Những người đồng hành

09:08, 14/08/2015

Một người là Chủ tịch UBND huyện, một người là lãnh đạo cao nhất của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, người còn lại là thương gia. Khác nhau về công việc, vị trí… nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là sự đồng cảm, tận tâm và nhiệt thành với các hoạt động nhân đạo.

Một người là Chủ tịch UBND huyện, một người là lãnh đạo cao nhất của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, người còn lại là thương gia. Khác nhau về công việc, vị trí… nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là sự đồng cảm, tận tâm và nhiệt thành với các hoạt động nhân đạo.
 
“Tôi thấy mình là người may mắn”
 
“Tôi cảm thấy mình thật sự may mắn vì chặng cuối của những năm công tác, tôi được về Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, có cơ hội chung tay đem niềm vui đến với những số phận không may trong cuộc sống” - bác sĩ Đinh Thị Nga - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ.
 
Bà Đinh Thị Nga trao bộ đồ nghề cho người khuyết tật sau khi hoàn thành khóa học nghề do dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật” do Tây Ban Nha tài trợ
Bà Đinh Thị Nga trao bộ đồ nghề cho người khuyết tật sau khi hoàn thành khóa học nghề do dự án
“Hỗ trợ hòa nhập kinh tế, xã hội và việc làm cho người khuyết tật” do Tây Ban Nha tài trợ
 
Năm 2009, khi đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, bà Nga được điều động sang nhận nhiệm vụ tại Hội CTĐ tỉnh và được bầu chức danh Chủ tịch, Bí thư chi bộ. Bà Nga cho hay, thời gian đầu khi về công tác tại Hội CTĐ tỉnh, bà và lãnh đạo Hội gặp không ít khó khăn và đã dành nhiều thời gian đầu tư cho công tác tổ chức. Khi bộ máy nhân sự đã được kiện toàn, bà Nga cùng với lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh liền phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống Hội. Nhiều hoạt động nhân đạo đã được triển khai, điển hình là Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.  Đây cũng là hoạt động được bác sĩ Nga tâm đắc nhất nên đã tập trung đầu tư và chỉ đạo thực hiện. Nhằm triển khai tốt cuộc vận động này, bác sĩ Nga đã có sáng kiến làm việc với các Ban của Đảng và chỉ đạo cho công đoàn cơ quan làm việc với Công đoàn trong cụm khối thi đua Mặt trận và các đoàn thể nhận đỡ đầu các địa chỉ nhân đạo. Từ cuộc vận động này, hàng trăm trẻ mồ côi, gia đình nghèo đã được quan tâm giúp đỡ; nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật. Cùng với đó, bà Nga cùng với lãnh đạo CTĐ tỉnh còn triển khai tốt các chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình “Hũ gao tình thương”, “Mười người giúp một người”, “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo”, “Thùng tiền nhân đạo”…; triển khai có hiệu quả các dự án nhân đạo.
 
Cùng với các hoạt động trên, công tác hiến máu tình nguyện của tỉnh cũng luôn làm bác sĩ Đinh Thị Nga trăn trở. Nhiều giải pháp đã được Hội CTĐ tỉnh triển khai và mang lại hiệu quả cao như tổ chức gặp mặt các CLB máu hiếm trong tỉnh, tổ chức tôn vinh người hiến máu tình nguyện, tổ chức hội thảo, kịp thời biểu dương, khen thưởng người hiến máu tình nguyện… Nhờ làm tốt những việc trên mà trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh nhà đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tỷ lệ người tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng cao, tính đến nay đã đạt 97%.
 
