Theo chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN VN, Hội Phụ nữ Lâm Đồng tổng kết Đề án 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015". Đề án 295 đề ra mục tiêu: Mỗi năm có ít nhất 1.000 nữ thanh niên và phụ nữ sau khi học nghề có việc làm, 100 - 200 nữ thanh niên đi xuất khẩu lao động, tổ chức 1 - 2 lớp dạy nghề cho phụ nữ nông thôn.
Theo chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN VN, Hội Phụ nữ Lâm Đồng tổng kết Đề án 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”. Đề án 295 đề ra mục tiêu: Mỗi năm có ít nhất 1.000 nữ thanh niên và phụ nữ sau khi học nghề có việc làm, 100 - 200 nữ thanh niên đi xuất khẩu lao động, tổ chức 1 - 2 lớp dạy nghề cho phụ nữ nông thôn.
|
Dạy nghề mây tre đan cho phụ nữ tại cơ sở của chị Phạm Thị Tâm, ở tổ dân phố 3 - thị trấn Madaguôi (Đạ Huoai) |
Một mô hình dạy nghề hiệu quả
Chúng tôi đến thăm cơ sở dạy nghề mây tre đan tại nhà của chị Phạm Thị Tâm, ở tổ dân phố 3 - thị trấn Madaguôi (Đạ Huoai). Hiện cơ sở dạy nghề mây tre đan của chị Tâm giải quyết việc làm cho 20 lao động và khoảng 100 phụ nữ nhận nguyên vật liệu về làm tại nhà, thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng. Nghề dạy nghề, rồi người đi truyền nghề, qua thời gian, cả nhà chị Tâm gồm 2 vợ chồng và cô con gái trở thành những người thầy dạy nghề mây tre đan cho hàng ngàn phụ nữ, người khuyết tật ở 6 huyện phía Nam Lâm Đồng và Đồng Nai. Các sản phẩm mây tre đan được xuất khẩu thông qua các công ty ở Bình Dương, Biên Hòa, Tp.HCM.
Cứ 3 tháng một khóa học, khi học viên đã biết nghề, chị Tâm nhận nguyên vật liệu từ Tp.HCM về cho chị em làm gia công, rồi nhận sản phẩm cung cấp ngược về cho công ty cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Lượng hàng mây tre đan từ cơ sở chị Tâm đưa ra thị trường trị giá 200 triệu đồng/tháng, tiền công mỗi tháng chị Tâm trả cho người lao động từ 80-90 triệu đồng. Chị Tâm vào nghề đã ngót 20 năm, dạy nghề cho bà con 12 năm, chủ yếu cho phụ nữ và người khuyết tật. Chị Tâm nhẩm tính đã truyền nghề cho 1.000 người ở Đồng Nai và 1.000 phụ nữ ở 6 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, có 20 lớp, khoảng 35 người/lớp thuộc dự án hỗ trợ dạy nghề của ngành Lao động - TBXH và Hội Phụ nữ.
Đây là mô hình dạy nghề mây tre đan hiệu quả được Hội LHPN tỉnh chọn sản phẩm mây tre đan là một trong những sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của Phụ nữ Lâm Đồng.
Gần 12 ngàn phụ nữ có việc làm sau khi học nghề
Trên phạm vi toàn tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp tổ chức 466 lớp dạy nghề cho trên 13.980 lao động nữ, học về kết cườm, đan bèo, mây tre đan, thêu, móc, dệt thổ cẩm, may công nghiệp. Sau khi học nghề xong, phần lớn chị em tổ chức nhận hàng gia công, hình thành các nhóm sản xuất tại gia đình. Các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm khuyến nông tổ chức 840 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hội thảo về sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây chè, cà phê cho trên 130.000 lượt hội viên phụ nữ. Hội Phụ nữ 12 huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Phòng Lao động - Thương binh Xã hội tổ chức tư vấn học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động cho 162.375 lượt lao động trong độ tuổi, trong đó có 123.455 phụ nữ. Qua đó, giới thiệu 4.658 chị làm việc trong và ngoài tỉnh.
Trong 5 năm triển khai Đề án 295, đã có 11.862 phụ nữ có việc làm sau khi học nghề; qua kênh giới thiệu việc làm được doanh nghiệp, công ty tuyển dụng 3.443 người. Đặc biệt có 8.419 chị em sau học nghề tự tạo việc làm và 2.000 chị sau học nghề đã tham gia các mô hình tạo việc làm. Các mô hình tạo việc làm sau học nghề nổi bật như: 2 lớp đan bèo tại thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) có 64 chị; 2 lớp chăn nuôi thú y tại Lộc Thắng và xã Lộc Nam (Bảo Lâm), học nghề xong các chị có việc làm tại chỗ, tăng thu nhập gia đình; lớp may công nghiệp ở xã Lộc Nam (Bảo Lâm) mang tên “Chị tôi” của chương trình ENAT tài trợ 70 triệu đồng cho 30 chị học nghề. Tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm) còn có mô hình “Tổ hợp tác may công nghiệp” với 30 thành viên, học nghề xong có việc làm cho thu nhập hàng tháng 2,5 triệu đồng/chị. Mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản” tại thị trấn Đạm Ri - huyện Đạ Huoai có 30 thành viên được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm cho chị em đem lại thu nhập ổn định.
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đa dạng
Các mô hình phù hợp với hội viên phụ nữ như: mô hình nuôi heo nái sinh sản, tổ đan sọt tre, mây tre đan, bóc hạt điều, nuôi gà thả vườn, nuôi ba ba, trồng ca cao xen điều, trồng nấm rơm, nuôi bò cao sản, bò sữa, thỏ, nuôi cá nước ngọt, nuôi heo đen trong vùng dân tộc, trồng dâu nuôi tằm, trồng khoai môn năng suất cao... Khôi phục các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan len, thêu ren, tổ chế biến bún. Nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác từng bước thành lập HTX, Hội Phụ nữ Bảo Lộc đã xây dựng được 2 HTX là HTX may mặc An Lộc và HTX tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Nguyên tạo việc làm ổn định cho 80 chị em phụ nữ; Hội Phụ nữ Di Linh ra mắt 2 tổ hợp tác trồng nấm rơm tại xã Bảo Thuận với 42 chị tham gia; Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà duy trì HTX tiểu thủ công nghiệp Kim Thoa chuyên hàng dệt móc len và HTX Tân Lập (xã Tân Văn) chuyên trồng dâu nuôi tằm...
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nhờ các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh, 5 năm qua đã có trên 6.300 phụ nữ được thoát nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no. Hội LHPN tỉnh được Trung ương Hội LHPN VN hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng để triển khai Đề án 295. Để tiếp tục triển khai hỗ trợ dạy nghề tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh kiến nghị Trung ương cần hỗ trợ thêm nguồn vốn giải quyết việc làm sau khi được đào tạo nghề cho chị em. Tăng cường phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, đặc biệt lao động nữ, dạy các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tăng tỉ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sau học nghề. Hội Phụ nữ các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Lao động Thương binh Xã hội, các trung tâm dạy nghề tổ chức mở các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho chị em phù hợp với nhu cầu thực tế.
AN NHIÊN