Xã hội hóa hoạt động công chứng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ: "Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này"...
Xã hội hóa hoạt động công chứng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ: “Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”. Đối với Lâm Đồng, sau gần 10 năm thực hiện, xã hội hóa hoạt động công chứng được đánh giá là chủ trương đúng đắn.
|
Các Văn phòng công chứng đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hoạt động giao dịch dân sự. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Văn phòng công chứng Minh Tâm |
Qua gần 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng tổ chức hành nghề công chứng, số công chứng viên, số việc công chứng và số phí công chứng thu được tăng theo từng năm. Từ năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định cho phép thành lập hai Văn phòng công chứng Minh Tâm và Âu Lạc là hai Văn phòng công chứng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 23 tổ chức hành nghề công chứng, với 51 công chứng viên; trong đó, có 5 Phòng công chứng và 18 Văn phòng công chứng, bảo đảm 100% huyện, thành phố trong tỉnh có tổ chức hành nghề công chứng. Số vụ việc và số phí thu được cũng không ngừng tăng. Năm 2014, tổng số việc công chứng là 97.825 việc, với tổng số phí công chứng thu được trên 21,5 tỷ đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước trên 4,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số việc của các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện là 48.085 việc, với tổng số phí thu được trên 14,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 2,6 tỷ đồng; trong đó, các tổ chức hành nghề công chứng xã hội hóa (Văn phòng công chứng) thực hiện được chiếm trên 80% số vụ việc.
Việc cho phép thành lập các Văn phòng công chứng (thay vì thành lập thêm các Phòng công chứng) góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách Nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách của các địa phương, giải quyết công việc cho nhiều người lao động, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên. |
Từ ngày 1/5/2015, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành. Nghị định được ban hành với mục tiêu tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan hoạt động công chứng theo lộ trình quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng về chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương này. Sau khi có Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, Sở Tư pháp đã xây dựng đề án chuyển đổi một số Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng. Và đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có văn bản nhất trí cho chuyển đổi Phòng công chứng số 2 thành Văn phòng công chứng. Điều này khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã đi vào cuộc sống và đang được đẩy nhanh tiến độ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đánh giá về kết quả xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Sau gần 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhất là sau khi có Luật Công chứng năm 2006, hoạt động công chứng trên địa bàn đã đi vào cuộc sống và phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hoạt động giao dịch dân sự và kinh tế. Việc phát triển mới các Văn phòng công chứng đã hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Nhà nước, đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ công chứng viên, nhất là số mới được bổ nhiệm còn thiếu kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng. Mặt khác, nhận thức của một số cơ quan, chính quyền cơ sở và một bộ phận nhân dân về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ về tầm quan trọng và lợi ích của công chứng đối với việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch...
Để công tác xã hội hóa hoạt động công chứng đạt kết quả cao cần thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Công chứng năm 2014, đặc biệt là những quy định về tiêu chuẩn, bổ nhiệm công chứng viên… Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng. Thực tiễn đã chứng minh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cần thực hiện theo lộ trình phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của người dân khi thực hiện dịch vụ.
TỨ KIÊN