Để phục vụ cho công tác chuyên môn ngày càng hiệu quả, từ năm 2010 đến nay, bác sĩ Nga đã nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình công tác để đưa ra các giải pháp hữu ích như: Đề tài khoa học về “Khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS của người nghiện chích ma túy tại tỉnh Lâm Đồng” (đề tài này hiện đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh); đề tài “Những giải pháp nhằm tổ chức tốt điểm hiến máu và huy động người hiến máu tình nguyện ở tỉnh Lâm Đồng”; giải pháp hữu ích “Nâng cao hiệu quả hỗ trợ địa chỉ nhân đạo của cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Và, những đóng góp này của bác sĩ Nga cũng đã góp phần không nhỏ giúp cho Hội CTĐ tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua… Riêng bản thân bác sĩ Nga cũng đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, Trung ương; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
 
Chung tay cho công tác từ thiện nhân đạo
 
Ông Nguyễn Đức Tài, hiện là Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà. Không chỉ quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác chữ thập đỏ - từ thiện nhân đạo của huyện, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội và từng 13 lần hiến máu nhân đạo. 
 
Ông Nguyễn Đức Tài (bên phải) trong lễ khánh thành bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế Lâm Hà
Ông Nguyễn Đức Tài (bên phải) trong lễ khánh thành bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế Lâm Hà
 
Với vai trò phụ trách trực tiếp, ông chỉ đạo Hội CTĐ huyện xây dựng kế hoạch hoạt động trong từng năm một cách cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, duy trì chế độ định kỳ làm việc với lãnh đạo Hội CTĐ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác Hội; hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất tạo điều kiện tốt nhất cho Hội hoạt động. Từ năm 2010 đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác CTĐ ở các xã, thị trấn cũng được nhận trợ cấp như các đoàn thể khác.
 
Với sự quan tâm và chỉ đạo cụ thể của ông, Hội CTĐ các cấp tại Lâm Hà những năm gần đây được kiện toàn. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có tổ chức Hội, số lượng hội viên phát triển rộng khắp trong các địa bàn dân cư, trường học, bệnh viện, các cơ quan, cơ sở tôn giáo... Toàn huyện hiện có 16 chi hội cấp xã thị trấn, 190 chi hội cấp thôn, 80 cấp tổ dân phố, 80 hội cơ sở trường học và cơ quan với gần 7.500 hội viên. 
 
Nhiều cuộc vận động, phong trào của các ngành, các cấp, các đoàn thể tại huyện hiện nay được Hội CTĐ Lâm Hà tích cực phối hợp. Hội CTĐ tham gia cùng Mặt trận Tổ quốc trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, từ năm 2011 đến nay đã vận động trên 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ xây 628 căn nhà đại đoàn kết. Với Quỹ “Ủng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo”, huyện đã vận động gần 1,2 tỷ đồng quay vòng vốn giúp cho 231 hộ vay sản xuất không có lãi, góp phần tích cực vào  công tác giảm nghèo của huyện.
 
Các cấp Hội CTĐ tại huyện những năm qua cũng đẩy mạnh vận động “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Từ năm 2010 đến nay người dân Lâm Hà đóng góp trên 1,5 tỷ đồng hỗ trợ lo cho gần 5.000 hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam ăn tết.
 
Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, Hội CTĐ huyện đã thành lập “Đoàn thầy thuốc tình nguyện”, vận động các y bác sỹ trong và ngoài huyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho trên 26 nghìn lượt bệnh nhân nghèo trong huyện, gia đình chính sách, các đối tượng xã hội. Hội cũng phối hợp với các đoàn y bác sỹ khám chữa bệnh đục thủy tinh thể mang lại ánh sáng cho rất nhiều trường hợp cần giúp đỡ, đưa một số trường hợp mổ tim ở Hàn Quốc thông qua tài trợ; xây dựng bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Trung tâm huyện Lâm Hà. Bếp ăn này đến nay đã cung cấp trên 4.000 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo và người thân.
 
Với cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đến nay Hội CTĐ Lâm Hà cùng các chi hội trực thuộc đã giúp đỡ cho 63 địa chỉ với tổng số tiền 130 triệu đồng. Đặc biệt, trong công tác hiến máu nhân đạo, trong 5 năm qua các cấp hội Lâm Hà đã vận động trên 4.000 lượt người đăng ký hiến máu với trên 2.000 đơn vị máu để góp phần cứu sống hàng nghìn người.
 
