Cam go giữ những cánh rừng (kỳ 2)

05:07, 30/07/2015

Tỉnh ủy chỉ đạo "tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm các kiến nghị chính đáng của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đối thoại (đất sản xuất, đất ở…). Kiên quyết vận động không để dân trở về buôn làng cũ, xây dựng nhà ở, các công trình khác trên đất lấn chiếm".

[links()]Kỳ 2: Quyết đưa lại màu xanh cho rừng
 
Tỉnh ủy chỉ đạo “tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm các kiến nghị chính đáng của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đối thoại (đất sản xuất, đất ở…). Kiên quyết vận động không để dân trở về buôn làng cũ, xây dựng nhà ở, các công trình khác trên đất lấn chiếm”.

Tiếp tục thuyết phục, giảng giải

Ngày 4/4, đoàn công tác tiếp tục vào trụ sở xã Đạ Long gặp mặt toàn dân thôn 4 như kế hoạch. Chủ trì cuộc tiếp xúc, ngoài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Phạm Kim Khang, Bí thư Huyện ủy Đam Rông Vũ Kim Sinh và Bí thư Đảng ủy xã Ha Jăch. Rất đông người dân thôn 4 có mặt. Đoàn lắng nghe tất cả ý kiến của bà con. Người dân đều cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến đời sống đồng bào. Các anh Liêng Hót Ha Ôn, Kơ Dơng Ha Ben, Kră Jăp Ha Húy, anh Mơ bon Ha Roong... bày tỏ cảm kích trước chính sách ưu ái của tỉnh đối với các hộ dân thôn 4. Mục sư Kơn Sơ Ha Vơp đến từ xã Đạ K’Nàng đứng dậy nói: Bà con nên chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tôn trọng ý kiến của cấp trên để ổn định làm ăn nâng cao đời sống cho gia đình...
 
Phó Chủ tịch Phạm S giải thích cặn kẽ cho bà con ngay tại hiện trường
Phó Chủ tịch Phạm S giải thích cặn kẽ cho bà con ngay tại hiện trường

Chủ rừng tiếp tục giải thích và cam kết không cho bất kỳ công ty hay xã, thôn nào vào khu vực lâm phần đơn vị quản lý, chỉ dành riêng cho bà con thôn 4 quản lý bảo vệ.

Chủ tịch Mặt trận Phạm Kim Khang phân tích: Tỉnh đặc biệt quan tâm đến đời sống của bà con, do đó tìm giải pháp tốt nhất giúp đỡ. Bà con không thể quay lại trong chỗ rừng sâu này, nơi không có gì, mà nên về xã Đạ Long, thuận lợi tất cả giáo dục, y tế, điện, nước, giao thông...

Anh Phạm S lại kêu gọi: Như hôm trước tôi đã thông báo về nội dung hỗ trợ cho bà con rồi. Kinh tế của bà con sẽ tăng gấp 3 lần, chưa tính sản xuất mà chỉ tính quản lý và bảo vệ rừng 50ha. Bà con cứ phá rừng làm nông nghiệp như hiện nay sẽ làm suy thoái hệ sinh thái rừng hết...

Người dân thôn 4 hầu hết im lặng, một số đứng lên một mực không đồng tình các giải pháp của tỉnh. Thậm chí có người phản ứng, kiên quyết quay lại TK 26, 27. Buổi gặp mặt kết thúc lúc gần 18 giờ, đoàn quay về trụ sở huyện Đam Rông tiếp tục bàn tính...

Tôi tranh thủ gặp Chủ tịch xã Đạ Long Lơ Mu Ha Póh tìm hiểu những chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước đã hiện thực hóa đối với đời sống người dân nơi đây thế nào. Anh Ha Póh cho biết: Năm 2014, Đạ Long là địa bàn có diện tích rừng lớn, nhờ đó người dân thu nhập từ lâm nghiệp tới 12% giá trị tổng GDP (3,8 tỉ đồng). Có 531 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với 13.753ha. Riêng 45 hộ thôn 4 nằng nặc về lại Đạ Long cũ, tính đến thời điểm đầu tháng 4/2015 đã được hưởng lợi từ các chương trình dự án của Nhà nước như các mô hình sản xuất cây, con; vay vốn hơn 200 triệu đồng, làm 5 căn nhà và 6 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng... Nhờ đó, nhiều hộ có mức thu nhập kinh tế khá như Dơ Gur Ha Thinh, Kơ Dơng Ha Ben, Dơ Gur Ha Chông, Mbon Ha Bang, Kon Sơ Ha Tang, Kră Jăn Ha Húy, Dơng Gur Ha Muk, Dơng Gur Ha Bông và Kơ Să Kenny. Tuy nhiên, bình quân thu nhập đầu người toàn xã vẫn rất thấp, mới đạt 10,5 triệu đồng/người/năm; còn 106 hộ nghèo, chiếm 17,3% và 146 hộ cận nghèo, chiếm 23,9%.

