Những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xã hội

10:08, 13/08/2015

Tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc trong huyện đang từng ngày ra sức lao động, sản xuất, học tập, công tác để cùng tạo nên những giá trị làm đẹp giàu quê hương Đức Trọng. Trong đó, có những tấm gương xứng đáng, được tôn vinh và cũng là minh chứng sinh động cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ huyện. 

Tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc trong huyện đang từng ngày ra sức lao động, sản xuất, học tập, công tác để cùng tạo nên những giá trị làm đẹp giàu quê hương Đức Trọng. Trong đó, có những tấm gương xứng đáng, được tôn vinh và cũng là minh chứng sinh động cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ huyện. 
 
Linh mục Nguyễn Văn Bảo (Chánh xứ An Hòa): Hết lòng vì cuộc sống cộng đồng, sống tốt đời, đẹp đạo
 
Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, linh mục Nguyễn Văn Bảo về làm Chánh xứ An Hòa (xã Liên Hiệp), trở thành điểm tựa tâm linh cho giáo dân nơi đây. Gắn đạo với đời, cha xứ vận động nhân dân vươn lên phát triển sản xuất, đẩy lùi đói nghèo, đưa An Hòa trở thành vùng quê yên bình, trù phú. 
 
Linh mục Nguyễn Văn Bảo đã vận động nhân dân sống tốt đời đẹp đạo, bằng nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo giúp đỡ người già yếu, bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và trẻ em, chung sức hành động xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng tinh thần của cha xứ, 5 năm qua, nhân dân giáo xứ An Hòa đã đóng góp gần 1 tỷ đồng giúp đỡ bệnh nhân nghèo, thăm hỏi người già yếu, tổ chức vui chơi, tặng quà cho trẻ em vào dịp lễ tết, giáng sinh, trung thu, quốc tế thiếu nhi; trợ giúp 53 học sinh dân tộc thiểu số nghèo nơi ăn ở, dụng cụ học tập... Giáo xứ còn phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng xây dựng phòng khám bệnh tại chỗ cho đồng bào tại thôn Gần Reo. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, bà con giáo dân An Hòa đã đóng góp làm con đường nhựa dài gần 2km có tổng kinh phí 3 tỷ đồng, trong đó nhà thờ An Hòa đóng góp riêng 140 triệu đồng. Đồng thời, đóng góp lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn tại 4 thôn trong xã thuận tiện cho việc đi lại, bảo vệ an ninh thôn xóm, làm cho đường làng ngõ xóm thêm đẹp đẽ, khang trang. 
 
Những ngày này, giáo dân An Hòa hân hoan, tự hào khi nhà thờ giáo xứ với tháp chuông cao vút uy nghi tựa lưng vào núi vừa khánh thành. 18 tỷ đồng do giáo dân tự nguyện đóng góp dựng lên khang trang, bề thế đã biến niềm mong ước bấy lâu của bà con thành hiện thực và làm đẹp cho một vùng xứ đạo yên bình.
 
Ông Nông Văn Sinh (thị trấn Liên Nghĩa): Làm giàu từ trang trại vườn
 
Nằm khá xa trung tâm thị trấn đông đúc, trang trại rau của anh Nông Văn Sinh phủ nhà kính, nổi bật lên giữa cánh đồng rau giáp ranh với xã N’Thol Hạ. Lập nghiệp bằng đôi tay trên mảnh đất 3ha do cha mẹ khai phá để lại, mới đầu anh trồng bắp, cà phê, nhưng suốt một thời gian dài cà phê không mang lại hiệu quả kinh tế cao do giống cũ thoái hóa, hạt nhỏ, trái ít. Năm 2002, anh Sinh mạnh dạn chuyển sang xây dựng trang trại trồng rau an toàn. Để có vốn ban đầu, anh chia lô đất ở bán, chỉ đề lại một ít đủ ở, mua thêm đất sản xuất, xây dựng 4ha nhà kính trồng rau an toàn. Càng làm càng đam mê, diện tích trang trại rau của anh dần được mở rộng từ số vốn tích lũy do hiệu quả kinh tế mang lại. Hiện nay, với 8ha, trong đó 1ha nhà kính, 1ha nhà lưới được lắp đặt hệ thống phun tưới tự động. Đủ các loại rau quả: cà chua, cải thìa, dưa leo, cà tím, xà lách... đạt năng suất, chất lượng nhờ áp dụng quy trình VietGAP. Anh Sinh chia sẻ: “Rau trồng theo phương thức cũ thường lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Phương thức trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP, được kiểm soát nghiêm ngặt với hệ thống tưới nước tự động, lượng phân bón được cân đối hợp lý, thuốc bảo vệ sinh học không chỉ đạt năng suất cao mà còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, có thể hái rau ăn ngay tại vườn”. 
 
