Dù đã gần nửa thế kỷ đi qua, nhưng mỗi năm đến những ngày này, hình ảnh Thành cổ Quảng Trị chìm trong khói lửa chiến tranh của năm 1972 cứ in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam.
Dù đã gần nửa thế kỷ đi qua, nhưng mỗi năm đến những ngày này, hình ảnh Thành cổ Quảng Trị chìm trong khói lửa chiến tranh của năm 1972 cứ in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam.
Địa danh lịch sử Thành cổ Quảng Trị nói riêng và thị xã Quảng Trị nói chung được người dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến với ký ức bi hùng oanh liệt nhất, 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” không thể nào quên. Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị trở thành địa danh thân thuộc cho bao người hội tụ tri ân về đây thắp hương, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn tưởng nhớ hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân đã anh dũng chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này. Đỉnh điểm là 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ kiên trung, dũng cảm. Họ là những người con từ mọi miền đất nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường chiến đấu. Những người chiến sĩ kiên trung ấy bằng niềm tin quyết thắng, họ đã khẳng định được sức mạnh kiên cường của con người trước bom đạn và những điều kiện sống khốc liệt nhất của chiến tranh. Sự kiên cường của các chiến sĩ quân giải phóng của các sư đoàn tham gia giải phóng mảnh đất này đã chứng minh được một điều, bom đạn có thể giết chết sinh mệnh con người nhưng không thể hủy diệt được ý chí của những người chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp. Tám mươi mốt ngày đêm kiên cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Thành cổ, bao máu xương đổ xuống đất này đã tạc nên khúc tráng ca của một thời hoa lửa, mà nhà thơ, nhà nghiên cứu có tên tuổi Trần Bạch Đằng đã khái quát bằng 4 câu thơ nổi tiếng: “Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành/Nối vòng hoa lửa với Khe Sanh/Huân chương khó đủ từng viên gạch/Tấc đất, từng giây, mỗi lá cành”.
Trong năm 1972, chính quyền Sài Gòn quyết tâm mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị nhằm tạo thanh thế tại hội nghị Paris và dư luận quốc tế. Địch đặt mục tiêu phải chiếm lại được Thành cổ Quảng Trị trong vòng 2 tuần, hoàn thành trước ngày 13/7/1972 nên đã huy động lực lượng lớn với sự tham gia của không quân và hải quân. Ngoài máy bay chiến lược B52, địch còn huy động các loại máy bay phản lực ném bom, phóng tên lửa, sử dụng pháo hạm đánh phá ác liệt vào Thành cổ Quảng Trị.
|
Thành cổ một thời khói lửa - Ảnh: Thanh Toàn |
Từ ngày 28/6/1972, địch đã huy động tổng lực đánh vào Quảng Trị. Máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần phản kích (có ngày 220 lần), với 70-90 lần B52. Cùng với đó là lực lượng của tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc Hạm đội 7 - Thái Bình Dương, hai sư đoàn dự bị chiến lược là sư dù và thủy quân lục chiến, 4 trung đoàn thiết giáp, mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép... Đây là cuộc hành quân hết sức đẫm máu và cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại, từ bom phá, bom napan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng lade... đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt… nhằm nghiền nát Quảng Trị.
Đối với ta, sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, đã gặp phải những khó khăn to lớn do tổn thất lực lượng, dự trữ hậu cần... Trước âm mưu và hành động mới của địch, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch khẩn trương điều chỉnh lực lượng, phương án tác chiến sẵn sàng đánh địch, giữ vững vùng giải phóng để phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Thi hành mệnh lệnh, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã hạ quyết tâm: “Chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch và phát triển lúc thời cơ có lợi”. Để chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị, ta đã sử dụng lúc cao nhất hơn 10 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không, 3 đại đội xe tăng, thiết giáp, đồng thời có sự chi viện, phối hợp chiến đấu của nhiều sư đoàn, trung đoàn trên chiến trường Quảng Trị.
Trong lửa đạn khốc liệt ấy, mảnh đất Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160m là “túi bom” của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng mặc cả với ta tại Hội nghị Paris. Không thể thống kê hết số bom đạn mà kẻ thù đã dội xuống mảnh đất này; song, các nhà khoa học quân sự đã ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Ác liệt nhất là đêm 4/7/1972, pháo đài bay B52 đã ném 4.000 tấn bom; ngày 31/7/1972, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105-203mm đã nã xuống khu vực thị xã Quảng Trị; ngày 25/7/1972, địch điên cuồng nã vào Thành cổ khoảng 5.000 quả đại bác. Bốn dãy tường Thành cổ dày đến 12m bị vỡ dần, vì bom đạn và chấn động mặt đất, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, ngọn cỏ nào có thể sống sót. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất Thành cổ. Thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ quân giải phóng quân hầu hết đều rất trẻ, tuổi mới mười chín, đôi mươi, là những tân binh, nhiều người trong số đó là học sinh, sinh viên các trường học ở miền Bắc tăng cường cho chiến trường. Các anh đã anh dũng bám trụ giữ từng tấc đất Thành cổ. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những qui ước thông thường với những tấm gương quả cảm. Nhiều chiến sĩ như Phan Văn Ba bị đạn pháo làm nát một bàn tay vẫn xin ở lại chiến đấu; chiến sĩ Hán Duy Long dùng trung liên kẹp nách truy kích diệt 58 tên địch, 3 lần bị thương vẫn giữ vững trận địa...
Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của ta thắng lợi, cũng đồng nghĩa với kết thúc bằng sự thất bại của địch, với một đội quân xâm lược đông trên 5 vạn tên, thừa thãi sức mạnh bom đạn. Điều đó một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ xâm lược có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí quyết chiến, quyết thắng, một lòng một dạ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, Thành cổ Quảng Trị một thời máu lửa nay đã hồi sinh, một màu xanh thắm của hòa bình, niềm hạnh phúc rạng ngời trên từng khuôn mặt, một đô thị trẻ sinh động đã mọc lên, một sức sống mới, một sức sống bất tận đã được hồi sinh trên mảnh đất này. Hơn ai hết, thế hệ những con người Việt Nam hôm nay luôn khắc sâu khúc ca hùng tráng của Thành cổ Quảng Trị. Bất cứ ai hôm nay về thăm Thành cổ Quảng Trị hãy tự mình chiêm nghiệm về những giá trị đúng đắn của con người giữa sự sống và cái chết, giữa hòa bình với chiến tranh. Chính vì vậy, Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị giàu tính nhân văn và tính triết lý. Con người sinh ra rồi cũng mất đi là lẽ tự nhiên nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn. Và mỗi người Việt Nam đến đây hành hương luôn biết rằng “ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua”; nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải sống sao cho xứng đáng với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc; tự hào quá khứ để làm động lực hướng tới tương lai.
Kiều Ninh