Trong nhiều năm liền Di Linh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Trong nhiều năm liền Di Linh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Là một huyện có diện tích rộng của Lâm Đồng, Di Linh có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người gốc Tây Nguyên. Toàn huyện hiện có khoảng 12 nghìn học sinh người dân tộc thiểu số, chiếm trên 35% trong tổng số 33 nghìn học sinh từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở thuộc Phòng Giáo dục (GD) Di Linh quản lý.
Theo Phòng GD Di Linh, dù nhiều nỗ lực nhưng chất lượng GD giữa vùng thuận lợi và vùng sâu, vùng xa,vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá chênh lệch. Trường học vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thường có quy mô nhỏ, đội ngũ giáo viên mỏng, lượng học sinh bỏ học còn nhiều, tỷ lệ xếp loại học lực khá, giỏi còn thấp. Chính vì vậy, nâng chất lượng GD vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong từng năm học luôn là một nhiệm vụ quan trọng của GD Di Linh. Theo ông Phan Đình Đồng, Trưởng phòng GD Di Linh, nhiều năm gần đây, Phòng GD huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khá hiệu quả để nâng cao chất lượng GD toàn diện cho các bậc học, trong đó có GD vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Trước nhất, Phòng yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc kế hoạch thời gian năm học theo qui định, thực hiện nghiêm túc chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng; yêu cầu thầy cô giáo không ngừng đổi mới cách dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Phòng cũng yêu cầu các trường tổ chức cho học sinh tham gia đầy đủ các cuộc thi của ngành phát động, chú trọng đến các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động văn nghệ - TDTT trong trường học để góp phần GD toàn diện cho học sinh; tạo môi trường giáo dục thân thiện để thu hút học sinh đến lớp, làm tốt việc duy trì sĩ số học sinh, chống bỏ học.
Với bậc mầm non, Di Linh hiện có 22/28 trường đánh giá theo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Ở bậc tiểu học có 31/33 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày; 14 trường thực hiện chương trình tiếng Anh 4 tiết/tuần theo đề án ngoại ngữ quốc gia, 19 trường thực hiện dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh; 22 trường dạy Tin học tự chọn 2 tiết/tuần, 13 trường dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN), 6 trường tham gia chương trình SEQAP và 6 trường tham gia triển khai sách tiếng Việt 1- Công nghệ GD. Trong bậc THCS, Phòng yêu cầu các trường có kế hoạch phân phối chương trình chi tiết phù hợp với điều kiện thực tiễn; yêu cầu một số trường có điều kiện thực hiện chương trình tự chọn Tin học, thí điểm tiếng Anh mở rộng cho học sinh. Cả 2 bậc tiểu học và THCS đều phải thực hiện việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng.
Cùng đó, huyện cũng có những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi toàn huyện đúng tiến độ. Trong tháng 12/2014, Di Linh đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và đến tháng 5/2015 vừa qua được Bộ GD kiểm tra công nhận. Hiện18 trong tổng số 19 xã, thị trấn tại Di Linh đã đạt chuẩn phổ cập GD cho trẻ 5 tuổi. Với bậc tiểu học, đến nay huyện đã huy động 100% trẻ 6 tuổi trên địa bàn ra lớp, tất cả 19 xã, thị trấn trên địa bàn đều thực hiện tốt việc duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, được tỉnh kiểm tra công nhận trong tháng 1/2015.
Riêng các trường học vùng dân tộc thiểu số cùng những trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số luôn được Phòng quan tâm. Với cấp mầm non, Phòng GD huyện tăng cường kiểm tra các chuyên đề trọng tâm, tổ chức cho giáo viên lên các tiết dạy tốt hằng tháng. Phòng yêu cầu giáo viên mầm non đứng lớp tăng cường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động xuyên suốt trong ngày để giúp trẻ phát triển câu từ. Các giáo viên phụ trách trẻ từng trường cũng được yêu cầu trao đổi, phối hợp giúp đỡ phụ huynh người dân tộc thiểu số thường xuyên nói chuyện bằng tiếng Việt với trẻ khi ở nhà.
Với bậc tiểu học, ngay trong hè đầu tháng 7 hằng năm, Phòng GD đã chỉ đạo các trường tiểu học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số mở các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Trong năm học, Phòng cũng chỉ đạo các trường tiếp tục tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vào buổi thứ hai đối với các trường thực hiện chương trình dạy 2 buổi/ngày. Với những trường đông học sinh dân tộc thiểu số, Phòng yêu cầu dạy chương trình tiếng Việt trong sách Tiếng Việt 1- Công nghệ GD. Phòng cũng yêu cầu các trường này tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp để học sinh dân tộc thiểu số có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt. Thông qua các giải pháp này những năm gần đây chất lượng học sinh dân tộc thiểu số trong bậc tiểu học đã có những chuyển biến rõ rệt.
Với bậc THCS, Phòng yêu cầu các trường vùng dân tộc thiểu số nâng cao hiệu quả quản lý bằng nhiều biện pháp như tổ chức chuyên đề theo cụm vùng dân tộc thiểu số, ra đề kiểm tra học kỳ theo đề chung, phân tích đánh giá chất lượng theo cụm để có thể so sánh, đối chiếu chất lượng giảng dạy ở từng vùng với nhau nhằm tìm giải pháp nâng đều chất lượng của các trường lên.
Cùng đó, Phòng GD Di Linh cũng chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trường học, đặc biệt là giáo viên và Ban giám hiệu của các trường học trong vùng dân tộc. Hiện, 100% giáo viên của ngành GD Di Linh đều đạt chuẩn đào tạo, trong đó có trên 60% giáo viên vượt chuẩn và có khoảng 20% cán bộ, giáo viên, nhân viên đang tiếp tục tham gia các lớp trên chuẩn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.
Theo ông Đồng, Phòng lâu nay cũng rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số, phát triển cả số lượng và chất lượng ở các cấp học, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên các trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được dự giờ, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của các trường bạn. Nhờ vậy, chất lượng GD ở các trường vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số trong huyện đã ngày càng được nâng cao và vững chắc hơn.
GIA KHÁNH