Không biết có phải là mối cơ duyên đối với ngành không, mà suốt thời gian hơn 40 năm tham gia cách mạng của tôi luôn gắn liền với công tác tuyên giáo. Có năng khiếu này chăng? Không hẳn vậy! Hay mê cái nghề tuyên giáo rồi? Cũng có thể! Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng được tiếng là trọn nghĩa vẹn tình với ngành.
Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng, ngồi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong nghề tuyên giáo mà thấy lòng phấn chấn. Không biết có phải là mối cơ duyên đối với ngành không, mà suốt thời gian hơn 40 năm tham gia cách mạng của tôi luôn gắn liền với công tác tuyên giáo. Có năng khiếu này chăng? Không hẳn vậy! Hay mê cái nghề tuyên giáo rồi? Cũng có thể! Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng được tiếng là trọn nghĩa vẹn tình với ngành.
“Xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu!
Xếp bút nghiêng coi thường công danh như phù vân!”
Tiếng hát khe khẽ của một bạn sinh viên cùng phòng tại Đại học xá Minh Mạng (một kí túc xá sinh viên trước 1975 tại Sài Gòn) nghe mà thôi thúc làm sao! Hoạt động hợp pháp trong phong trào sinh viên, học sinh tại TP.HCM một thời gian thì bị lộ, tôi phải trốn lên Đà Lạt vào cuối năm 1968, được cơ sở cách mạng đưa ra chiến khu tại núi rừng trùng điệp thuộc tỉnh Tuyên Đức - Đà Lạt (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng).
Từ trong phong trào hợp pháp, khi mới ra hoạt động ngoài rừng, ở cái tuổi 20, tôi cứ nghĩ mình phải tham gia bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù, như thế mới là chiến sĩ cách mạng thực thụ, nên nhiều lần tôi đề nghị với các đồng chí lãnh đạo cho tôi được tham gia vào lực lượng vũ trang của tỉnh. Chần chừ mãi, đồng chí Ba D, Bí thư Thị ủy Đà Lạt mới gọi tôi lên giải thích nhiều điều và phân công tôi về nhận công tác tại bộ phận Tuyên huấn của Thị ủy Đà Lạt, sau đó được chuyển về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tuyên Đức.
Trao đổi nghiệp vụ giữa cán bộ tuyên giáo tỉnh với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Di Linh. Ảnh: VƯƠNG TÔN KIÊN |
Chiến trường Tuyên Đức những năm 1970-1975 hừng hực và quyết liệt hơn vì đang chuẩn bị cho một sự chuyển mình lớn. Thời gian này, phía Mĩ Ngụy đang bắt đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vì thế, địch cũng phản ứng điên cuồng: vùng ven chúng tăng cường sử dụng thám báo, biệt kích; hậu cứ của ta, chúng tăng cường cho máy bay rải chất độc hóa học phá hoại sản xuất, những lần như vậy anh em chúng tôi phải xông ra chặt vội từng thân cây mì và nhổ củ lên để chất độc chưa thấm kịp vào củ, nhưng chỉ cứu được một phần. Do vậy, tình hình lương thực thiếu trầm trọng, cán bộ, chiến sĩ hầu hết phải ăn rau và măng rừng, có khi nhặt được một số hạt mít thì luộc để dành cho lãnh đạo thức khuya làm việc đêm ăn bồi dưỡng, củ mì cho thương bệnh binh, họa hoằn lắm có được chút ít gạo thì ưu tiên cho thương binh nặng, vì muối rất hiếm nên mọi người thường phải ăn nhạt. Khó khăn vật chất là vậy nhưng tinh thần luôn lạc quan, tin tưởng, nhất là khi đón nhận nhiều tin vui chiến thắng trong Xuân - Hè năm 1970-1971 của quân và dân cả nước dồn dập đến, làm nức lòng, phấn khởi cán bộ chiến sĩ. Do vậy, mọi hoạt động diễn ra cứ rầm rập, rộn ràng giữa đại ngàn u tịch của cao nguyên Lâm Viên.
Tháng 5/1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đồng chí Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tuyên Đức (lúc bấy giờ đồng chí Huỳnh, Bí thư Tỉnh ủy kiêm trưởng các ban Đảng) sau khi truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị cho cán bộ trong địa bàn, đồng chí gọi riêng tôi lên và nói:
- Tình hình có rất nhiều thuận lợi cho ta, bất lợi cho địch, như đồng chí đã được quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị rồi, để thực hiện nhiệm vụ mới, cấp ủy phân công đồng chí tăng cường về đội công tác. Xuống dưới đó, đồng chí sẽ phải len lỏi vào các buôn làng vùng địch tạm chiếm để truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân, nói cho nhân dân nhận thức được là một việc khó, nhưng khó hơn là sau khi nghe, họ biến được nhận thức thành hành động cách mạng, đó mới là mục đích chủ yếu của công tác tuyên huấn.
Như để động viên, đồng chí cười nhìn tôi và đọc hai câu thơ không biết của thi sĩ nào:
“Một lời muôn vạn người xông tới,
Mỗi ý quân thù ngã gục thêm”
Rồi đồng chí nhìn thẳng vào mắt tôi như để dò xét và hỏi nhanh:
- Anh có làm được như vậy không?
Không chờ tôi trả lời, đồng chí dang tay bắt chặt tay tôi và nói một cách dứt khoát:
- Thôi! Chúc đồng chí thành công trong hoàn cảnh mới, bây giờ về chuẩn bị để mai lên đường cho kịp chuyến giao liên.
Nhận nhiệm vụ mới mà lòng rộn ràng, như vậy từ nay mình phải “xông pha trận mạc” để làm công tác tư tưởng, một chiến sĩ thực thụ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Nhớ hồi mới vào chiến khu mình cứ nằng nặc xin vào bộ đội, cứ nghĩ như vậy mới thực là chiến sĩ, nay nhận thức của mình đã khá hơn nhiều.
