Đà Lạt: Mở rộng mô hình trường học mới trong bậc tiểu học

09:08, 24/08/2015

Sau 3 năm thí điểm và mở rộng từng bước, niên khóa 2015-2016, tất cả các trường tiểu học tại thành phố Đà Lạt sẽ áp dụng từng phần hoặc toàn bộ các khối lớp theo mô hình trường học mới (VNEN).

Sau 3 năm thí điểm và mở rộng từng bước, niên khóa 2015-2016, tất cả các trường tiểu học tại thành phố Đà Lạt sẽ áp dụng từng phần hoặc toàn bộ các khối lớp theo mô hình trường học mới (VNEN).
 
Học theo mô hình trường học mới tại Tiểu học Đa Thành - Đà Lạt
Học theo mô hình trường học mới tại Tiểu học Đa Thành - Đà Lạt

Triển khai toàn bộ các trường bậc tiểu học
 
Đà Lạt bắt đầu thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) trong cấp tiểu học tại Tiểu học Đa Thành trong năm học 2012-2013. Nằm tại phường 7 (Đà Lạt), Tiểu học Đa Thành có khoảng 800 học sinh theo học hằng năm trong các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5, trường có chất lượng giáo dục khá tốt, đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm 2012. Trong năm đầu tiên, Tiểu học Đa Thành thực hiện thí điểm tại 2 khối lớp 2 và 3, mỗi khối 3 lớp; trong năm tiếp theo có thêm khối 4 và trong năm học 2014- 2015 vừa qua trường có tổng cộng 18 lớp với 730 học sinh từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 thực hiện chương trình VNEN. Trong năm học này, theo Ban Giám hiệu Tiểu học Đa Thành, trường sẽ tiếp tục có toàn bộ 18 lớp từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 dạy theo mô hình trường học mới, chỉ duy nhất khối lớp 1 là không thực hiện “vì học sinh còn nhỏ quá”. Tuy nhiên, nhà trường đã áp dụng chương trình công nghệ giáo dục cho toàn bộ khối lớp 1 này.
 
Sau Tiểu học Đa Thành, năm học 2013-2014, Phòng Giáo dục Đà Lạt tiếp tục mở rộng mô hình VNEN tại 5  trường tiểu học khác trên địa bàn gồm Lê Quý Đôn, Nam Hồ, Trại Mát, Đa Lợi và Cửu Long; các trường này cũng tập trung cho hai khối (2 và 3), mỗi khối 3 lớp. Năm học 2014-2014, đã có thêm 17 trường tiểu học nữa trong tổng số 22 trường tiểu học còn lại áp dụng VNEN, nâng tổng số trường thực hiện mô hình trường học mới trên địa bàn Đà  Lạt lên 23 trong tổng số 28 trường tiểu học. Trong năm học 2015-2016 này, 5 trường còn lại gồm Lý Thường Kiệt, Phan Thư Thạch, Mê Linh, Đoàn Kết, Nam Thành sẽ thực hiện mô hình trường học mới tại trường của mình. 
 
“Chúng tôi từng bước đã theo đúng lộ trình đề ra với 100% trường tiểu học tham gia chương trình và tiến đến 100% học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 thực hiện mô hình trường học mới toàn phần hay theo một số phần theo chỉ đạo chung của ngành” - ông Nguyễn Đức Vượng, cán bộ phụ trách tiểu học Phòng GD Đà Lạt cho biết.
 
Những thay đổi tích cực
 
Mặc dù có không ít những ý kiến trái chiều hiện nay của nhiều bậc phụ huynh có con em đang học tại các lớp VNEN nhưng hầu hết các thầy, cô giáo, ban giám hiệu, cán bộ quản lý tại Đà Lạt khi được hỏi đều đánh giá rất cao mô hình này. 
 
