Thứ 7, 26/04/2025, 07:40

Phong trào thể dục thể thao ở Trường Sa

10:07, 06/07/2015

Sau mỗi ngày làm việc, các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn và cầu lông là những "món ăn" tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

Sau mỗi ngày làm việc, các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn và cầu lông là những “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
 
Đây là lần đầu tiên tôi đến Trường Sa. Trên Tàu Trường Sa 571, tôi được tháp tùng Đoàn thân nhân đến thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại 18 đảo, điểm đảo thuộc khu vực phía Nam của quần đảo này. Thời gian được ở lại trên đảo rất ngắn, nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận về công việc và cuộc sống của những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Ở Trường Sa, dù đảo chìm hay đảo nổi, đảo lớn hay đảo nhỏ, các chiến sĩ luôn xem thể thao vừa là một niềm vui giải trí và cũng là một nhiệm vụ rèn luyện sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc. 
 
Các chiến sĩ trên Đảo Trường Sa Lớn chơi bóng chuyền
Các chiến sĩ trên Đảo Trường Sa Lớn chơi bóng chuyền

Tại các đảo nổi có diện tích lớn, như: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh hay An Bang thì cán bộ, chiến sĩ chơi được nhiều môn thể thao hơn. Đơn cử như ở Đảo Trường Sa Lớn, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động TDTT luôn được Ban Chỉ huy (BCH) đảo quan tâm. Trung tá Trịnh Xuân Đô, Chính trị viên phó, Bí thư Ban Chấp hành Liên Chi đoàn Đảo Trường Sa Lớn, cho biết: “Ngoài các bài tập thường xuyên trong quân ngũ như xà đơn, xà kép, cử tạ…, BCH đảo còn chú trọng, đầu tư và phát triển các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và bóng bàn. Hiện nay, trên đảo có 2 khu chơi bóng đá, 7 sân bóng chuyền, 10 sân cầu lông và 18 bàn bóng bàn. Như thường lệ, hàng ngày, đúng 16 giờ 30 phút là cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng tập trung để chơi thể thao. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn, chúng tôi thường tổ chức các giải thi đấu để giúp cán bộ, chiến sĩ giao lưu, học hỏi…”.
 
Theo như tâm sự của những cán bộ, chiến sĩ ở Đảo Trường Sa Lớn, TDTT không chỉ giúp họ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân ở đất liền để yên tâm công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trung úy Đậu Hồng Quân, Phân Đội trưởng Đảo Trường Sa Lớn, chia sẻ: “Như anh đã biết đấy, bộ đội chúng tôi đa năng lắm, hầu hết đều biết chơi tất cả các môn thể thao có trên đảo. Ở đây cũng giống như đất liền, bóng đá luôn là môn thể thao số 1 và thu hút anh em chiến sĩ trên đảo tham gia nhiều nhất. Không được chơi bóng trên sân đất hay sân cỏ, các trận đấu bóng ở đảo diễn ra trên mặt sân bê tông nhưng không kém phần hào hứng”. Còn chiến sĩ Lại Thái Tài (Cụm chiến đấu 2, Đảo Trường Sa Lớn) phấn khởi: “Thời gian em tham gia lính đảo ở Trường Sa đã được 6 tháng. Ở đây, bọn em chơi bóng đá, bóng chuyền thường chia thành từng đội. Đội nào thua, bị hít đất 5 cái/ 1 hiệp. Riêng bản thân em thường chơi 2 môn là bóng đá và bóng chuyền. Đối với bóng đá, các cầu thủ thường chia thành 2 đội: Đội mặc áo và đội ở trần. Cầu thủ người mang giày, người chân đất và khung thành chỉ đơn giản bằng chiếc dép hoặc viên đá là vui lắm rồi!”.
 
Ngoài bóng đá hay bóng chuyền, môn bóng bàn cũng là sự lựa chọn của khá nhiều cán bộ, chiến sĩ. Riêng tại các đảo chìm như Đá Lát, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Đá Đông hay Tốc Tan… thì bóng bàn là môn thể thao chủ đạo. Trung úy Vũ Quang Huy, công tác tại Đảo Thuyền Chài A, tâm sự: “Vì là đảo chìm, nên không có đủ không gian để chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền… như ở đảo nổi. Hiện, trên đảo có 1 bàn bóng bàn để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập, vui chơi hàng ngày. Ở đây, tất cả anh em chiến sĩ đều biết đánh bóng bàn. Nhưng vì người đông, nên chúng tôi phải chia thời gian để ai cũng có thể tập luyện”. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Đắc, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Tây: “Cũng như các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, việc tập luyện nâng cao thể lực cho các chiến sĩ luôn được chúng tôi chú trọng. Anh em chúng tôi luôn hăng say và tranh thủ thời gian để tập luyện TDTT”.
 
KHÁNH PHÚC