Tiến tới đại học trọng điểm của Tây Nguyên

09:07, 13/07/2015

"Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) thành đại học đa ngành, đào tạo chất lượng cao, một số ngành có trình độ đào tạo khu vực; trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Nguyên và cả nước, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực. Đó là mục tiêu của ĐHĐL phấn đấu xây dựng thành trường đại học trọng điểm ở vùng Tây Nguyên trong thời gian tới"

“Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) thành đại học đa ngành, đào tạo chất lượng cao, một số ngành có trình độ đào tạo khu vực; trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Nguyên và cả nước, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực. Đó là mục tiêu của ĐHĐL phấn đấu xây dựng thành trường đại học trọng điểm ở vùng Tây Nguyên trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHĐL khẳng định.
 
Để chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao và đi vào chiều sâu, Trường ĐHĐL đang từng bước thực hiện đề án đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, thi và đánh giá theo hướng có sử dụng M - book (giáo trình điện tử) và áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến cho các ngành đào tạo mũi nhọn, tiến tới triển khai cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Những năm qua, hơn 90% sinh viên nhà trường có kết quả rèn luyện đạt từ khá trở lên. Hàng năm, trường đều tổ chức “Mùa thi nghiêm túc” nên các kỳ thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và quy định của trường.
 
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hàng năm của Trường ĐHĐL luôn cao, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hàng năm của Trường ĐHĐL luôn cao, cung cấp nguồn lao động
chất lượng cao cho xã hội

Trong 5 năm (2010 - 2015), tổng số sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy hơn 13.000 sinh viên. Trong đó, tốt nghiệp hệ cao đẳng hơn 1.200, đại học liên thông 651, đại học hơn 11.200. Bậc cao học đào tạo được hơn 493 tiến sĩ, bậc tiến sĩ đã có 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án. Chất lượng đào tạo các bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngày càng được nâng lên. Bên cạnh việc duy trì 1 ngành bậc tiến sĩ và 7 ngành cao học, trường đã khởi động các đề án mở thêm 4 ngành đào tạo tiến sĩ nhằm nâng cao tầm vóc và uy tín của một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, cung cấp nguồn cán bộ trình độ cao cho Tây Nguyên và vùng phụ cận.
 
Năm học 2015 - 2016, Trường ĐHĐL tuyển 3.300 chỉ tiêu, trong đó, đại học chính quy 3.000 chỉ tiêu (150 chỉ tiêu đại học sư phạm), cao đẳng 300 chỉ tiêu hệ chính quy. Các ngành đào tạo liên thông từ cao đẳng chính quy lên đại học gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, Công nghệ sau thu hoạch, Kế toán, với thời gian đào tạo 1,5 năm và cấp bằng đại học chính quy. Tuyển sinh trong phạm vi cả nước, dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015, xét tổng điểm 3 môn theo khối, không có môn thi chính, không nhân hệ số, điểm trúng tuyển theo ngành. Thí sinh được hưởng ưu tiên theo khu vực và đối tượng theo chế độ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐHĐL luôn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ. Mục tiêu chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ công chức của trường là phát triển đội ngũ giảng viên trẻ, ưu tiên tuyển dụng giảng viên cho các ngành học mới và chuẩn bị cán bộ cho các giai đoạn tiếp theo. Trong 5 năm qua, nhà trường có 37 giảng viên được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ (nước ngoài 4, trong nước 33) và 87 giảng viên được cử đi đào tạo tiến sĩ (nước ngoài 42, trong nước 45). Tổng số cán bộ công chức, viên chức và người lao động của trường hiện nay là 506 người, trong đó có 9 phó giáo sư, 43 tiến sĩ, 251 thạc sĩ và 164 đại học.
 
Hiện nay, trường có 44 ngành đào tạo, thuộc các khối ngành Khoa học tự nhiên - Công nghệ, Xã hội - Nhân văn, Kinh tế và Sư phạm, bao gồm các trình độ: cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ. Từ năm 2012, nhà trường được Chính phủ giao trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình phát triển năng lượng nguyên tử và điện tử hạt nhân. Trong dịp đến thăm Trường ĐHĐL, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng nhấn mạnh: “Trường ĐHĐL chú trọng đào tạo theo hướng đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và là trung tâm nghiên cứu xã hội nhân văn mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên, có năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập”.
 
Tiến tới trở thành đại học trọng điểm ở khu vực Tây Nguyên, ĐHĐL đã và đang xây dựng nhà trường thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhân tài, bằng chứng là chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường luôn đạt tỷ lệ cao (trên 80%), chỉ tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước (năm học 2014 - 2015 tuyển 3.000 chỉ tiêu, năm học 2015 - 2016 tuyển 3.300 chỉ tiêu). Nhà trường cũng luôn chú trọng xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, là trung tâm nghiên cứu hiệu quả đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện của ngành GD&ĐT đề ra.
 
Tuấn Hương