Rà soát nhiệm vụ lần cuối

Ngày 1/7, tại trụ sở chủ rừng, đoàn công tác tiếp tục họp, chủ trì là anh Phạm S. Mục đích rà soát tình hình thực hiện những nội dung tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương và chủ rừng. Chủ rừng cho biết, đã phối hợp với địa phương, các tổ chức, đơn vị của tỉnh trực tiếp vào hiện trường tuyên truyền 12 đợt với hơn 200 người tham gia. Đến ngày 22/6/2015, hiện trạng TK 26, 27 có tổng diện tích lấn chiếm 26,62ha. Trong đó, các hộ dân đã trồng xen lúa rẫy, bắp, đậu 12,04ha; lúa nước 3,4ha; có 35 nhà ở. Chủ rừng đã lập hồ sơ trồng rừng và Sở NN&PTNT thẩm định diện tích 18,8ha; ký hợp đồng mua 50 ngàn cây con thông ba lá trồng trong tháng 7. Đã thiết kế và cấp trên thẩm định 2.200ha rừng để giao các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ, nhưng mới chỉ có 7 hộ nhận với tổng diện tích 350ha tại TK 26, 27 và đã được chi trả tiền giao khoán. “Vẫn còn 34 hộ cương quyết ở lại TK 26, 27 để sản xuất và không nhận rừng để bảo vệ”, lãnh đạo chủ rừng buồn bã nói. Thực hiện Kết luận tại Thông báo 81/TB, ngày 17/4/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo đơn vị này cho biết: luân phiên cử 3 kiểm lâm viên của đội cơ động đến công tác tại TK 26, 27. Hoa màu và lúa của bà con đã được cơ quan chức năng thẩm định và thông báo cho họ, nhưng đến chiều 25/7 vẫn không có hộ nào đến nhận tiền đền bù.

Phó Chủ tịch huyện Đam Rông Bùi Văn Hởi thông báo: Huyện đã thiết kế 20ha chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, nhưng chỉ giao được 1,5ha cho dân, còn 5 hộ thiếu đất kiên quyết không nhận. Địa phương này đã tìm 20 con bò giống để hỗ trợ cho 10 hộ, chỉ 2 hộ nhận, 8 hộ không nhận mà kiên quyết quay lại TK 26, 27. Chính sách vay vốn đưa ra, 100% hộ được vận động vay, chẳng có ai vay. Ngành chức năng đã nắm chắc một số đối tượng cầm đầu việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng TK 26, 27...

Hoa màu đã tươi tốt trên đất rừng lấn chiếm
Hoa màu đã tươi tốt trên đất rừng lấn chiếm

Không thể khác, kiên trì trồng lại rừng

Thực tiễn giải quyết vụ việc tại TK 26, 27 cho thấy còn nhiều vấn đề phải khắc phục đã nêu ở bài trước như: chưa hiệu quả trong tuyên truyền, vận động; chưa sẵn sàng đất sản xuất giao cho dân... Điều quan trọng là các ngành, địa phương liên quan và chủ rừng phải cam kết với người dân bằng việc làm cụ thể. Ví dụ, việc khoán bảo vệ quản lý, chủ rừng nên lập danh sách để bà con ký nhận. Đất sản xuất phải có thực tế mới thuyết phục được. Phó Chủ tịch Phạm S cũng chỉ đạo phải khẩn trương chuyển đổi mục đích, trước mắt giải tỏa 50% (xử lý 10ha rừng) tạo mặt bằng và phân lô để bà con lựa chọn.

