tục ngữ K’Ho luôn dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ và những cách thể hiện luôn sinh động, gần gũi với cuộc sống cộng đồng. Bên cạnh đó, những đối tượng được đề cập đến thường gắn bó mật thiết với con người, để con người dễ hình dung, liên tưởng để tiếp cận và vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Cần bảo tồn và lưu truyền
Ngày nay, khi cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, cùng với sự giao thoa văn hóa, nên con cháu người K’Ho đã có một thời gian khá dài “quên” văn hóa truyền thống. Họ không còn quan tâm đến việc tổ chức các lễ hội, đặc biệt là những câu ca, tục ngữ của dân tộc mình. Những thế hệ trẻ ngày nay hiếm có ai còn biết, học và thuộc những câu tục ngữ K’Ho.
Kho tàng văn học dân gian của người K’Ho khá phong phú và đa dạng, phản ánh đời sống văn hóa cũng như những tâm tư tình cảm và nguyện vọng của cộng đồng. Hiện tại, các bản làng của người K’Ho còn rất ít người am hiểu về câu ca, tục ngữ. Vì vậy, hơn ai hết, những thế hệ trẻ hôm nay cần ý thức trong việc bảo tồn và lưu giữ những kho tàng văn học quý báu mà ông bà đã dày công lưu truyền theo dòng lịch sử.
“Văn học dân gian nói chung và câu tục ngữ của người K’Ho nói riêng luôn có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng. Trước đây, khi dạy bảo con cháu, người K’Ho thường dùng tục ngữ. Ngày nay, văn hóa của người K’Ho đã bị mai một và rất cần được lưu truyền. Muốn bảo tồn và phát huy phải có những người am hiểu và tâm huyết. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ cần nâng cao ý thức trong việc học tập và lưu giữ…” - Già làng K’Tiếu (thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) nói.
NDONG BRỪM