Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, gắn với khai thác hiệu quả

04:08, 28/08/2015

(LĐ online) - Hòa trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, dịp này ngành Giao thông vận tải Việt Nam cũng kỷ niệm ngày truyền thống 70 năm thành lập (28/8/1945-28/8/2015), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Hữu Hiệp – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng về những thành tựu của ngành xuyên suốt chặng đường đã qua.  

(LĐ online) - Hòa trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, dịp này ngành Giao thông vận tải Việt Nam cũng kỷ niệm ngày truyền thống 70 năm thành lập (28/8/1945-28/8/2015), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Hữu Hiệp – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng về những thành tựu của ngành xuyên suốt chặng đường đã qua.  
 
PV: Cách đây 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính (ngày 28/8/1945). Vậy, trải qua 70 năm hình thành và phát triển, đâu là những mốc son của ngành gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, thưa ông? 
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp
Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp
Giám đốc Trương Hữu Hiệp: Có thể khẳng định rằng, trong quá trình hình thành, phát triển, trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động ngành Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam, cũng như tỉnh Lâm Đồng đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”, để từ đó luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Những mốc son hào hùng đáng nhớ góp phần vào thành công vang dội của cách mạng Việt Nam phải kể đến công cuộc mở đường phục vụ các chiến dịch tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Đường mòn Hồ Chí Minh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” huyền thoại hay tuyến đường vận tải trên biển với “những đoàn tàu không số” - đường Hồ Chí Minh trên biển lịch sử… đã hòa cùng với non sông đất nước tạo nên phong trào “Tất cả vì miền Nam thân yêu” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Sự tàn phá của chiến tranh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc đặt ra yêu cầu ngành phải khôi phục và phát triển toàn diện GTVT trên phạm vi cả nước. Tiếp nối truyền thống của ngành, năm 2015, thông điệp của ngành GTVT là “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”. Kết quả trong giai đoạn này, đặc biệt là những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã phát triển vượt bậc, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân.
 
PV: Quá trình tiếp nhận và phát triển hệ thống giao thông của Lâm Đồng ra sao, thưa ông?
 
Giám đốc Trương Hữu Hiệp: Đối với ngành GTVT tỉnh Lâm Đồng, sau khi sát nhập 3 đơn vị vào năm 1982 gồm: Ty Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức và Đà Lạt và đổi tên thành Sở GTVT Lâm Đồng như hiện nay đã có bước phát triển nhanh chóng. Với đặc điểm của Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Nam Tây Nguyên, kể từ khi tiếp nhận, mạng lưới giao thông còn rất đơn sơ, toàn tỉnh chỉ có 2 tuyến giao thông huyết mạch là Quốc lộ 20 nối với thành phố Hồ Chí Minh và Quốc lộ 27 nối với tỉnh Ninh Thuận, nên bị hạn chế trong giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng lân cận và cả nước. Thực hiện chủ trương và những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra, ngành GTVT Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng, huy động và phát huy nhiều nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển ngành. Đến nay, hệ thống giao thông tỉnh Lâm Đồng có nhiều loại hình giao thông như: đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa. Do có những hạn chế về địa hình và kết cấu hạ tầng nên vận tải đường bộ phát triển nhanh, là phương thức vận tải chủ đạo; bên cạnh đó đường hàng không cũng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Các phương thức vận tải khác như đường thủy, đường sắt chỉ đóng vai trò hỗ trợ và đối tượng phục vụ chưa phổ biến. 
 
PV: Cụ thể hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội của Lâm Đồng hiện nay ra sao?
 
Giám đốc Trương Hữu Hiệp: Việc phát triển giao thông đối ngoại từng bước đã phá vỡ thế cô lập với các khu vực, tạo điều kiện giao thương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đến nay, đã hoàn thành đầu tư đoạn cao tốc Liên Khương đến chân đèo Prenn gồm 4 làn xe, dài 19,2km. Hiện đang nâng cấp Quốc lộ 20 theo tiêu chuẩn đường cấp III với chiều dài trên địa phận Lâm Đồng 192,4km và dự kiến hoàn thành vào năm 2016; khôi phục, nâng cấp Quốc lộ 27 dài 123,5km và Quốc lộ 28 dài 96,6km. Thông tuyến đường Quốc lộ 28B dài 17km, xây dựng tuyến đường Quốc lộ 55 dài 24km. Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ khác trên địa bàn tỉnh đều được duy tu, bảo trì đảm bảo giao thông thông suốt. Hệ thống đường tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Hiện nay trên địa bàn Lâm Đồng có 4 tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.722, ĐT.723 và ĐT.725 với tổng chiều dài 394,7km đã được đầu tư nâng cấp nhựa, bê tông hóa trên 90%, dự kiến đến năm 2016 đạt 100%. Hệ thống đường đô thị với tổng chiều dài khoảng 500km đã được nâng cấp, thảm bê tông nhựa, xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước và từng bước trồng cây che bóng, đáp ứng tiêu chí giao thông của cấp đô thị. Riêng mạng lưới đường giao thông nông thôn với chiều dài  khoảng 6.546km thì có đến 4.185km được cứng hóa, đạt tỉ lệ 64%, trong đó các đường đến trung tâm các xã đều đã được cứng hóa và đảm bảo lưu thông cả hai mùa mưa, nắng. Thực hiện Chương trình nông thôn mới, đến nay đã có 55/118 xã xây dựng đạt tiêu chí giao thông nông thôn. Đặc biệt, Sân bay Liên Khương đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn của ICAO cho sân bay dân dụng cấp 4D với công suất thiết kế 1,5-2 triệu hành khách/năm, có thể đảm bảo phục vụ hơn 800 hành khách/giờ cao điểm và đang khai thác bình quân 16-20 chuyến bay/ngày đi - đến TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh và Huế.
 
