Nhân Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài xoay quanh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua cũng như phương hướng phát triển trong 5 năm tới đây...
Trong các địa phương của Lâm Đồng, huyện Lâm Hà được xếp vào nhóm khá về quy mô kinh tế, đời sống xã hội. Vì vậy, việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng. Nhân Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài xoay quanh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua cũng như phương hướng phát triển trong 5 năm tới đây. Ông Nguyễn Đức Tài cho hay:
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, xét về tổng thể các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đề ra đều cơ bản hoàn thành. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, dần hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư và ngày càng phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc hơn trước; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực, nhất là năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nếu đặt trong bối cảnh ở giai đoạn này, vừa có những mặt thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức thì việc hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà nghị quyết đặt ra là cả quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện.
|
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài (trái) thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao |
PV: Các kết quả “cơ bản hoàn thành” được thể hiện ra sao, thưa Chủ tịch?
Ông Nguyễn Đức Tài: Điều đó được dẫn chiếu bởi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội tổng hợp đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015. Về mặt kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 12,2%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2015 đạt 47,4 triệu đồng/người/năm, vượt 19% so với nghị quyết. Về thu ngân sách nhà nước đạt 1.209 tỷ đồng và tổng đầu tư xã hội trong cả giai đoạn đạt 10.413 tỷ đồng, tăng 112% kế hoạch. Từ các thành tựu kinh tế đạt được đã tác động tích cực đến các chỉ tiêu văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường cũng như việc thực hiện chính sách an sinh trên địa bàn huyện. Qua tính toán, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5% (hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6% thấp hơn nghị quyết đề ra là 7%), giải quyết việc làm cho 16.466 lao động. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa… đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết. Vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện, đồng thời đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đến nay đã đầu tư xây dựng 7 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
PV: Việc xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị luôn giữ vai trò then chốt. Vậy công tác này được huyện quan tâm, chú trọng ra sao?
Ông Nguyễn Đức Tài: Trước hết trong công tác xây dựng Đảng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các nghị quyết của Huyện ủy và cấp trên tất cả đều được các cấp ủy cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Đồng thời triển khai đến các tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng, cán bộ, đảng viên và phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân thực hiện. Việc củng cố, xây dựng mô hình TCCS Đảng theo hướng gắn tổ chức Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị tiếp tục được quan tâm, tập trung thực hiện, từng bước phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua đã thành lập được 14 TCCS Đảng, kết nạp mới 823 đảng viên và xóa được 19 chi bộ sinh hoạt ghép. Bên cạnh đó, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ bộ máy hành chính gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ và đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính… nên hoạt động của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có chuyển biến rõ nét, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo quy định. Qua đó, đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn 5.290 lượt cán bộ và đã đề bạt, bổ nhiệm 72 cán bộ; thỏa thuận, bổ nhiệm lại 38 cán bộ. Đặc biệt, Huyện ủy đẩy mạnh công tác dân vận của hệ thống chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội từ huyện đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ tương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế góp phần xây dựng Lâm Hà ngày càng giàu đẹp.
PV: Bên cạnh những thành tựu nổi bật, hẳn rằng còn tồn tại một số yếu kém và đâu là những nguyên nhân dẫn đến điều đó?
Ông Nguyễn Đức Tài: Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên cũng cần thẳng thắn nhìn ra những khuyết điểm, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp thực hiện nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ qua. Đó là mức tăng trưởng kinh tế huyện còn thấp so với bình quân chung toàn tỉnh và không đạt kế hoạch. Một vài chỉ tiêu kinh tế cơ bản cũng đạt thấp hơn so với nghị quyết như phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt thấp hơn 8% và thương mại, dịch vụ đạt thấp hơn 6% so với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015, dẫn đến mức độ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế còn chậm so với yêu cầu. Mặt khác, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69% do ảnh hưởng bởi hụt thu từ cà phê khoảng 250 tỷ đồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 25% trong khi mục tiêu đặt ra là 33%... Bên cạnh đó, các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm triển khai chậm và gặp không ít khó khăn nên chưa tạo được động lực cho sự phát triển. Những tồn tại này, ngoài ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế khó khăn, mức huy động nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, giá cả nông sản giảm trong khi các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao… Về chủ quan, đấy là năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, phòng ban còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là công tác cải cách hành chính chậm so với yêu cầu nên năng lực cạnh tranh của huyện chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư. Những yếu kém, tồn tại này là bài học kinh nghiệm quý báu để huyện khắc phục triệt để trong nhiệm kỳ tới với quyết tâm xây dựng Lâm Hà phát triển toàn diện, bền vững.
|
Một góc thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà. Ảnh: Văn Báu |
PV: Mục tiêu của huyện xây dựng Lâm Hà phát triển toàn diện, bền vững trong 5 năm tới được thể hiện quyết tâm ra sao, thưa Chủ tịch?
Ông Nguyễn Đức Tài: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI trình Đại hội Đảng bộ huyện khóa VII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mọi nguồn lực; đoàn kết, xây dựng huyện Lâm Hà phát triển toàn diện, bền vững”. So với chủ đề nhiệm kỳ trước thì tới nhiệm kỳ này tiếp tục vẫn giữ vững mục tiêu “phát triển Lâm Hà toàn diện, bền vững” nhưng có sự chuyển biến trong hành động, đó là việc “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ” với quyết tâm chính trị cao nhất để lãnh đạo, chỉ đạo bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, tăng cường khối đoàn kết, tập hợp nhân dân các dân tộc trong huyện nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để đạt mục tiêu nghị quyết đại hội đặt ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Khái quát các mục tiêu đó cần tập trung vào nâng cao chất lượng tăng trưởng, đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2017 Lâm Hà trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập cũng như đời sống tinh thần cho người dân ở nông thôn. Đi cùng quá trình phát triển kinh tế, là việc nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới.
PV: Xin cảm ơn ông, chúc đại hội thành công tốt đẹp!
HỒ XUÂN TRUNG (thực hiện)