Việc trồng rừng tại TK 26 và 27 không thể lập luận như một lãnh đạo đầu ngành: Nếu dân không hợp tác thì không nên trồng rừng (?). Phải nhận thức rằng, đã quá muộn khi đất bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng không trồng rừng kịp thời, người dân đã sản xuất hoa màu là chính mình đã làm tự làm khó. Vì vậy, phải trồng rừng ngay trên diện tích dân đã phát dọn; vừa tiếp tục tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn, vừa tăng cường lực lượng chủ động bảo vệ địa hình trồng mới chặt chẽ. Ngoài hỗ trợ đơn giá trồng rừng, đơn giá chăm sóc bảo vệ rừng trồng cần lồng ghép các nguồn kinh phí khác. Có thể trồng chưa đúng mật độ kỹ thuật, nhưng “làm lành vết sẹo” cho rừng là hết sức cần thiết, không chỉ ngăn chặn tái lấn chiếm mà còn có cơ sở củng cố hồ sơ vi phạm của đối tượng cố tình để có biện pháp cứng rắn hơn.

Ngày 27/7, chủ rừng chủ trì cuộc họp khẩn lần cuối với đại diện 2 huyện, các ban ngành liên quan nhằm thống nhất kế hoạch triển khai trồng rừng trên đất TK 26, 27. Chủ rừng cho biết, đã được Chi cục Lâm nghiệp phê duyệt diện tích 18,8ha để trồng rừng sau giải tỏa; 50 ngàn cây con đã hợp đồng với Công ty cổ phần giống Lâm nghiệp Vùng Tây Nguyên. Đã thông báo tới 2 xã Đưng K’Nớ và Đạ Long để làm hợp đồng trồng rừng, tuy nhiên, trong số 20 hộ dân đồng ý ký mới có 10 hộ nhất trí trồng ngay, còn 10 hộ đang lừng khừng. Tuy nhiên, trước khi tiến hành rất cần rà soát quy trình bảo đảm đúng theo luật định, ví dụ thông báo giải tỏa, quyết định giải tỏa... và đặc biệt không tạo thành điểm nóng.

Cuối chiều ngày 27, tôi gặp Phó Chủ tịch Phạm S, vẫn đau đáu câu chuyện rừng xanh, anh nói: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải kiên quyết trồng lại rừng dù có muộn. Nhưng trước hết là trồng trên phần đất trống để không ảnh hưởng đến hoa màu của người dân. Vừa trồng vừa tiếp tục giải thích, vận động bà con để tìm sự đồng thuận.

Đúng 7 giờ, ngày 28/7, ngành chức năng trở lại TK 26, 27 thực hiện kế hoạch sẽ trồng lại rừng, trước mắt chỉ khoảng 5ha theo chỉ đạo của tỉnh ngày 8/7, nhưng 38 hộ dân thôn 4 kéo vào kiên quyết không cho trồng. Nếu đào hố, dân nằm xuống ngăn cản ngay. Cây giống đã tập kết sẵn, lãnh đạo, tổ chức đoàn thể của xã, huyện, tỉnh và chủ rừng tiếp tục giải thích, tuyên truyền rất ôn hòa, nhưng “bà con căng lắm, vẫn không giải quyết được gì” như lời Chủ tịch xã Ha Póh thừa nhận khi đã kết thúc ngày thứ 2 (29/7). Mục tiêu đem lại màu xanh cho đất rừng TK 26, 27 vẫn đang vô cùng nan giải.

Vấn đề đặt ra, muốn trả lại màu xanh cho núi rừng bằng việc trồng mới, chỉ thành công khi được bà con đồng thuận, nghĩa là họ đồng ý nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, nhận đất sản xuất và các hỗ trợ khác từ Nhà nước. Phía trước vẫn là bài toán vô cùng khó! Nhưng không thể không có lời giải, càng không xem việc trồng lại rừng là “ý chí chính trị”. Phải là hiện thực của hành động cách mạng, của đội ngũ cán bộ, nhà quản lý, mà ở đó đòi hỏi rất cao tâm huyết, trí tuệ; thực sự đồng bộ, kiên trì và bền bỉ giữa các cấp, các ngành và đơn vị.

Lời kết

Việc giải quyết dứt điểm tình trạng một số hộ dân Đạ Long phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp tại TK 26, 27 không còn là vụ việc cục bộ mà là câu chuyện bảo vệ rừng nói chung trong toàn tỉnh. Thực tế đã và đang manh nha hiện tượng một số người dân bỏ nơi quy hoạch định cư mới xin trở lại nơi ở cũ mà hiện ở đó đang là rừng. Vì vậy, giải quyết dứt điểm vụ việc thôn 4 Đạ Long cũng nhằm đúc kết bài học quý để giải quyết những hiện tượng tương tự nơi khác. Thành tựu của công tác này không chỉ nhằm bảo vệ rừng mà còn bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên, ổn định tình hình kinh tế, chính trị và phát triển an sinh xã hội.
 
Ký sự: MINH ĐẠO