Trong những năm qua, ngành Tư pháp huyện Đức Trọng là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh làm tốt công tác hòa giải cơ sở; góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong những năm qua, ngành Tư pháp huyện Đức Trọng là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh làm tốt công tác hòa giải cơ sở; góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
Đức Trọng hiện có 195 tổ hòa giải ở 165 thôn, tổ dân phố. Người dân Đức Trọng kể rằng, mỗi khi xóm làng có “chuyện”, các hòa giải viên (HGV) là những người đầu tiên có mặt. Họ ngăn cản những va chạm có thể xảy ra và tìm hiểu nguyên nhân, thảo luận và phân công gặp gỡ, để tiến hành hòa giải.
Anh Kră Jăn Ha Song - Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn R’Chai II, xã Phú Hội, kể: “Năm 2014, vợ chồng anh Sơ Ao Ha Điệp (40 tuổi) và chị Ka San (35 tuổi) xảy ra mâu thuẫn. Sau nhiều lần cãi vã, xô xát, hai vợ chồng đòi ly dị. Tổ hòa giải thôn R’Chai II đã phân công nhau, đàn ông thuyết phục Ha Điệp, phụ nữ thuyết phục Ka San để họ nhận ra cái sai của mình. Ngoài việc tập trung nói về phong tục tập quán của đồng bào, các HGV còn sử dụng nhiều kiến thức pháp luật để thuyết phục vợ chồng anh Ha Điệp hiểu và quay về sống hòa thuận với nhau, cùng chăm lo con cái”. Với địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống như Đức Trọng, vị trí của các HGV và công tác hòa giải ở cơ sở vô cùng quan trọng, đó là một trong những yếu tố góp phần ổn định tâm lý, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Cũng như anh Ha Song, chị Nguyễn Thị Hường - HGV tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, người từng đạt giải HGV xuất sắc nhất của tỉnh, giải nhất hội thi HGV toàn quốc, cũng đã bao lần giúp những gia đình đứng bên bờ vực tan vỡ trở về đoàn tụ, giúp mối quan hệ xóm làng thêm an vui. Bởi với chị “hạnh phúc và mong muốn của những HGV chính là đem lại niềm vui, sự hòa thuận cho những gia đình, cho tình làng nghĩa xóm”.
Mỗi khi làm công tác hòa giải, bên cạnh dùng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa, có những trường hợp phải dùng đến pháp luật. Nhờ sự hoạt động tích cực của đội ngũ HGV cơ sở nên nhiều năm qua, các vụ việc ở Đức Trọng đã được giải quyết ổn thỏa. Cụ thể như năm 2014, các HGV tại Đức Trọng đã hòa giải thành công 255/342 vụ việc mâu thuẫn, đạt tỷ lệ trên 74%; 6 tháng đầu năm 2015, có 119/146 vụ việc đã được hòa giải thành công, đạt tỷ lệ trên 81%. Đội ngũ HGV tại Đức Trọng thực sự là “nhịp cầu” nối những bờ vui của bà con nơi này.
Anh Nguyễn Đình Phi - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đức Trọng, nhận định: “Hòa giải cơ sở đã thực sự là sức mạnh “vô hình”, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp và góp phần quan trọng trong việc “an dân””.
NGỌC NGÀ