Những "bảo tàng" trong lòng dân

08:07, 15/07/2015

Về với mảnh đất Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) hôm nay, không chỉ có những công trình do Nhà Nước xây dựng để lưu giữ những tài liệu về Bác. Mà nơi này còn có những "bảo tàng" lưu giữ hình Bác trong lòng dân.

Về với mảnh đất Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) hôm nay, không chỉ có những công trình do Nhà Nước xây dựng để lưu giữ những tài liệu về Bác. Mà nơi này còn có những “bảo tàng” lưu giữ hình Bác trong lòng dân.
 
Lưu giữ những bức họa...
 
Đặt chân tới xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), không khó để hỏi thăm nhà ông Võ Đức Thuận (70 tuổi) - người vẽ hình Bác. Hai lần Bác Hồ về thăm quê, ông Thuận đều hòa vào dòng người để được nhìn thấy Người. Hình ảnh Bác về thăm quê gần gũi, thiêng liêng và những đóng góp hy sinh của vị Chủ tịch nước cho quê hương, cho dân tộc càng làm cậu bé Thuận ngày ấy thêm kính yêu, ngưỡng mộ Người.
 
Khi lớn lên, không chỉ gắn bó với đường binh nghiệp mà ông Thuận còn “bén duyên” với hội họa. Ông  tâm sự: “18 tuổi, tôi vẽ bức tranh đầu tiên là “Bác Hồ về thăm quê” trên giấy mòi (giấy bìa xi măng). Lúc đó tôi đang là chiến sĩ”. 
 
Theo năm tháng, trong những chủ đề mà ông Thuận vẽ, chủ đề về Bác Hồ vẫn chiếm số lượng nhiều nhất. Nhiều đến mức đủ để ông làm thành một phòng tranh trưng bày của riêng mình. Phòng tranh ấy đến nay đã gần 100 bức vẽ về Người. Một thước phim tư liệu, một tấm hình trên sách báo, mỗi câu chuyện kể về Bác Hồ đều khơi nguồn cảm hứng trong ông, để ông làm “giàu” hơn cho “tình yêu” của mình mỗi ngày.
 
Đối với hầu hết giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn Văn và Sử trên mảnh đất Quỳnh Lập “Mỗi bức tranh ông Thuận vẽ, như đã ghi lại những chặng đường mà Bác đã đi qua. Phòng tranh không chỉ là niềm vui của riêng ông Thuận, của con cháu ông học tập mà còn là điểm tham quan hấp dẫn và đầy ý nghĩa của học sinh các trường trên địa bàn và cả bà con nơi xóm nghèo Xứ Nghệ”.
 
Cụ Trần Mỹ Trâm giới thiệu với lớp trẻ về kho tài sản của mình
Cụ Trần Mỹ Trâm giới thiệu với lớp trẻ về kho tài sản của mình

Sưu tập ảnh Bác
 
Không là họa sỹ, nhưng trong ngôi nhà cụ giáo già Trần Mỹ Trâm ở Nam Sơn (thị trấn Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh) cũng trưng bày những bức ảnh Bác Hồ được đóng khung cẩn thận. Đã gần tuổi 80, nhưng cụ Trâm vẫn miệt mài sưu tầm những tấm ảnh về Bác Hồ.
 
Trong suốt 28 năm theo đuổi niềm đam mê của mình, giờ đây, cụ Trâm có trong tay gần 4.000 bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ cẩn thận chia số ảnh thành 5 cuốn album với những chủ đề khác nhau như: Chân dung Bác Hồ qua các năm; Những hình ảnh về hoạt động của Bác từ năm 1911 đến 1969; Bác còn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta; Gia thế Bác Hồ; Những di tích, tư liệu gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
 
Cụ kể, “Ở bất cứ đâu, chỉ cần thấy có sách báo, tạp chí cũ, hoặc nghe ai đó lưu giữ hình ảnh Bác Hồ là tôi đến làm quen rồi mượn photo hoặc mua lại. Cũng có khi không mượn được, tôi nhờ thợ ảnh đi chụp lại bức ảnh đó”. Bởi cụ Trâm nghĩ: “Nếu chúng ta không cố gắng lưu giữ thì nay mai thế hệ trẻ sẽ thiếu vắng nhưng bức ảnh tư liệu quý giá. Hơn nữa, cuộc đời mình không có cơ hội trực tiếp theo học Bác thì phải học tập Bác qua từng bức ảnh, từng mẩu chuyện”. Cũng bởi vậy mà khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, đã có rất nhiều đoàn thể, cá nhân trên địa bàn tìm đến nhà xin được xem, chụp, in sao ảnh để làm giáo án và tư liệu.
 
Không chỉ có ảnh, kho tư liệu của cụ còn có hơn 100 đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những sách ảnh về Bác mà cụ Trâm dày công góp nhặt đang nhiều lên từng ngày. Đó là “khối tài sản lớn nhất” cuộc đời tôi”, cụ Trâm nói.
 
Cũng giống như cụ Trâm, cụ Phan Bùi Tường (80 tuổi), số nhà 14, ngõ 40, đường Tôn Thất Thuyết, thành phố Vinh trước đây là một cán bộ kế toán trong ngành nông nghiệp. Ước mơ sưu tầm ảnh Bác được ông ấp ủ từ những ngày còn đang công tác. 
 
Với niềm đam mê, suốt 15 năm qua, ông rong ruổi trên mọi nẻo đường và đã sưu tầm được hơn 1.000 tấm hình về Bác. Tập ảnh ấy với nhiều kích thước khác nhau, có cả ảnh màu, ảnh lụa, ảnh trắng đen và cả những bức ảnh được photo hay scan lại… nhưng tất cả đều toát lên sống động chân dung Hồ Chí Minh - một con người vĩ đại. Nhìn tập ảnh có bìa được đóng cứng và dán gáy kỹ càng, những hình ảnh được bọc nilong cẩn thận, không hề cong mép giấy, có bức giấy đã ố màu nhưng vẫn vẹn nguyên hình Bác… tất cả đủ để thấy sự chăm chút, nâng niu, giữ gìn của chủ nhân. 
 
Những con người bình dị ấy như những bảo tàng lưu giữ những hình ảnh về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
Ngọc Ngà