Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển đại học

05:08, 21/08/2015

(LĐ online) - Kết thúc 20 ngày tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đại học, tuy không "nóng" như ở một số địa phương, nhưng tại hai trường đại học trên địa bàn tỉnh là Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Yersin, không khí khẩn trương vẫn diễn ra cho đến ngày cuối cùng hết hạn nhận hồ sơ đợt 1 với tinh thần "tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh". 

(LĐ online) - Kết thúc 20 ngày tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đại học, tuy không “nóng” như ở một số địa phương, nhưng tại hai trường đại học trên địa bàn tỉnh là Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) và Trường Đại học Yersin, không khí khẩn trương vẫn diễn ra cho đến ngày cuối cùng hết hạn nhận hồ sơ đợt 1 với tinh thần “tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”. 
 
Vẫn còn nhiều thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ vào trường Đại học Đà Lạt trong ngày hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển đại học đợt 1 (20/8)
Vẫn còn nhiều thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ vào Trường Đại học Đà Lạt trong ngày hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển đại học đợt 1 (20/8)
 
Đại học Đà Lạt: không “nóng” nhưng khẩn trương
 
Ông Văn Quang Viên - Trưởng Phòng Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục Trường ĐHĐL cho biết: trong đợt 1 nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng, hội đồng tuyển sinh của trường tiếp nhận trên 2.700 hồ sơ, đây là tỷ lệ khá cao so với chỉ tiêu tuyển 3.300 sinh viên năm 2015. Trong khi đó, số hồ sơ rút cũng tương đương với hồ sơ nộp, chủ yếu là thí sinh rút để thay đổi nguyện vọng cùng trường và chỉnh sửa các thông tin sai, thiếu… Đến thời điểm này, thí sinh nộp hồ sơ vào trường có số điểm cao nhất là 26,25 điểm, sau khi cộng các điểm ưu tiên là 29,5 điểm, điểm trung bình của các thí sinh từ 15 đến 24 điểm. Theo ông Viên, điểm trung bình này cao hơn mọi năm, chứng tỏ chất lượng đầu vào của trường cũng được nâng lên. Cũng vì lượng thí sinh nộp hồ sơ vào một số ngành nhiều hơn so với chỉ tiêu nên nhà trường đã xin phép Bộ GD&ĐT thay đổi chỉ tiêu một số ngành, điểm chuẩn cũng theo đó tăng lên. Như ngành Toán học chỉ tiêu dự kiến là 90, sau đó điều chỉnh xuống 60, còn ngành Tin học chỉ tiêu dự kiến là 15 nhưng sau đó điều chỉnh không nhận hồ sơ; các ngành như Luật, Quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… đều tăng chỉ tiêu. Ngành Kỹ thuật hạt nhân chỉ tiêu không tăng nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều và điểm cao nên trường điều chỉnh điểm chuẩn từ 20 lên 24 điểm, các ngành sư phạm điểm chuẩn ban đầu cũng từ 17 nhưng sau được điều chỉnh tăng lên từ 20 đến 23,5 điểm. 
 
Đợt xét tuyển này, hồ sơ nộp vào đại học nhiều nhưng cao đẳng lại ít, chỉ gần 40 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu hệ cao đẳng của trường là 300. Số hồ sơ tiếp nhận trong đợt 1 của Trường ĐHĐL đạt 82% chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi kết thúc đợt 1, nhà trường xem xét hồ sơ trúng tuyển và công bố danh sách trúng tuyển trước ngày 25/8; đồng thời, gửi giấy báo trúng tuyển và giấy nhập học về cho thí sinh. Nhà trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đợt 2 từ ngày 25/8 đến 15/9 cho đến khi đủ chỉ tiêu. “Để tạo điều kiện cho thí sinh đến nộp, rút, chỉnh sửa hồ sơ, hội đồng tuyển sinh nhà trường làm việc tất cả các ngày trong tuần. Bộ GD&ĐT quy định cứ 3 ngày phải công bố thông tin tuyển sinh lên website của trường 1 lần nhưng ngày nào trường cũng công bố để thí sinh và phụ huynh cập nhật liên tục, kịp thời mà có những lựa chọn phù hợp. Một điều thuận tiện cho thí sinh năm nay là các em có thể gửi thông tin cần chỉnh sửa cho các Sở GD&ĐT qua chương trình quản lý thi và xét tuyển online của Bộ GD&ĐT mà không phải đến tận trường”, TS.Lê Hồng Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL nhấn mạnh. 
 
Đại học Yersin: Nhiều chế độ chính sách thu hút sinh viên
 
Là trường dân lập nên việc tuyển sinh khó khăn hơn các trường công lập, vì vậy, Trường Đại học Yersin đã đưa ra nhiều chế độ chính sách để thu hút sinh viên như bố trí chỗ ở miễn phí, đặc biệt là chính sách thu hút sinh viên khá, giỏi như miễn học phí 4 năm cho sinh viên có điểm đầu vào từ 20 trở lên, miễn học phí năm học đầu tiên cho sinh viên đạt loại giỏi và xuất sắc, cấp học bổng cho sinh viên khá, giỏi và khó khăn… Đồng thời, nhà trường mở rộng đào tạo các ngành Điều dưỡng, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Ngôn ngữ Anh và cho sinh viên học tiếng Nhật miễn phí, liên kết với đối tác Nhật Bản để tuyển sinh viên các ngành này sang Nhật làm việc sau khi ra trường. Trong 4 năm qua, đã có hơn 30 sinh viên của trường được sang làm việc dài hạn tại Nhật Bản với mức lương trung bình từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. 
 
Bên cạnh đó, Trường Đại học Yersin cũng tổ chức tuyển sinh theo hai phương án: dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 và dựa vào kết quả học bạ THPT để tạo cơ hội cho thí sinh có được “cánh cửa” vào giảng đường đại học. “Điểm mới của năm nay là thí sinh chỉnh sửa thông tin chỉ cần gọi điện đến số điện thoại của bộ phận tư vấn tuyển sinh chứ không cần đến trực tiếp tại trường, điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải đi lại mất thời gian”, anh Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông Trường Đại học Yersin cho biết. 
 
“Việc tuyển sinh năm nay của trường có khả quan hơn những năm trước, trong đợt 1 xét tuyển, nhà trường đã tiếp nhận hơn 500 hồ sơ hoàn thiện và hơn 100 hồ sơ cần chỉnh sửa, trong khi đó chỉ tiêu của trường là 700. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của trường là nhìn nhận của xã hội về trường dân lập vẫn chưa có sự công bằng. Vì vậy, nhà trường cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó, chú trọng thực hành và giáo dục kỹ năng cho sinh viên để cung cấp cho xã hội những nhân lực chất lượng cao”, thầy Trương Thành Trung – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin khẳng định. 
 
Như vậy, có thể thấy, công tác tuyển sinh đại học trên địa bàn tỉnh dù không “sôi động” nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh và phụ huynh. Các trường đang nỗ lực để “cánh cửa” bước vào giảng đường đại học của thí sinh thêm “rộng mở”.
 
TUẤN HƯƠNG