Đề án 1816 góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

05:09, 11/09/2015

Đề án 1816 của Bộ Y tế "Cử cán bộ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành Y tế Lâm Đồng. Trong 5 năm qua, nhiều kỹ thuật mới được triển khai tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngày càng tạo niềm tin cho người bệnh. 

Đề án 1816 của Bộ Y tế “Cử cán bộ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành Y tế Lâm Đồng. Trong 5 năm qua, nhiều kỹ thuật mới được triển khai tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngày càng tạo niềm tin cho người bệnh. 
 
BS Bệnh viện Y Dược Tp.HCM chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối cho các BS Khoa Ngoại BVĐK Lâm Đồng
BS Bệnh viện Y Dược Tp.HCM chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối
cho các BS Khoa Ngoại BVĐK Lâm Đồng

Những ca bệnh đặc biệt
 
Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến ghi nhận các ca bệnh đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ngày 18/7/2014, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thực hiện việc tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối do bác sĩ Bệnh viện Y Dược Tp.HCM chuyển giao kỹ thuật. Hai bệnh nhân đầu tiên ở Lâm Hà được ê kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng là: Lê Thị Dự (41 tuổi) và Nguyễn Văn Nguyên (18 tuổi) đều bị tai nạn chấn thương đứt dây chằng gối. Mỗi ca phẫu thuật kéo dài 45 phút đã thành công tốt đẹp. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch 1 năm chuyển giao kỹ thuật thay khớp háng, thay khớp gối, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, khớp vai do Bệnh viện Y Dược Tp.HCM chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng theo Đề án 1816. 
 
Ngày 10/2/2015, bệnh nhân Ya Nhin (SN 1981) ở Lạc Xuân (Đơn Dương) bị tai nạn do té từ độ cao 2 mét xuống đất gãy cột sống cổ được đưa đi cấp cứu chuyển viện từ Trung tâm Y tế Đơn Dương lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. BS Nguyễn Minh Thu - Phó Trưởng khoa Ngoại chấn thương - Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, phẫu thuật chính cho biết: Ca mổ đã thành công với kỹ thuật cố định cột sống cổ lối sau bằng bắt vít vào khối bên, lần đầu tiên triển khai tại BVĐK tỉnh do bác sĩ tại chỗ thực hiện. Kỹ thuật này do Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM chuyển giao cho BVĐK Lâm Đồng năm 2014. 
 
Ngày 25/3/2015, bệnh nhân Hà Minh T. (20 tuổi) ở Phường 12 - Đà Lạt, bị đâm vào ngực vết thương ngang giữa thân xương ức dài 2cm thấu tim, mạch huyết áp không đo được. BS Lê Quý Sơn - Trưởng Khoa ngoại tổng hợp, phẫu thuật viên chính, khi mổ thấy tụ máu dày màng ngoài tim với lượng máu trong khoang lồng ngực trái khoảng 1.000ml loãng. Êkíp phẫu thuật đã tiến hành tách khối tụ máu, kiểm tra thấy thủng qua màng ngoài tim vào tâm thất phải 2cm theo chiều ngang. Phẫu thuật viên chính đã khâu vết thương tâm thất, kiểm tra không thấy tổn thương phổi, chảy máu từ xương ức. Ca phẫu thuật vết thương tim thành công đã cứu sống bệnh nhân. 
 
Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn
 
Sở Y tế Lâm Đồng hướng dẫn thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề trong các cơ sở khám chữa bệnh theo Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian luân phiên tối thiểu 6 tháng và tối đa là 12 tháng; có thể luân phiên theo nhiều đợt, mỗi đợt 2 ngày/tuần, 1 tuần/tháng, tối đa không quá 60 ngày/đợt. Chế độ áp dụng đối với người hành nghề trong thời gian đi luân phiên gồm: Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hưởng; được hưởng chế độ đặc thù như được trợ cấp hàng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và được chế độ ưu tiên nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luân phiên sẽ được nâng lương trước thời hạn.
Triển khai 25 kỹ thuật mới 
 
Trong giai đoạn 2011-2014, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Di Linh đã được tiếp nhận trên 60 lượt cán bộ hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng II, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhiệt đới Tp.HCM; Bệnh viện YHCT Tp.HCM, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II hỗ trợ về các lĩnh vực chuyên môn. Có thể kể đến các nội dung hỗ trợ như: Hồi sức cấp cứu, phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa nhi, chẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh YHCT, tâm thần… Các cán bộ đến luân phiên đã tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tại chỗ cho các bác sĩ của đơn vị, trực tiếp thăm khám các bệnh nhân và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Qua hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh đã nâng cao chất lượng chuyên môn tại đơn vị, triển khai được 25 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới; trên 1.400 lượt cán bộ của tỉnh đã được tập huấn, nâng cao trình độ; trên 2.800 bệnh nhân được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp khám chữa bệnh.
 
1.000 lượt y, bác sĩ về xã 
 
Trung tâm y tế các huyện, thành phố đã cử trên 1.000 lượt cán bộ hỗ trợ chuyên môn hàng tuần cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn, đặc biệt những trạm chưa có bác sỹ, các trạm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 5 năm qua, các cán bộ luân phiên từ tuyến huyện cho tuyến xã đã thực hiện khám chữa bệnh cho gần 100.000 lượt bệnh nhân tại xã và tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho trên 700 lượt cán bộ y tế tuyến xã. Hỗ trợ khám chữa bệnh cho tuyến xã góp phần giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật tốt hơn ngay tại y tế cơ sở. 
 
Trong giai đoạn 2011-2015, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đã cử trên 400 lượt cán bộ hỗ trợ 120 nội dung chuyên môn thuộc các lĩnh vực chuyên khoa cho 12 Trung tâm y tế tuyến huyện. Các lĩnh vực chuyên môn được các bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện bao gồm: Hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Qua hỗ trợ của các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được 25 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới; các cán bộ hỗ trợ đã trực tiếp khám chữa bệnh cho khoảng 5.000 bệnh nhân tại huyện; trên 1.500 trường hợp không phải chuyển tuyến trên và 1.600 lượt cán bộ tuyến huyện được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. 
 
BS Đồng Sỹ Quang - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế cho biết: Đây là hình thức chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả trong điều kiện mà các bệnh viện tuyến tỉnh chưa đủ lực lượng cán bộ chuyên khoa để trực tiếp luân phiên tại tuyến dưới như hiện nay. Hình thức này kết hợp với việc bố trí cán bộ xuống hỗ trợ trực tiếp tại đơn vị cơ sở giúp nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nâng cao hiệu quả của đề án.
 
DIỆU HIỀN