Dân làm đường rẻ hơn so với xã

09:07, 13/07/2015

Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới quốc gia tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm (2010 - 2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn với các tỉnh, thành diễn ra ngày 6/7. Phía Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và lãnh đạo sở, ngành liên quan và các địa phương tham dự.

Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới quốc gia tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm (2010 - 2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn với các tỉnh, thành diễn ra ngày 6/7. Phía Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và lãnh đạo sở, ngành liên quan và các địa phương tham dự.
 
Đường xóm xã nông thôn mới Quảng Lập do dân đóng góp xây dựng
Đường xóm xã nông thôn mới Quảng Lập do dân đóng góp xây dựng
 
Cứng hóa 220.246km đường 
 
Báo cáo tại hội nghị, qua số liệu tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố, đến nay, cả nước có 492.892km đường giao thông nông thôn (GTNT) bao gồm các đường huyện, xã, đường thôn, xóm và đường nội đồng. Bên cạnh đó còn có 54.788 cầu các loại, 1.267 bến xe và có khoảng 25.967km đường thủy nội đia với 1.267 bến đò do địa phương quản lý. Theo đó, 5 năm qua đã đầu tư làm lại, xây mới 47.436km theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tăng 10.251km so với cả giai đoạn (2001 - 2010) và mở mới 61.400km đường thôn, xóm bằng vật liệu tại chỗ. Cải tạo nâng cấp sửa chữa 103.394km, tăng bình quân 54%/năm; xây dựng mới 15.474 cầu, tăng bình quân 8%/năm và sửa chữa 11.503 cầu. Tính chung cả nước, hệ thống GTNT đã cứng hóa được 220.246/492.982km đường các loại, tương đương 44,68%, còn 55,32% chưa được cứng hóa và phần lớn là đường thôn, xóm, đường nội đồng tại các tỉnh khu vực trung du, miền  núi, miền Trung và Tây Nguyên… Cũng theo báo cáo tại hội nghị, tổng vốn huy động cho xây dựng, bảo trì đường GTNT giai đoạn 2010 - 2015 đạt 186.194 tỷ đồng, bằng 183% giai đoạn 10 năm trước. Trong đó, vốn do nhân dân đóng góp và huy động xã hội chiếm 25,5% tổng nguồn vốn đầu tư và hiến 3.300ha đất, trên 7,8 triệu ngày công lao động cùng nhiều vật liệu khác để xây dựng bảo trì kết cấu hạ tầng GTNT. Đây là mức huy động to lớn của người dân chung tay xây dựng GTNT, trong khi người dân sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi có thu nhập thấp hơn khu vực thành thị.
 
Huy động phải vừa sức dân 
 
Mục tiêu xây dựng GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, cả nước có 100% trục đường xã, liên xã được nhựa hóa hay bê tông hóa đạt chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT và hiện tại đã thực hiện được 84.068km, đạt 58,11%; đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn 70% và đến nay đã thực hiện 85.035km, đạt tỷ lệ cứng hóa 48,25. Tỷ lệ đường trục nội đồng được cứng hóa theo chỉ tiêu cả nước 65% (riêng Tây Nguyên chỉ tiêu này 70%) hiện đã thực hiện 27.815km, đạt tỷ lệ 25,61%. Tính đến tháng 5/2015, có 2.239 xã, bằng 25,1% số xã của cả nước và trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có 129 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới về GTNT. Mục tiêu đến năm 2020 đặt ra là hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường xã, đường liên xã; hoàn thành tỷ lệ đường thôn, xóm, đường trục nội đồng cứng hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, hoàn thành ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới với 4 tiêu chí về GTNT và 70% số xã được cứng hóa đường trục thôn xóm… Riêng tỉnh Lâm Đồng, đến nay đã cứng hóa đường GTNT được 4.185km, đạt 64% - cao nhất trong các tỉnh Tây Nguyên.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó xây dựng GTNT đã trở thành phong trào rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân trên cả nước. Thời gian qua, phần dễ đã tiến hành làm, số còn lại sẽ khó khăn vì phải đầu tư lượng vốn lớn hơn nên việc huy động vốn cần chú ý tăng nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các chính phủ và doanh nghiệp lên gấp 2,5 lần so với 5 năm trước. Đồng thời, Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng đề án huy động xi măng làm đường bằng trái phiếu để xin ý kiến Quốc hội. Còn huy động nhân dân đóng góp sao cho vừa với sức dân, đối với người dân sống ở xã nghèo, thôn nghèo thì vốn ngân sách phải là chủ yếu. Bộ GTVT phối hợp với các địa phương hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm công trình GTNT chất lượng, lâu dài. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, việc gì của dân thì giao cho dân. Các công trình nông thôn vừa sức dân đưa ra thành một danh mục để dân làm. Nghe một số địa phương báo cáo, các công trình giao thông nông thôn do nhà nước hỗ trợ vật tư, dân tự làm công trình rẻ hơn 2/3 so với chính quyền xã, thôn đứng ra làm, có nơi rẻ bằng 1/2 và dân cũng rất quý công trình mình làm ra từ đó bảo vệ, bảo trì rất tốt. 
 
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 15 địa phương có thành tích xuất sắc trong quản lý, xây dựng GTNT 5 năm qua,  trong đó có Lâm Đồng; Bộ GTVT cũng tặng Bằng khen cho 51 tập thể và 49 cá nhân. Được biết,  các tập thể có thành tích được thưởng 1.000 tấn xi măng đối với cấp tỉnh, huyện 200 tấn và đối với xã là 10 tấn.
 
XUÂN TRUNG