Đường cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2020. Trong ảnh đoạn Liên Khương - Đà Lạt
Đường cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2020.
Trong ảnh đoạn Liên Khương - Đà Lạt

PV: Để khai thác hạ tầng giao thông hiệu quả, cần thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực và quản lý tốt hoạt động vận tải, phương tiện và người lái cũng như đảm bảo an toàn giao thông, điều này được ngành thực hiện như thế nào, thưa ông?
 
Giám đốc Trương Hữu Hiệp: Hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có tuyến vận tải khách liên tỉnh, có nhiều tuyến liên tỉnh xuất phát ở nhiều nơi trên địa bàn Lâm Đồng. Toàn tỉnh hiện có 152 tuyến liên tỉnh đi đến 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và 16 tuyến nội tỉnh. Có 8 tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt với khoảng 66 phương tiện. Dịch vụ xe taxi đang phát triển rất nhanh với khoảng 1.000 xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch và dân cư. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 10 bến xe được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, trong đó, có 8 bến xe được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với giá trị đầu tư khoảng 160 tỷ từ các thành phần kinh tế. Ngoài ra tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe mô tô và 6 trung tâm đào tạo lái xe ôtô với lưu lượng 2.200 học viên và 2 trung tâm sát hạch lái xe ôtô đáp ứng được nhu cầu đào tạo sát hạch lái xe cùng với việc đăng kiểm xe cơ giới cũng đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông tỉnh, ngành GTVT đã thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu “3 giảm” về TNGT mà Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng đề ra. Đó là giảm về số vụ tai nạn, giảm số người chết và giảm số người bị thương hàng năm từ 5% trở lên. Để làm được điều này, ngành đã tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo giao thông thông suốt, xóa bỏ các “điểm đen” về TNGT; kiểm soát, quản lý chặt chẽ vận tải phương tiện và người lái; tăng cường chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe … 
 
PV: Ông có thể cho biết những định hướng chính phát triển GTVT trung và dài hạn của Lâm Đồng?
 
Giám đốc Trương Hữu Hiệp: Trong những năm tới, Lâm Đồng xác định phát triển hệ thống GTVT mà trọng tâm là đường bộ và hàng không là chủ yếu và đi trước một bước để phát triển các ngành kinh tế khác, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó, cần triển khai mạnh mẽ và quyết liệt các dự án trọng điểm ngành GTVT như: Tích cực xúc tiến đầu tư, phấn đấu khởi công và hoàn thành Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong giai đoạn 2016-2020 với chiều dài 200,3km, tổng mức đầu tư 65.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 37.000 tỷ đồng. Đầu tư nâng cấp đạt cấp đường theo quy hoạch các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn trung hạn 2016-2020. Hoàn thiện nâng cấp hệ thống giao thông đô thị đạt tiêu chí giao thông của các đô thị lớn bao gồm thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, thị xã Liên Nghĩa, trung tâm các huyện lỵ; triển khai sâu rộng phong trào xây dựng giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng chương trình nông thôn mới. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hệ thống bến xe theo quy hoạch, hệ thống cơ sở đào tạo sát hạch lái xe, dây chuyền kiểm định xe cơ giới. Xúc tiến đầu tư tuyến xe buýt, taxi, hệ thống Monoral, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp hợp tác xã tham gia phát triển các sản phẩm dịch vụ vận tải, các phương tiện thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch và nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp để kiềm chế, giảm tai nạn giao thông cả 3 mặt, tập trung thực hiện kế hoạch về thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh. Muốn thực hiện được mục tiêu trên, ngành GTVT cần phấn đấu nỗ lực, năng động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, tích cực cải cách hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành. 
 
Với những thành tựu đạt được như trên, ngành GTVT Lâm Đồng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2013), năm 2014, Sở là 1 trong 2 đơn vị của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, từ năm 2011 đến năm 2014 liên tục được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT, từ năm 2008 đến 2015, liên tục được UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen.
 
Xin trân trọng cám ơn ông. 
 
HỒ XUÂN TRUNG thực hiện