Với quy trình khép kín, từ khâu vườn ươm - ghép giống, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, trang trại của anh Sinh luôn chủ động việc cấy trồng; đồng thời kết hợp chặt chẽ với đầu ra, sản xuất theo đơn đặt hàng, 100% sản phẩm được cung ứng cho các siêu thị ở Tp.Hồ Chí Minh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trang trại của anh tạo việc làm cho 35 - 40 lao động với mức lương ổn định 3,6 - 3,9 triệu đồng/người/tháng... Mỗi năm trừ chi phí, trang trại của anh thu được lợi nhuận 1,2 tỷ đồng. 
 
Với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiến tới anh sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất từ rau an toàn nâng lên rau sạch cung ứng cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. 
 
Ông Nguyễn Công Khanh (xã Bình Thạnh): Tỷ phú nông dân dám nghĩ, dám làm
 
Sinh ra và lớn lên ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, anh Nguyễn Công Khanh khởi nghiệp bằng 1,5ha cà phê. Năm 2000, khi mới ở tuổi 33, anh Khanh tiếp tục mở trang trại nuôi gà trắng lấy thịt với quy mô ban đầu là 4 nhà nuôi, tổng đàn 30.000 con/lứa, mỗi năm 3 lứa. Lâu dần, anh chuyển qua nuôi gà lấy trứng và đi tiên phong ở Lâm Đồng trong mô hình nuôi gà chuồng lạnh. Tiềm ẩn trong con người điềm đạm, ít nói là khát vọng làm giàu lớn. Năm 2013, anh Khanh mạnh dạn đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng 5 khu nuôi gà đẻ trứng với hệ thống lạnh hiện đại, quy mô 100.000 con. 
 
Nhìn bên ngoài, khu nuôi gà của anh Khanh không khác gì các nhà máy lớn. Đó chỉ là những chiếc quạt gió thông hơi điều khí, giữ nhiệt độ điều hòa làm lạnh bên trong. Bước vào, chuồng trại thoáng mát, trong lành với hệ thống nhà lạnh được đầu tư hoàn thiện. Chuồng lạnh, lại thường xuyên vệ sinh nên không gây ô nhiễm môi trường. Việc cho gà ăn, uống, phòng bệnh đều theo đúng quy trình kiểm soát, hệ thống chuồng nuôi luôn giữ vệ sinh sạch sẽ. Nhiệt độ nhà nuôi được giữ ổn định, mặc cho ngoài trời nóng hay lạnh. Nhờ vậy, đàn gà “khổng lồ” của anh cho trứng sạch, đều theo kích cỡ, vỏ đủ độ dày nên khó vỡ khi vận chuyển, tỷ lệ gà đẻ trứng cao đến 90%. Mỗi ngày, 100.000 con gà đẻ 90.000 quả trứng và được chở ngay đến các siêu thị, nhà máy sản xuất bánh kẹo. Trừ chi phí, anh thu đến 400 triệu đồng/tháng, hàng năm thu gần 5 tỷ đồng/năm. Ở tuổi 48, nhìn trang trại quy mô, ai cũng thầm thán phục anh vì sự dám nghĩ, dám làm.
 
QUỲNH UYỂN