Là trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động hiến máu nhân đạo của huyện, bản thân ông đã có đến 13 lần trực tiếp tham gia hiến máu và ông coi đây là trách nhiệm của mình cùng chung tay với xã hội cho công tác từ thiện nhân đạo.
 
Nặng nợ với Nam Tây Nguyên
 
Ông có cái tên rất lạ - Trần Văn Sun, nhưng cá nhân tôi không thích hiểu theo nghĩa thông thường, tôi thích suy luận từ SUN theo nghĩa của một từ Anh ngữ. “Mặt trời”, ít nhất ánh sáng từ cái tên ấy cũng đã đủ sưởi ấm cho những bệnh nhân nghèo ở bếp ăn tình thương huyện Đạ Tẻh (trong những suất ăn đủ đầy) suốt thời gian dài qua.
 
Ông Trần Văn Sun và bà Đinh Thị Nga - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh tại bếp ăn tình thương Đạ Tẻh
Ông Trần Văn Sun và bà Đinh Thị Nga - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh tại bếp ăn tình thương Đạ Tẻh
 
“Năm 2009, tình cờ đọc báo tôi biết được tổ chức SIDA (Thụy Điển) sẽ ngưng tài trợ bếp ăn từ thiện của TTYT huyện Đạ Tẻh. Tôi trực tiếp lên bệnh viện xin được tài trợ tiếp cho đến ngày hôm nay, nhằm giúp đỡ những bệnh nhân nghèo”, ông bộc bạch đơn giản và cũng từ đó ông chính thức gắn bó với các hoạt động nhân đạo của Lâm Đồng.
 
Tôi gặng hỏi như một thói quen nghề nghiệp: Tại sao ông lại chọn Lâm Đồng? Lại cũng ngắn gọn, ông trả lời: “Tôi chọn mảnh đất này, đặc biệt là huyện Đạ Tẻh vì từ năm 1979, đây là nơi khởi đầu công việc kinh doanh của tôi”.
 
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, ở vùng ven Sài Gòn. Cha tham gia cách mạng, bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt tù đày tại Côn Đảo với án chung thân. Lớn lên trong nghèo khổ, túng thiếu và thất học, ông không biết mặt cha cũng như còn sống hay đã mất, 13 tuổi ông đã phải tha phương cầu thực, bươn chải kiếm sống bởi mẹ ông phải làm mướn để nuôi ông bà ngoại và một đứa em nhỏ.
 
Những khổ cực đầu đời đã giúp ông vươn lên, trưởng thành, khi hiện tại ông là người điều hành một doanh nghiệp vận tải hàng hóa có thương hiệu ở Tp.Hồ Chí Minh.
 
Cũng chính sự trưởng thành trong nghèo khổ, nên ông rất hiểu và thương cảm với những người nghèo bất hạnh. Khi đã lớn tuổi, cha mẹ qua đời, con cái đã lớn và có một thu nhập ổn định từ công việc của mình, ông đã bắt đầu làm từ thiện. Và Đạ Tẻh, huyện nghèo phía Nam của Lâm Đồng chính là nơi ông chọn lựa để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo có những suất ăn miễn phí, bên cạnh những hoạt động nhân đạo khác của mình.
 
Những người làm công tác chữ thập đỏ Lâm Đồng nói với tôi khi nhắc về ông: Ông Sun ư? Ông ấy là một người bạn thực sự của mảnh đất này.
 
Hẳn nhiên rồi, vì tất cả những gì ông đã chia sẻ, vì ông đã từng nói khi tôi hỏi dự định của ông. “Cuối năm, tùy theo công việc kinh doanh thuận lợi, tôi sẽ tài trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học trong tỉnh do Hội CTĐ tỉnh lựa chọn”.
 
THY VŨ - GIA KHÁNH - LAM ANH