Thứ 7, 26/04/2025, 05:19

Vinh dự một lần được chụp hình chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng

09:07, 08/07/2015

"Mỗi lần nhìn tấm hình được chụp chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1977, tôi lại thấy vui, tự hào nhưng cũng xen lẫn cả nỗi nhớ đồng đội trong những ngày gian khổ", Trung tá Phạm Quang Ý - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, tâm sự.

“Mỗi lần nhìn tấm hình được chụp chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1977, tôi lại thấy vui, tự hào nhưng cũng xen lẫn cả nỗi nhớ đồng đội trong những ngày gian khổ”, Trung tá Phạm Quang Ý - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, tâm sự.
 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm với Trung úy Phạm Quang Ý (giữa) và các cá nhân tiêu biểu về dự Hội nghị Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn quốc lần đầu tiên (chụp lại ảnh tư liệu).
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm với Trung úy Phạm Quang Ý (giữa) và các cá nhân tiêu biểu về dự Hội nghị Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn quốc lần đầu tiên (chụp lại ảnh tư liệu).
 
Đại đội 2 xây dựng buôn K’ Long tươi đẹp
 
Trung tá Phạm Quang Ý ngày ấy còn mang quân hàm trung úy, là chính trị viên đại đội 2. Ngày mồng 1 Tết năm 1976,  Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều Đại đội 2, thuộc Tiểu đoàn 186 đóng chân tại buôn K’Long (vùng Đầm Ròn, huyện Lạc Dương (cũ)). Buôn nằm lọt giữa núi rừng hiểm trở bị Mỹ - Ngụy xâm chiếm lâu năm, nhân dân năm nào cũng đói. Trước khi đi, chỉ huy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh căn dặn: “Đại đội 2 lên đóng chân ở buôn K’ Long có nhiều khó khăn lắm đấy. Ở đó, bà con dân tộc đông, lại xa tỉnh, xa tiểu đoàn. Đơn vị phải làm công tác dân vận cho giỏi, phải phát động được quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng các đoàn thể, chính quyền, dân quân du kích. Tập trung trừng trị bọn phản động ngoan cố, bảo vệ và tổ chức cho nhân dân làm ăn. Làm được như thế là các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ”.
 
Trung tá Ý, kể: “Bà con ở đó chủ yếu là dân tộc K’Ho, lúc mới gặp bộ đội hỏi gì bà con cũng bảo “ơ ghít” (không biết). Lúc đó chỉ huy đại đội nhận định: “Trước hết, bộ đội phải bằng việc làm cụ thể mới thuyết phục đồng bào nhanh hơn”. Bộ đội đã “xắn tay áo” quét rác, hun muỗi, khai thông cống rãnh, quét dọn nhà ở, cắt tóc cho trẻ em khám bệnh, cấp thuốc cho bà con bị ốm đau… Từ đấy đã có một vài bà con nói chuyện bằng tiếng Kinh. Dân và bộ đội dần gần gũi với nhau hơn. Trong buôn K’Long ngày ấy có 159 ngụy quân, ngụy quyền đang cải tạo tại chỗ. Bộ đội cùng họ làm đường, làm hội trường, trồng 3.000 gốc sắn, số này khi thu hoạch đem chia cho bà con. Bộ đội dạy chữ, dạy bà con cách trồng lúa nước để đủ ăn. Thấy một số thanh niên trong buôn biết tiếng Kinh, bộ đội tiếp xúc với thanh niên bắt đầu từ các hoạt động thể thao, văn nghệ. Bộ đội dạy bà con hát bài: Em là hoa Pơ Lang, Bóng cây cơ nia…rồi giải thích nội dung bài hát, gương những cô gái Tây Nguyên làm cách mạng, nói về Đảng, kể chuyện Bác Hồ. “Chúng tôi đã đến với dân bằng văn hóa văn nghệ cách mạng và rồi từ đó chúng tôi đã làm được những việc khác. Nhưng trên hết vẫn là tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ Đại đội 2, luôn mong bà con có cuộc sống mới tươi đẹp”, Trung tá Phạm Quang Ý, khẳng định.
 
Với những thành tích ấy, Đại đội 2 đã được mời cử đại diện đi báo cáo thành tích tại Hội nghị Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn quốc lần đầu tiên. Trong Hội nghị này, Đại đội 2 là đơn vị duy nhất không thuộc ngành văn hóa, nhưng đã xây dựng nền nếp hoạt động văn hóa văn nghệ tốt nhất trong đồng bào miền núi, nên cũng là đơn vị duy nhất được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó trao tặng phần thưởng cao nhất của Bộ.
 
Kỷ niệm không quên
 
Ngày ấy, theo đề nghị của Thiếu tướng Đoàn Khuê - Ủy viên BCHTW Đảng ( khóa IV) - Tư lệnh kiêm chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu V, chính trị viên Phạm Quang Ý được cử đi báo cáo điển hình về thành tích của đơn vị thực hiện được tại buôn  K’Long. Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thiếu tướng Trần Độ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu Trung úy Phạm Quang Ý, chị Nguyễn Thị Tươi (Trưởng Phòng Văn hóa huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa) và chị Ma Hơ Lăng (Trưởng Ban văn hóa xã Nam, tỉnh Gia Lai - Kon Tum) cùng lên trước khán đài hội nghị để chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 
 
Trung tá Phạm Quang Ý bồi hồi nhớ lại “Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong bữa cơm tối với Thủ Tướng tại cơ quan của Chính phủ, Thủ tướng chỉ vào tôi và nói với đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị “Đơn vị của cậu Chính trị viên đại đội này là đơn vị đã biết làm văn hóa rất hiệu quả. Tổng cục Chính trị nên bàn với Quân khu V nhân rộng việc làm này để lực lượng vũ trang Quân khu V và các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt hơn công tác dân vận vùng dân tộc và công tác phát động quần chúng, giải quyết Fulro có vũ trang ở Tây Nguyên”. Nói xong, Thủ tướng quay sang tôi cười rất tươi và nói: “Cháu là bộ đội, là người khu IV, là người Kinh, nhưng lại là sỹ quan chính trị của đơn vị vũ trang địa phương công tác ở Tây Nguyên. Sống với bà con dân tộc thiểu số cháu phải nhớ, người Tây Nguyên tuy còn nghèo nhưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên vĩ đại lắm. Về đơn vị, cháu cố gắng cùng quân và dân địa phương đẩy mạnh cả kinh tế, văn hóa, cả quốc phòng - an ninh để bà con dân tộc Tây Nguyên sớm vượt qua khó khăn, có cuộc sống yên vui, ấm no, hạnh phúc””.
 
Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng chuyến công tác Hà Nội năm ấy vẫn là kỷ niệm không thể nào quên của người cựu binh già. Mỗi lần nhìn bức hình, nhất là những dịp cả nước tri ân những người lính như 30/4, 27/7, ông lại nhớ về đồng đội, nhớ về những ngày chiến đấu gian khổ và cả những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng xây dựng cuộc sống với bà con.
 
NGỌC NGÀ