Vì môi trường, hãy tiêu dùng có trách nhiệm

09:06, 03/06/2015

"Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững", đó là chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2015. Hãy bảo vệ trái đất, ngay từ bây giờ, bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng. 

“Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững”, đó là chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2015. Hãy bảo vệ trái đất, ngay từ bây giờ, bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng. 
 
Cả nước chung tay bảo vệ môi trường
 
Các nhà khoa học đã không dưới 1 lần cảnh báo về hệ sinh thái trên trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi. Nguyên nhân do sự gia tăng dân số và mặt trái của phát triển kinh tế. Dự kiến đến năm 2050, sản xuất và tiêu dùng cùng gia tăng dân số chạm ngưỡng 9,6 tỉ người, sẽ phải cần tới 3 trái đất mới đáp ứng được thói quen sinh hoạt và mức tiêu dùng như hiện tại. 
 
Cùng với nhiều quốc gia, Việt Nam đang tích cực hướng đến sự phát triển bền vững nhằm góp phần cứu vãn trái đất. Năm nay, nhiều hoạt động đang được triển khai tích cực, thiết thực và cụ thể. Đó là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó còn là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014…
 
Đặc biệt, từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 6 năm 2015, Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, bao gồm chuỗi sự kiện: Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015; Hội chợ triển lãm thành tựu về bảo vệ môi trường; Hội thảo chủ đề “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới” và Tổ chức lớp học về môi trường hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tham gia các sự kiện này có hàng ngàn đại biểu là đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế và đông đảo học sinh, sinh viên…
 
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, việc bảo vệ rừng, trồng rừng, bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực và các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Kết quả điều tra, kiểm kê rừng tại 5 tỉnh Tây Nguyên năm 2014 cho thấy, toàn vùng còn 2 triệu 567 nghìn ha rừng, đạt tỷ lệ độ che phủ 47% (giảm 4,1% so năm 2008); trong đó rừng tự nhiên là 2 triệu 253,8 nghìn ha, rừng trồng 313,3 nghìn ha. (Riêng tỉnh Lâm Đồng, độ che phủ rừng đạt 52,5%). Đáng quan tâm là, so với kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2008 thì diện tích rừng vùng Tây Nguyên giảm gần 358,8 nghìn ha, trong đó giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng là 128,523 nghìn ha, bị phá và lấn chiếm 88,603 nghìn ha, sai số do công tác điều tra rừng năm 2008 không chính xác là 134, 902 nghìn ha, và các nguyên nhân khác 6,769 nghìn ha. Vì vậy, các địa phương Tây Nguyên đã và đang thực hiện chiến lược trồng mới rừng, bảo vệ rừng hướng đến một nền kinh tế xanh bền vững.
 
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội, và không thể chậm trễ
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội và không thể chậm trễ
 
Lâm Đồng chú trọng với đặc điểm của vùng  
 
Ở tỉnh Lâm Đồng, đến nay đã trồng được trên 80 nghìn ha rừng các loại và hàng triệu cây phân tán; năm 2014 số cây đã trồng là 250,932 nghìn cây; năm 2015, kế hoạch sẽ trồng 305,896 nghìn cây các loại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì: “Công tác trồng cây phân tán ở nơi khu vực đất trống, diện tích trồng cây công nghiệp, diện tích nhà lưới nhà kính chưa được các địa phương quan tâm thực hiện tốt, làm suy giảm tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống”. 
 
Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2015, UBND tỉnh tổ chức lễ ra quân tại huyện Di Linh. Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự nhấn mạnh: “Đề nghị các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và nhân dân trong tỉnh hãy bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực như thay đổi tiêu chuẩn cuộc sống hiện tại của chúng ta, đòi hỏi chúng ta áp dụng các giải pháp sáng tạo và mang tính sáng kiến trong cách chúng ta sử dụng và xử lý các sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta sở hữu và tiêu thụ; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt; tích cực tham gia vào các hoạt động trồng cây gây rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã… góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của cả nước”.
 
Đây là những hành động có tác động rất tích cực đến bảo vệ môi trường. Với địa bàn Lâm Đồng, ngoài những hành động chung như các địa phương, những hoạt động có tính vùng miền rất rõ là trồng cây gây rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã… Bảo vệ và phát triển rừng phải là cả hệ thống chính trị, mọi cấp từ tỉnh đến thôn, bản; của tất cả các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và những người dân, nhất là những địa bàn có rừng, gần rừng. Lâm Đồng còn là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu, nhất là cây công nghiệp và các loại rau, hoa. Vì vậy, thói quen canh tác làm cạn kiệt nguồn nước hoặc gây ô nhiễm nguồn nước và không khí do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng an toàn đang trở thành mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đến môi trường. Chung tay bảo vệ môi trường từ nền sản xuất nông nghiệp, trước hết là nhận thức, ý thức của người sản xuất và chế biến; cùng đó là các ngành liên quan như NN&PTNT, TN&MT, KH&CN…; các tổ chức đoàn thể của Mặt trận…
 
MINH ÐẠO