Xác định công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội; triển khai Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 23/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện kịp thời, có hiệu quả tại địa phương.
* Năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh là 114,1 nam/100 nữ
Xác định công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội; triển khai Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 23/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện kịp thời, có hiệu quả tại địa phương.
|
Nụ cười trẻ thơ. Ảnh: PHAN NHÂN |
Năm 1994 Lâm Đồng có 781.735 người, năm 2014 tăng lên 1.265.681 người. Năm 2008, Lâm Đồng bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tạo lợi thế về nguồn nhân lực, một điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng trưởng bứt phá, bước vào thời kỳ phát triển ổn định. Từ năm 1994 đến nay, tỷ suất sinh thô trong tỉnh năm sau giảm hơn năm trước: từ 1994 đến 2014 giảm từ 30,72% xuống còn 17,81%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 29% xuống 14,94%; tổng tỷ suất sinh (số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời) giảm từ 3,8% con/phụ nữ xuống còn 2,16% con/phụ nữ.
Thành tựu nổi bật về giảm sinh làm thay đổi rõ rệt cơ cấu dân số theo tuổi, tạo tiền đề vững chắc để sớm ổn định quy mô dân số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống ngày một cải thiện, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Trong những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và dần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng thành thị và nông thôn. Nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai và từng bước mở rộng tại các huyện, thành phố. Đó là: Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sau sinh nhằm phát hiện, xử lý sớm các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh, các rối loạn chuyển hóa di truyền; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đối với việc phân bổ dân cư trong những năm qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương quy hoạch các khu dân cư tập trung, nhất là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để thuận tiện cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn và ổn định cuộc sống.
Để đạt những kết quả trên, tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ, xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ. Công tác truyền thông giáo dục không ngừng được đổi mới về tổ chức và phương pháp, bằng nhiều loại hình, mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng, hướng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh chỉ đạo các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chấp nhận gia đình quy mô nhỏ ở 2 con; duy trì và thành lập mới nhiều mô hình truyền thông như xã, phường hạn chế người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình đưa chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước cộng đồng... Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện lồng ghép công tác truyền thông giáo dục vào nhà trường, đoàn thể như tổ chức các cuộc thi nhằm trang bị cho đối tượng vị thành niên, thanh niên kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, vấn đề giới, bình đẳng giới và hôn nhân gia đình; cung cấp kịp thời các phương tiện tránh thai cho người dân. Việc xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ được tích cực triển khai, đã khuyến khích các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia cung cấp các dịch vụ DS-KHHGĐ, góp phần mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ở địa phương.
Tuy đạt một số kết quả bước đầu song việc thực hiện chính sách về DS-KHHGĐ ở Lâm Đồng vẫn gặp một số khó khăn, thách thức: Tỉnh chưa đạt được mức sinh thay thế, năm 1994 tổng tỷ suất sinh 3,8 con, năm 2014 là 2,16 con; phấn đấu đến 2016 đạt mức sinh thay thế. Lâm Đồng vẫn là một trong những tỉnh tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dân số, tỷ lệ sinh giảm chậm, tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, chất lượng dân số còn thấp. Năm 2001, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 108nam/100 nữ; năm 2009 là 112,6 nam/100 nữ; năm 2010 là 116 nam/100 nữ và năm 2014 là 114,1 nam/100 nữ. Bên cạnh đó, vấn đề di dân tự do đến Lâm Đồng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Bình quân hàng năm có khoảng 2.551 hộ với trên 10.200 nhân khẩu di cư tự do đến. Từ năm 2006, tình trạng này có giảm so với những năm trước nhưng vẫn gây khó khăn trong quản lý, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ...
Để triển khai lồng ghép các vấn đề dân số trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Lâm Đồng tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 31-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chính sách DS-KHHGĐ; chú ý các đối tượng dễ sinh con thứ 3 trở lên, các đối tượng hạn chế về nhận thức, bị ràng buộc bởi các phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương bằng các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, các chương trình hành động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; xây dựng quy chế, quy định, xử lý một cách kiên quyết, cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm chính sách DS-KHHGĐ... Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nhằm nâng cao khả năng thu hút đông đảo quần chúng tham gia; phát huy nguồn lực trong nhân dân; lồng ghép công tác DS-KHHGĐ với các chương trình xóa đói, giảm nghèo; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, viên chức, những người làm công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở.
LAN HỒ