Về Đội công tác vũ trang tuyên truyền, thấm thoắt mà đã hơn một năm rồi! Nhớ có lần tôi được phân công vào sâu vùng thị trấn để tuyên truyền móc nối cơ sở. Hương Giang (người em gái y tá của đội) biết được, kéo tôi ra sau dặn dò gởi gắm: anh vào trong đó cố gắng kiếm một ít gạo về cho thương binh nhé! Tôi bằng lòng ngay, vì chúng tôi cùng nghĩ: để anh em thương binh nặng mà ăn mãi củ mì tội quá!
Vậy là tôi có thêm một mệnh lệnh thứ hai, mệnh lệnh thứ nhất của Đội trưởng giao là vào tuyên truyền móc nối cơ sở; còn mệnh lệnh của Hương Giang là kiếm một ít gạo cho thương binh. Tôi thấy nhiệm vụ nào cũng cần thiết cả, trên đường hành quân đột ấp tối nay tôi thầm hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ.
Vào đến ấp, súng nổ giòn giã từ một tổ vũ trang của Huyện Đội đang khiêu chiến để kéo địch chú ý sang bên đó, đánh lạc hướng chúng để tôi cùng 2 đồng chí rẽ về hướng khác “lòn êm” đến địa điểm đã định.
Đã lâu tôi mới được gặp dân vùng sâu, mừng quá tôi phấn chấn cứ thao thao về các chủ trương, chính sách của Đảng, nào là tình hình, nhiệm vụ; rồi bàn công việc; lâu lâu cơ sở lại xen vào trao đổi bổ sung thêm, cười nói thoải mái. Sau đó, họ kéo tôi ra ụ mối ở góc vườn, bờ rào để thống nhất đặt hòm thư ở đó, sau này, cứ hàng tuần vào đó lấy báo cáo tình hình.
Mừng quá! Như vậy là hoàn thành được nhiệm vụ thứ nhất, xây dựng móc nối được một cơ sở là quý lắm, phải nâng niu, cứ như sợ vỡ mất nên khi nghĩ đến việc còn phải kiếm một ít gạo đem về cứ ngập ngừng, nhiều lần định hỏi rồi lại thôi, sợ cơ sở đánh giá là những nội dung trao đổi vừa qua chỉ là “khúc dạo đầu” để xin gạo mà thôi, như vậy thì hỏng hết! Nghĩ đến đó tôi quyết định không kiếm gạo nữa để khỏi ảnh hưởng đến lòng tin của cơ sở.
Trên đường về, nghĩ đến thương binh không có gạo ăn mà lòng trĩu nặng, tự nhủ, giá như mình trình bày hết với cơ sở thử xem sao! Về đến nơi ở thì trời sáng hẳn, mọi người vui vẻ vì chúng tôi trở về an toàn và hoàn thành được nhiệm vụ đội giao, sau khi báo cáo tình hình với đội trưởng, tôi ra sau gặp Hương Giang để “chịu tội”. Khi mới về, có lẽ em gái nhìn ba lô xẹp lép của tôi thì đã hiểu nên bỏ ra sau.
Mới gặp tôi, Hương Giang nguýt một cái thật sắc và ngoảnh mặt đi, mắt đỏ hoe, chưa đợi tôi kịp trình bày, em đã nói trong nước mắt:
- Tuyên huấn các anh là vậy đó hả! Chỉ nói mà không làm. Tưởng nói làm sao cho ra môn, ra khoai; nói làm sao cho ra gạo, ra thóc thì nói; chứ nói suông thì ai nói chẳng được!
Tôi nín thinh chịu đựng và thầm nghĩ: Không phải vậy đâu em ơi!
Nói suông mà cho trôi chảy cũng khó lắm đó. Nhưng nói mà cho ra môn, ra khoai, ra gạo, ra thóc như em nói thì phải có thời gian để thấm vào quần chúng đã chứ. Tôi nhớ câu nói của Mác: “… lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”.
Nghĩ bụng như thế nhưng không dám nói ra sợ em lại nổi khùng lên, vì cho tôi là cứ lý với luận mãi. Cuối cùng tôi chỉ nói khẽ: “Không có gạo về cho thương binh, anh cũng buồn lắm chứ! Nhưng... nhưng!... Thôi, sau này em sẽ hiểu”. Nhưng đâu ngờ em gái không còn cơ hội để hiểu nữa rồi! Hương Giang đã hy sinh trong một lần đột ấp.
Bị em gái mắng cho như thế là nặng lắm đó, xúc phạm đến nghề nghiệp mà! Nhưng tôi không giận em, ngược lại những câu nói mộc mạc của em cứ theo tôi mãi sau này trên bước đường tiếp tục nghề tuyên giáo trong thời bình, những lần đi báo cáo thời sự, chính trị, phổ biến, chỉ thị, nghị quyết tôi cứ sực nhớ lại câu nói của em: Nói cho ra môn ra khoai thì nói, nói cho ra gạo ra thóc thì nói! Không thì thôi.
Rồi lại nghĩ đến câu nói của Mác: “… nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”.
Tôi tự răn mình: Nói hay chưa đủ, mà phải nói giỏi mới thâm nhập được vào quần chúng.
Nói hay chỉ được tiếng vỗ tay vang dội của cả hội trường; những tay bắt, vỗ vai khen ngợi.
Nói giỏi là sau khi nói phải để lại cái gì đó trong lòng người nghe, để tự họ dấy lên niềm cảm xúc mà biến thành những hành động tích cực.
Tự hào nghề tuyên giáo là vậy!
Vui buồn nghề tuyên giáo là vậy!
VĨ HỒ