Theo cô giáo Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Tiểu học Đa Thành, rất nhiều điều tích cực được rút ra sau 3 năm học khi triển khai mô hình này tại trường. Trước nhất, theo cô Oanh, đó là tài liệu của các lớp VNEN là 3 trong 1, nghĩa là cho giáo viên, cho học sinh và cho cả phụ huynh cùng sử dụng khi cần để hướng dẫn cho con em mình, tất cả đều rất rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện, dễ nhớ, đáp ứng đủ chuẩn kiến thức kỹ năng. Do tài liệu có hướng dẫn nên các bài học thực hành theo nhóm khá dễ dàng cho học sinh sinh hoạt nhóm, chia sẻ ý kiến, cùng nhau học tập. Về phía giáo viên đứng lớp, đến nay cũng quen với cách dạy mới, trường luôn nhắc giáo viên phát huy tốt vai trò tự quản của học sinh. “VNEN hoàn toàn phù hợp với học sinh, nhẹ nhàng hơn trong nhận xét đánh giá, không tạo áp lực về mặt học tập cho học sinh lẫn cho cả gia đình, cách đánh giá mới giúp các em biết hạn chế những thiếu sót, khuyến khích phát huy những ưu điểm cá nhân” - cô Oanh nhận xét. Với những ý kiến trái chiều về VNEN, theo cô Oanh, trong 3 năm áp dụng VNEN tại trường, do làm tốt công tác tuyên truyền nên phụ huynh đã dần hiểu và ủng hộ mô hình trường học mới này. “Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Nhà trường tổ chức nhiều cuộc họp phụ huynh trong năm để lắng nghe và giải thích, cho phụ huynh tham khảo tài liệu, mời phụ huynh đến dự các giờ học của con tại trường để tạo sự an tâm”.
 
Còn theo cô giáo Lê Thị Gái, Hiệu trưởng Tiểu học Nam Hồ, trường đã áp dụng mô hình này trong 2 năm học vừa qua cũng đánh giá rằng, VNEN đang tạo ra một sự chuyển biến lớn trong cấp tiểu học. “Chuyển từ đánh giá bằng điểm sang đánh giá bằng nhận xét rất cụ thể, sát với các em nên đã phần nào tránh được việc chạy theo điểm để dạy thêm học thêm; giảm tải, học sinh thoải mái hơn, biết cách tự học, mạnh dạn nêu ý kiến cá nhân của mình”. Trường Nam Hồ cũng tổ chức nhiều cuộc họp để giải thích, vận động phụ huynh hiểu và cùng chung tay với trường trong việc dạy dỗ, nên mọi việc đến nay theo cô Gái, tiến triển rất tốt.
 
Theo ông Nguyễn Đức Vượng (Phòng GD Đà Lạt), mô hình trường học mới với nhiều điểm tiến bộ hướng dẫn cho học sinh biết tự chủ, tự lực, chủ động tham gia các hoạt động học tập của chính mình và của cả lớp, biết cách chung sống và sống chung; nội dung dạy học được giảm nhẹ nhưng đòi hỏi phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh; cách thức tổ chức dạy học cũng phát triển được khả năng hợp tác, làm việc nhóm; môi trường học tập được xây dựng nhằm giúp học sinh có điều kiện tương tác, trao đổi và làm giàu thêm các ý tưởng sáng tạo. Do chương trình VNEN kế thừa từ chương trình hiện hành nên việc tập huấn cán bộ, giáo viên theo ông cũng không tốn quá nhiều thời gian, kinh phí, công sức mà vẫn đạt hiệu quả cao; khả năng đáp ứng, tiếp nhận VNEN với cách thức học mới của học sinh tiểu học Đà Lạt rất tốt. 
 
Chính vì vậy, theo ông Vượng Phòng GD Đà Lạt lâu nay đã làm tốt việc nhân rộng mô hình trường học mới tại Đà Lạt trong cấp tiểu học, thành lập tổ tư vấn VNEN tại Phòng; xây dựng chuyên đề, tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm nhằm phát huy tốt hơn nữa tính ưu việt của chương trình này trong thời gian đến.
 
Viết Trọng